Sự kiện hot
5 năm trước

Cắt đôi que thử HIV ở Bệnh viện Xanh Pôn: Có dấu hiệu hình sự

Theo luật sư, vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn có dấu hiệu hình sự, do vậy, cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân liên quan để xử lý theo pháp luật.

Liên quan tới vụ cắt đôi que thử trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), trao đổi với PV VTC News, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội có một số chia sẻ nhằm làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan.

Có dấu hiệu hình sự

Theo luật sư Tuấn, hành vi của các nhân viên y tế liên quan tới vụ việc trên có thể gây ra hậu quả  nghiêm trọng. Bởi quá trình xét nghiệm bệnh HIV và bệnh viêm gan B, việc cắt que thử có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp bệnh nhân có kết quả dương tính, bị chẩn đoán nhầm sẽ để lại hậu quả khôn lường.

“Việc làm này không chỉ gây hậu quả trong khám/chữa bệnh mà còn là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng tới chính uy tín của Bệnh viện Xanh Pôn và của toàn ngành y tại Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Luật sư Tuấn cho biết, tuy hành vi trên của các nhân viên y tế không được quy định rõ ràng, cụ thể thành điều luật riêng, nhưng vẫn có các điều luật liên quan, quy định chung để điều chỉnh.

Cat doi que thu HIV o Benh vien Xanh Pon: Co dau hieu hinh su hinh anh 1
 Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Cụ thể tại Điểm b Khoản 3, Điều 22, Nghị định 176 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế do Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 thì hành vi Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử phạt tới 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngoài chịu trách nhiệm hành chính, những cá nhân vi phạm có thể bị xử lý bởi quy định nội bộ của tổ chức, bệnh viện đối với nhân viên làm việc theo Hợp đồng; và bị xử lý theo Luật cán bộ, công chức, viên chức nếu là viên chức.

“Trong vụ việc này, nếu phát hiện có hành vi vi phạm của cả 3 nhân viên y tế vừa bị tạm đình chỉ, hình thức xử lý với Phó phụ trách khoa Vi sinh y học sẽ là mức kỷ luật cao nhất buộc thôi việc, kỷ luật viên chức và bồi thường. Hai nhân viên phụ trách việc xét nghiệm làm việc theo Hợp đồng lao động với cơ sở y tế sẽ bị chấm dứt Hợp đồng lao động, buộc bồi thường, khắc phục hậu quả”, luật sư Tuấn nói.

Nếu cơ quan chức năng kết luận các nhân viên của Bệnh viện Xanh Pôn có thực hiện hành vi cắt đôi que thử, dụng cụ y tế nhằm chuộc lợi thì cũng có thể bị khởi tố theo tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, những người có hành vi trên có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là chung thân, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, việc đánh giá mức độ vi phạm trong vụ việc tại Bệnh viện Xanh Pôn là khá khó khăn. Bởi hành vi đã diễn ra trong quá trình, thời gian dài, không tập trung, và các bằng chứng quan trọng đều không còn. Do vậy cần phải có sự điều tra, đấu tranh với tội phạm của Cơ quan Công an có thẩm quyền thì mới có thể đưa ra nhận định chính xác về mức hình phạt cụ thể cho các đối tượng thực hiện hành vi.

Cat doi que thu HIV o Benh vien Xanh Pon: Co dau hieu hinh su hinh anh 2
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Trách nhiệm của bệnh viện tới đâu?

Luật sư Tuấn chia sẻ, với Bệnh viện Xanh Pôn, mặc dù không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan nhưng vẫn phải chịu sự khiển trách từ cơ quan quản lý trong ngành y tế, đó là Sở Y tế hoặc Bộ Y tế về việc buông lỏng khâu thanh tra, quản lý nội bộ, dẫn đến tình trạng xảy ra những sự việc vi phạm pháp luật trong tổ chức cơ quan mình.

Còn trong những người thực hiện hành vi, cần phải xem xét vai trò của từng đối tượng trong vi phạm để xác định trách nhiệm.

“Trong vụ việc này người nào có chức vụ, quyền hạn lớn, người nào cầm đầu, chỉ huy việc phạm tội thì phải chịu trách nhiệm cao nhất theo quy định. Những người còn lại là đồng phạm với vai trò người thực hiện, người giúp sức thì sẽ phải chịu trách nhiệm ít hơn. Điều này phải chờ kết luận điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra thì mới có thể đưa ra nhận định chính xác”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Khả Minh
Theo VTC

Từ khóa: