Khách hàng bị… “bẫy”?
Theo phản ánh của 15 hộ dân tổ 20&21 phố Triều Khúc (Thanh Xuân Nam, Hà Nội), năm 2010, họ có ký Hợp đồng giao thầu với Viwaco để thiết kế và thi công tuyến ống cấp nước, đấu nối với mạng ống phân phối nước của Viwaco. Trong thời gian thi công, nhân viên (tên Thành) trong đội thi công Viwaco đặt vấn đề với từng hộ dân “bồi dưỡng” để thi công cẩn thận và “tiết kiệm nước”. Nghĩ rằng anh Thành là người của công ty, các hộ dân tin tưởng nộp tiền “bồi dưỡng” từ 200 đến 700 ngàn đồng/hộ. Đến tháng 3.2012, Viwaco sau khi kiểm tra, đã thu giữ đồng hồ đo và ngừng cấp nước cho 15 hộ gia đình vì cho rằng đồng hồ bị sai lệch từ 20% đến 40%.
Đến ngày 24.3, khi các hộ dân được bộ phận QHKH của Viwaco thông báo: Số nước thất thoát được tính là 7m3/ngày, nên mỗi hộ phải nộp số tiền hơn 45 triệu đồng. Tuy nhiên, có điều khó hiểu là, biên bản nộp phạt ghi ngày 20.3, nhưng thông báo nộp tiền phạt lại phát hành vào ngày 16.3, tức là trước đó 4 ngày. Người dân không thể không nghi ngờ đây là “kịch bản” được sắp xếp để “lừa” họ.
Không đồng ý với số tiền truy thu vô lý, người dân kiến nghị Viwaco đưa ra cơ sở để tính toán lượng nước thất thoát, nhưng không được chấp nhận. Ngày 4.4, các hộ dân lại nhận được thông báo, yêu cầu các hộ nộp tiền cho Viwaco với mức “giảm trừ” là 30%. Sau đó hai ngày, Viwaco lại có thông báo mới, với mức “giảm trừ” là 50%.
Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Lâm, tổ dân phố 20 Triều Khúc, băn khoăn: “Đến nay người dân vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận kiểm định đồng hồ, thì lấy căn cứ nào để xác định đồng hồ ở thời điểm lắp đặt chính xác”. Ông Nguyễn Ngọc Kiên, số 10 ngõ 97 Triều Khúc bức xúc: “Nếu có thất thoát nước thì cũng là việc người dân bị mắc lừa. Nhân viên của Viwaco tự gợi ý thi công để tiết kiệm nước. Thực tế, họ điều chỉnh đồng hồ thế nào, chúng tôi không biết. Viwaco quản lý yếu kém nên phải có trách nhiệm với dân”.
Có thể kiện Viwaco?
Nói về vụ việc này, ông Ngô Chí Nam - GĐ Hành chính của Viwaco khẳng định: Nhân viên Viwaco không tiếp tay trộm cắp nước. Các hộ dân đã trộm cắp tài sản nhà nước, thì không thể thỏa thuận bồi thường (?). Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tiếp tục làm việc với ông Cao Hải Tháp - Phó TGĐ Viwaco. Theo ông Tháp, Viwaco đã làm đúng luật. Tuy nhiên, khi PV hỏi, tại Hợp đồng Dịch vụ cấp nước có ghi: Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước nếu khách hàng sử dụng nước vi phạm các quy định của Hợp đồng, nhưng phải thông báo cho khách hàng trước 5 tuần về việc ngừng dịch vụ, thì ông Tháp nói sẽ kiểm tra lại.
15 hộ dân phải dùng nhờ nước hàng xóm
Theo tư vấn từ Công ty Luật YouMe, việc làm trên của Viwaco có thể coi là hành vi vi phạm hợp đồng đã giao kết giữa các bên. Các hộ dân có thể yêu cầu Viwaco phải chấm dứt ngay vi phạm và bồi thường cho khách hàng hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Các tài liệu mà người dân cung cấp cho thấy, đã có dấu hiệu tác động vào đồng hồ đo nước và có thể do nhân viên Viwaco thực hiện trước khi bàn giao công trình. Điều khó hiểu là, cả khách hàng và Viwaco đã ký biên bản nghiệm thu công trình, vậy tại thời điểm này đồng hồ đo nước có sai lệch không (?). Bởi vậy, các hộ dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ các vấn đề: Ai là người đã làm sai lệch đồng hồ và vào thời điểm nào? Người dân vi phạm hay chỉ là người bị hại khi bị người khác lừa đảo? Viwaco tạm giữ đồng hồ đo nước, nhưng không bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đúng quy định của pháp luật?…
Người dân cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác lượng nước bị thất thoát. Theo các hộ dân, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu vi phạm, nhưng sai tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó. Viwaco không thể ép phạt các hộ dân thế nào cũng được.