Lời quả quyết ấy thốt lên từ miệng một phụ nữ dân tộc Thái có 10 năm cải tạo trong tù vì tội buôn bán ma túy. Mừng vì được đặc xá trở về sớm hơn so với mức án, chị ta hứa sẽ làm việc chăm chỉ để chuộc lại lỗi lầm.
Lời quả quyết ấy thốt lên từ miệng một phụ nữ dân tộc Thái có 10 năm cải tạo trong tù vì tội buôn bán ma túy. Mừng vì được đặc xá trở về sớm hơn so với mức án, chị ta hứa sẽ làm việc chăm chỉ để chuộc lại lỗi lầm.
Đi tù vì nghĩ quẩn
Hoàng Thị Lịch, dân tộc Thái SN 1971, sinh sống tại Mộc Châu, Sơn La. Đã ở vào tuổi 42 nhưng trông chị ta trẻ hơn so với tuổi nhờ nước da trắng trẻo. Giọng nói nhẹ, Lịch có phần rụt rè khi kể lại nguyên nhân phạm tội của mình: "Năm 2000, chồng tôi không may bị tai nạn trong một lần lao động và bị hỏng một bên mắt, trong khi hai con còn nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn, tôi phải chạy vạy nhiều nơi vay tiền chữa bệnh cho chồng. Trong lúc xoay đủ cách kiếm tiền mà không ra, tôi đã nghĩ quẩn”.
Phạm nhân Hoàng Thị Lịch trước ngày đặc xá
“Đói ăn vụng, túng làm liều”, ý nghĩ quẩn mà Lịch nói đó là nghe lời rủ rê của mấy người trong xóm, dù biết dính vào ma túy thế nào cũng tù tội nhưng vì có tiền thuốc thang cho chồng ngay khi đó, Lịch đã nhận lời đi buôn ma túy.
Nghĩ sao làm vậy, tháng 1/2004, Lịch mua một cây ma túy của một người dân tộc Mông nhưng trên đường mang ma túy đi bán thì bị Công an bắt. Lịch bị TAND tỉnh Sơn La xử phạt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và phải chịu án phạt 14 năm tù giam. Từ trại giam Công an tỉnh Sơn La, sau hơn một năm lấy lời khai, xét xử, tháng 7/2004, Lịch được chuyển về trại giam Ninh Khánh.
Nhớ lại những ngày đầu bị bắt, Lịch chưa hết cảm giác bị “sốc”. Chị không thể quên được hình ảnh những đứa con khóc sướt mướt khi mẹ bị Công an bắt đi. Rồi ánh mắt tuyệt vọng của người chồng nhìn theo Lịch. Thời gian đầu khi vào trại, Lịch không thiết ăn uống, đêm nào cũng nghĩ vì mình dại dột mà làm khổ chồng, con.
Là người phụ nữ dân tộc Thái, quanh năm chỉ biết quanh quẩn bên góc bếp, mảnh vườn, chăn nuôi con lợn con gà, nay vì sa ngã phải vào trại giam cải tạo, Lịch ân hận lắm. Lịch kể, vào trại khi các con còn nhỏ, bố mẹ thì mất cả còn bố mẹ chồng thì già, chồng lại tàn tật thế nên nhiều lúc bi quan, tiêu cực lắm. Lịch bảo, nhiều lúc cũng muốn chết đi nhưng rồi lại nghĩ đến con cái, nhất là mỗi khi gia đình lên thăm, nhìn cảnh bố mẹ chồng đã già, lọ mọ dắt díu nhau từ Sơn La vào thăm con dâu, trong lòng Lịch lại càng thấy day dứt. Vừa muốn chết cho khỏi phải nghĩ, đau đầu, Lịch lại vừa muốn sống để trả nghĩa cho bố mẹ chồng và chăm con cái. Mất vài năm sống trong sự giằng co ấy, Lịch mới dứt ra được những tiêu cực, bi quan để xác định rõ ràng một quyết tâm sống. Con đường phía trước với Lịch càng rõ nét hơn khi người chồng tàn tật vẫn không bỏ rơi vợ. Do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở xa nhưng năm nào chồng Lịch hoặc bố mẹ chồng cũng cố thu xếp một lần xuống trại giam thăm kẻ tù tội. Lịch bảo, ngày đó thường là dịp cuối năm hoặc gần Tết Nguyên đán nên để có được những giây phút đoàn tụ, chị ta luôn cố gắng cải tạo tốt cả năm để có được một ngày thăm gặp riêng trong căn buồng hạnh phúc. Những khi ấy, Lịch được khóc thoải mái trước mặt người thân mà không ngần ngại, được nhận những cử chỉ yêu thương của người chồng chung thủy và những lời động viên của bố mẹ, anh chị chồng. Tình cảm đó đã giúp Lịch giữ được thăng bằng, quyết tâm cải tạo tốt để có ngày hôm nay, tha tù trước thời hạn.
Dự định cho ngày ra tù
“Ở trong này 10 năm rồi, tôi chưa hình dung được ở bên ngoài giờ thế nào nhưng người không bằng cấp, nghề nghiệp như tôi chỉ có sức khỏe làm vốn thì đâu cần phải do dự lắm. Về nhà làm ruộng, làm nương, còn sức thì ai thuê gì làm nấy, miễn là không xách thuê ma túy”, Lịch cười.
Khoác lên vai bản án 14 năm tù, ngày mới về trại giam Ninh Khánh, thấy chị em trong buồng lần lượt nhận đơn ly hôn chồng gửi vào, Lịch lo lắm. Lịch bảo nhiều chị nghe kể ông chồng chẳng ra gì, có người suốt ngày chỉ biết bài bạc, rượu chè, thậm chí có cả người nghiện lòi mắt, thế mà vợ vừa mới vào tù được vài năm đã kiên quyết đòi bỏ. Tội nhất là có chị vừa nghe thấy quản giáo nói chồng lên thăm, mừng rơi nước mắt nhưng khi về buồng thì mặt buồn thiu, ai hỏi gì cũng không nói, mãi sau mới òa lên khóc, chửi chồng thậm tệ. Hóa ra anh chồng vào thăm không phải vì nhớ vợ mà vì cần chữ ký của vợ vào lá đơn ly hôn để lấy vợ khác. Đêm nằm, Lịch cứ trằn trọc không ngủ được vì nghĩ đường kia lối nọ, rồi lại nghĩ thương mình, thương con nhưng nghe mọi người nói mãi thì cũng nhận thức ra. Lịch bảo đã chuẩn bị sẵn tinh thần bản thân án dài, nếu chồng vì không chờ được, đòi ly hôn thì cũng sẽ chấp nhận nhưng điều đó đã không xảy ra với Lịch. “Tôi vào đây, tư tưởng ổn định đến ngày hôm nay một phần cũng là nhờ chồng, con và bố mẹ chồng động viên”, Lịch kể. Bố mẹ chồng xuống thăm, tuy một năm chỉ một lần duy nhất nhưng với Lịch còn quý gấp nhiều lần những món quà thực tế khác. Từ ngày Lịch đi tù, chồng hỏng một bên mắt, tay trái liệt nhưng anh vẫn nhúc nhắc lao động, phụ với bố mẹ việc làm ruộng, làm nương để nuôi hai con trai ăn học. Dường như thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình mình, hai con trai Lịch đều ngoan ngoãn, học giỏi, giờ một cháu đang học lớp 12, một cháu học lớp 6. Theo lời Lịch thì từ ngày đi tù mới thấy được giá trị của gia đình, thấy được tình cảm cũng như trách nhiệm của người chồng và bố mẹ chồng đã chăm sóc con cái, giúp Lịch yên tâm cải tạo. Chính trong những tháng ngày tù tội ấy, Lịch đã thực sự tỉnh ngộ và nhận ra rằng, mình đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong cuộc đời. Lịch tâm sự: “Vào trại, tôi mới thực sự hiểu hết tác hại của việc mình làm và vô cùng ân hận. Cũng may tôi có một gia đình hạnh phúc, chồng chăm chỉ làm ăn, con cái cũng ngoan".
Thời gian cải tạo tại trại, Lịch được phân công làm việc tại xưởng may túi, công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải tỉ mẩn và cẩn thận. Cả hai yêu cầu trên Lịch đều đạt được và đợt thi đua nào cũng được xếp loại hạnh kiểm khá. Nhờ thành tích cải tạo tốt, Hoàng Thị Lịch đã 2 lần được giảm án và niềm vui bất ngờ đã đến với chị khi dịp đặc xá dịp 2/9 vừa qua, Lịch đủ tiêu chuẩn được tha tù trước thời hạn. 4 năm không phải là nhiều nhưng với những người tù tội như Lịch thì đó là một tài sản vô giá không chỉ để Lịch sớm hoàn thành dự định của mình mà còn là động lực khuyến khích chị cố gắng hơn nữa trên bước đường hòa nhập.
Lịch bảo, khi bước chân ra khỏi trại sau 10 năm sống cách ly xã hội, chắc chắn sẽ rất bỡ ngỡ nhưng “tôi sẽ cố gắng hết sức, chăm chỉ làm ăn và chăm sóc gia đình để không phụ lòng gia đình cũng như các cán bộ của trại”. Người đàn bà này khẳng định, dù khó khăn, vất vả đến đâu, nhất định bản thân sẽ không lặp lại sai lầm từ quá khứ.