Sự kiện hot
11 năm trước

Chấm dứt nhập nhằng diện tích chung - riêng khi mua căn hộ

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa trình Quốc hội hôm 24/5 và sẽ được thảo luận ngày 27/5 tới được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm nỗi bức xúc của người dân khi mua căn hộ bị “hụt” diện tích do chủ đầu tư mập mờ về cách tính phần chung – riêng. Đây là vấn đề mà chính Bộ Xây dựng từng gây xôn xao khi ra Thông tư 03/2014 sửa đổi Thông tư 16/2010 vốn làm bên bán nhà hưởng lợi quá lâu khi tính cả tim tường, hộp kỹ thuật, cột nhà… vào diện tích mua bán.


Có quy định chặt chẽ sẽ tránh được những mâu thuẫn giữa người mua nhà và chủ đầu tư. Ảnh: Chí Cường

Chi tiết đến lồng xả rác


Chuyện người dân mua căn hộ chung cư, dù cao cấp như Keangnam hay bình dân như Đại Thanh, khi… đo lại thấy diện tích thông thủy “hụt” mất vài mét vuông, thậm chí đến cả chục mét so với hợp đồng đã gây nhiều bức xúc hồi đầu năm nay. Phải đến khi Bộ Xây dựng quy định rõ cách tính hơn so với Thông tư 16/2010 thì tình hình mới dịu trở lại. Và nay, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), phần sở hữu chung – riêng được quy định chi tiết trong Điều 101. Nhưng, thiệt thòi của người mua nhà suốt 4 năm qua (từ khi Thông tư 16 ra đời) sẽ được giải quyết ra sao? Các đại biểu Quốc hội có thể sẽ “truy” trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong phiên thảo luận ngày 27/5 tới.


Trình bày dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo Luật đã dành một chương riêng (Chương VII) với 16 điều để quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến nhà chung cư như: quy định về phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng, về tổ chức, quản lý nhà chung cư, về quyền hạn, nhiệm vụ của Ban quản trị nhà chung cư, về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, về cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán, về giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về nguyên tắc bố trí tái định cư khi xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư cũ.


Cụ thể, phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm: Phần diện tích bên trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lôgia gắn liền với căn hộ đó; Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ… Phần sở hữu chung gồm: Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả…


Ngoài ra, khi góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề nghị nên quy định chỗ để xe (không phân biệt loại xe) đều thuộc sở hữu chung của nhà chung cư. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng – cơ quan soạn thảo – không tiếp thu với lý do bảo vệ quyền lợi chung cho đa số các chủ sở hữu nhà chung cư, vì không phải chủ sở hữu căn hộ nào cũng có xe ô tô. Vì vây, riêng đối với nơi để xe ô tô thì quy định chủ đầu tư được quyết định thỏa thuận với người mua căn hộ để xác định là thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu riêng.

 

Phải ghi rõ trong hợp đồng


Dự thảo Luật quy định diện tích sử dụng của căn hộ hoặc của phần diện tích nhà khác không phải là căn hộ trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư được tính theo kích thước thông thủy, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công, lô gia (nếu có) và không tính diện tích tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ. Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung.


Theo đó, trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư, bao gồm nhà thương mại, nhà phục vụ tái định cư, nhà xã hội hoặc hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua diện tích khác trong nhà chung cư, các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung và phần diện tích thuộc quyền sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn xây dựng căn hộ; diện tích sử dụng căn hộ theo quy định để tính tiền mua bán căn hộ và ghi rõ mục đích sử dụng của phần sở hữu chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế ban đầu, trừ trường hợp được thay đổi mục đích sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Nhưng khi chung – riêng hết nhập nhèm thì người mua nhà sẽ đối mặt với một khả năng phức tạp khác, đó là chủ đầu tư có thể tăng phí dịch vụ để “gỡ gạc”. Tuy nhiên, khi luật này được thông qua và làm nghiêm thì người bán nhà sẽ không dám “căng” với khách hàng trong chuyện phí dịch vụ nữa. Bởi, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư làm cơ sở. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được giá dịch vụ thì áp dụng mức giá khung này – chỉ ngang bằng với giá dịch vụ nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước. 

Lo ngại một căn nhà, 2 người cùng thế chấp

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Với quy định cả hai đối tượng là chủ đầu tư và người mua cùng có quyền thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì mặc dù có quy định trước khi bán chủ đầu tư phải giải chấp nhưng vẫn có thể dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Bởi vì, người mua khó có thể biết được chủ đầu tư đã giải chấp đối với nhà ở mà chủ đầu tư đã bán.... Đề nghị, cần quy định cụ thể việc góp vốn và phân biệt rõ hai hình thức huy động vốn và mua bán nhà hình thành trong tương lai".

Việt Nguyễn
theo GĐ&XH

Từ khóa: