Sự kiện hot
6 năm trước

Chấn chỉnh vi phạm trên TTCK: Cần giải pháp mạnh hơn

Ghi nhận Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi có yếu tố mới trong việc gia tăng các biện pháp xử lý hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng ý kiến từ các thành viên thị trường, chuyên gia cho rằng, cần tư duy mới về xử lý vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

Với lĩnh vực chứng khoán, điều quan trọng là chế tài xử phạt cần đủ nặng để đảm bảo tính răn đe và có tác dụng ngăn chặn ngay các vi phạm.

Xử phạt hành chính: Có thể tăng lên 10 tỷ đồng và hơn nữa

Một nội dung mới tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này là Ban soạn thảo đưa ra khá nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm trên TTCK.

Nỗ lực này được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra trong bối cảnh, theo Phó Chủ tịch UBCK Vũ Thị Chân Phương, các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, Dự thảo đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, thay vì lần lượt theo quy định hiện hành là 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Luật Basico cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét hai vấn đề để đảm bảo tính khả thi và răn đe cho quy định trên.

Đầu tiên, theo quy định hiện hành của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 2 tỷ đồng, cá nhân là 1 tỷ đồng. Do đó, Dự thảo Luật Chứng khoán đề xuất mức phạt tiền vượt trần của Luật Xử lý vi phạm hành chính là không đảm bảo tính đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan.

Để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lại nội dung như Dự thảo. Trong trường hợp xét thấy cần nâng mức trần phạt tiền, thì có thể đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để thay đổi khung tiền phạt cho phù hợp với Luật Chứng khoán.

Tiếp đến, mức trần xử phạt như Dự thảo tuy tăng nhưng vẫn khó đảm bảo tính răn đe. Do đó, cần xem xét tăng mức xử phạt thậm chí lên tới hàng chục tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng...

Ông Đức cho rằng, sở dĩ cần tăng mức trần phạt tiền lên hàng chục tỷ đồng, bởi như thế mới đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, tránh tác động tiêu cực lan truyền ra thị trường. Điều này đòi hỏi tư duy mới về cách thiết kế các chế tài xử phạt vi phạm chính trên TTCK.

Theo đó, cần tăng nặng chế tài xử phạt hành chính thay cho chế tài hình sự, bởi xử lý hình sự tốn nhiều thời gian, nên khó đảm bảo tính kịp thời trong trừng phạt ngay các vi phạm và ngăn chặn các tác động tiêu cực lan truyền.

“Hơn nữa, xét cho cùng, xử lý hình sự vẫn buộc đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại về vật chất, nên để tăng tính răn đe cần tăng nặng các chế tài xử phạt về hành chính”, ông Đức nói.

Ủng hộ hướng đưa ra các chế tài tăng nặng, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, với tính chất nhạy cảm, phản ứng dây chuyền trên TTCK, các hành vi vi phạm rất cần được trừng phạt ngay, để tránh những tác động tiêu cực lan truyền. Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét đưa ra các nguyên tắc cụ thể về hệ thống chế tài theo hướng nghiêm khắc hơn.

Liên quan đến hướng đổi mới tư duy trong thiết kế và áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC nhìn nhận, lâu nay Việt Nam chưa để ý đúng mức đến áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung ngoài hình thức phạt tiền.

Ngay cả hình thức xử phạt bổ sung hiện tại là thu hồi khoản thu lợi bất chính do hành vi vi phạm mà còn, thì vẫn liên quan đến xử phạt về tiền. Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, Ban soạn thảo cần thể hiện tư duy mới trong thiết kế hệ thống chế tài theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tiễn TTCK Việt Nam, tránh tình trạng mức phạt như hiện nay quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe.

Muốn vậy, tư duy mới của Ban soạn thảo cần thể hiện qua việc tăng cường các hình thức xử phạt bổ sung mà thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường lân cận Việt Nam đã áp dụng hiệu quả, có tác dụng tốt trong xử lý và phòng ngừa vi phạm.

Chẳng hạn treo giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố thông tin gian dối, ban lãnh đạo công ty giao dịch nội gián; nhà đầu tư thao túng cổ phiếu bị cấm giao dịch trong một thời gian nhất định; rút giấy phép hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trên TTCK khi bị kết luận là có hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật… 

Tăng quyền, nhưng tránh lạm quyền

Ngoài tăng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, một nội dung mới đáng chú ý tại Dự thảo thu hút sự quan tâm của chuyên gia pháp lý là tăng thẩm quyền cho UBCK.

Nội dung mới này tại Dự thảo, theo bà Vũ Thị Chân Phương được đưa ra trong bối cảnh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi UBCK chưa có đủ thẩm quyền để tổ chức và thực thi tốt các chức năng thanh tra và cưỡng chế thực thi như: Chưa có thẩm quyền trong kiểm soát tài khoản, dòng tiền; yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra...

Ngay những thị trường lân cận Việt Nam cũng có những quy định về các nội dung trên. Chẳng hạn, Luật Chứng khoán Trung Quốc quy định, UBCK Trung Quốc có thẩm quyền thực hiện các biện pháp: Triệu tập các bên liên quan, các đơn vị và cá nhân liên quan đến sự việc và yêu cầu họ giải trình; xem xét và sao chụp sao kê giao dịch chứng khoán, tài liệu đăng ký và chuyển nhượng, tài liệu tài chính kế toán của đơn vị, cá nhân liên quan đến sự việc; thẩm tra tài khoản tiền và chứng khoán, tài khoản ngân hàng của các bên liên quan và của đơn vị, cá nhân liên quan đến sự việc...

Hay Cơ quan Thanh tra giám sát TTCK của Nhật Bản - SESC có quyền: Thẩm vấn cá nhân liên quan đến vụ việc; yêu cầu cá nhân nộp tài liệu, thông tin, dữ liệu (trên máy tính, điện thoại...) là vật chứng; khám xét địa điểm kinh doanh của đối tượng tình nghi và thu giữ các vật chứng liên quan; yêu cầu các cơ quan công quyền hoặc tổ chức tư nhân phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo về các vấn đề liên quan đến vụ việc...

“Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xét bối cảnh thực tiễn của TTCK Việt Nam, đồng thời qua tham vấn ý kiến của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Ban soạn thảo đề xuất UBCK có quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

Yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sau khi được Chủ tịch UBCK Nhà nước phê duyệt; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm theo quy định...”, bà Phương cho hay.

Ủng hộ Dự thảo Luật trao thêm quyền cho UBCK theo hướng trên, luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận, đây là việc làm cần thiết vì phù hợp với định hướng cần gia tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng đối với các hành vi vi phạm về kinh tế, tránh hình sự hóa.

Đặc biệt, với lĩnh vực chứng khoán, điều quan trọng là chế tài xử phạt cần đủ nặng để đảm bảo tính răn đe và có tác dụng ngăn chặn ngay các vi phạm, mà điều này thì chế tài hành chính phát huy tác dụng tốt hơn chế tài hình sự.

Bên cạnh quan điểm ủng hộ tăng quyền cho UBCK, có ý kiến đề xuất Dự thảo luật cần quy định cụ thể để tránh lạm quyền. Theo đó, Dự thảo luật nên giới hạn rõ yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng, cũng như nguyên tắc bảo mật thông tin, để tránh quyền này bị lạm dụng.

Nếu thông tin từ tài khoản của khách hàng bị lộ dẫn đến những thiệt hại cho họ sau khi cơ quan quản lý TTCK tiếp cận, thì ai phải chịu trách nhiệm? Trong quá trình tiếp cận các thông tin về tài khoản tại ngân hàng của khách hàng, cũng như thực hiện một số quyền khác, ai là người giám sát UBCK, cũng như cán bộ thực thi nhiệm vụ tranh, kiểm tra?

Nguyễn Hữu

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: