Đó là Phạm Ngọc Anh Tùng, sinh viên (SV) Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Đó là Phạm Ngọc Anh Tùng, sinh viên (SV) Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Phạm Ngọc Anh Tùng - Ảnh: C.T.V
Tùng chia sẻ, hằng năm tại các trường ĐH, CĐ đều phải dành những khoản ngân sách khá lớn để mua sắm các trang thiết bị dụng cụ giảng dạy, các mô hình thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường đều nhập những thiết bị và mô hình đắt tiền từ nước ngoài. Điều này dẫn đến những hạn chế như số lượng mua thiết bị, mô hình không được nhiều ảnh hưởng đến khả năng SV tiếp cận và thực hành thực tế. Có trường hạn chế cho SV sử dụng do sợ hư hỏng vì thiết bị quá đắt tiền hay rất khó sửa chữa, bảo trì do nhập từ nước ngoài.
Nghĩ là làm, Tùng cùng những người bạn có chung niềm đam mê bắt tay vào việc sáng chế, mua linh kiện ở trong và cả ngoài nước, đem về mày mò, nghiên cứu. Với nỗ lực của mình, đến nay sau hơn 1 năm, nhóm của Tùng đã sản xuất hơn 10 robot để phục vụ cho lĩnh vực giáo dục, các thí nghiệm ngành cơ điện tử, tự động… Ngoài ra, trong kho của Tùng, còn có không ít robot có thể ứng dụng trong cuộc sống; những kít thí nghiệm phục vụ cho những bài học, những mô hình robot và sản phẩm hi-tech phục vụ nhu cầu giải trí và giáo dục, không chỉ cho những người đam mê kỹ thuật mà còn kích thích sự sáng tạo của học sinh tiểu học, THCS. Ngoài ra còn có những sản phẩm ứng dụng mang lại sự tiện nghi cho cuộc sống để tiết kiệm năng lượng; những robot ứng dụng trong quảng cáo, có thể phát ra nhạc, hiển thị thông tin sản phẩm…
Tùng chia sẻ: “Vì bản thân đam mê nghiên cứu khoa học, nên thường xuyên “học nghề” từ các đàn anh đi trước, các giảng viên trong trường. Nhờ đó tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm”. Với khả năng tiếng Anh tốt, Tùng còn thường xuyên mày mò tìm kiếm tài liệu từ internet, giáo trình nước ngoài…
Không giấu mơ ước của mình, Tùng hy vọng đến năm 2015, những sản phẩm robot giáo dục đã và đang sản xuất sẽ xuất khẩu ra nước ngoài. Để làm được điều này, Tùng đang ngày đêm cố gắng nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao tính năng của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Tùng là cái tên quen thuộc trong giới công nghệ trong cả nước, từng phối hợp cùng nhiều công ty thực hiện những mô hình như cửa cuốn tự động, máy chấm công, máy quét thẻ giữ xe thông minh… Từng đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế
“Design Led Panel 2008”, tham gia chung kết cuộc thi Robocon toàn quốc năm 2010, giải ba cuộc thi Sáng tạo tiết kiệm năng lượng do Bộ Công thương và Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Mới đây, Tùng vinh dự nhận giải thưởng “Tài năng Lương Văn Can” do CLB Doanh nhân Sài Gòn trao tặng.
Xuân Phương
Theo Thanhnien