Vào đại học luôn là mơ ước của nhiều bạn trẻ, thế nhưng khi đã bước chân vào giảng đường, một số bạn lại chết chìm trong “nhãn mác” sinh viên, học chểnh mảng, sống không lý tưởng...
Vào đại học luôn là mơ ước của nhiều bạn trẻ, thế nhưng khi đã bước chân vào giảng đường, một số bạn lại chết chìm trong “nhãn mác” sinh viên, học chểnh mảng, sống không lý tưởng...
Quang cảnh thường thấy ở một trường đại học lớn tại Hà Nội, giáo viên giảng bài,
sinh viên vẫn thoải mái làm đủ việc riêng, thậm chí ngủ - Ảnh: Thúy Hằng
Lớp học Quản trị nhân lực - Học viện hành chính quốc gia (Hà Nội), giờ học tiếng Anh im phăng phắc. Người thì ngủ, người nhắn tin, người đọc truyện..., số sinh viên nghe giảng đếm được trên đầu ngón tay.
Một sinh viên cho hay, nhiều môn như Triết, Chủ nghĩa xã hội khoa học… các bạn muốn về lắm nhưng không về được, vì còn điểm danh bất chợt.
Căn-tin Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội, quá giờ ra chơi, hàng chục sinh viên vẫn ngồi uống nước chuyện trò rôm rả. Bỗng nhiên tất cả đồng loạt xô ghế đứng dậy chạy nhanh về phía giảng đường. Bà chủ quán chép miệng, “lại điểm danh rồi”. Bà chủ quán này thông thuộc lịch trình, cứ có lệnh điểm danh là một người trên lớp gọi điện xuống, sinh viên lại nháo nhào về lớp.
Đủ cách lách điểm danh
Thông thường, điểm chuyên cần chiếm tỷ lệ từ 10 - 30% tổng điểm của môn học. Theo quy định của Bộ GD- ĐT, sinh viên vắng quá 20% số tiết sẽ không được thi. Mức chế tài này vẫn không làm nhiều sinh viên mặn mà với việc học hành đầy đủ.
|
|
Cần cả sự vào cuộc của giảng viên
Ông Nguyễn Ngọc Thái, chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo - Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Thực tế, vẫn còn rất nhiều sinh viên vào đại học nhưng không biết mình sẽ học gì ở đây, sẽ làm gì khi ra trường. Những hiện tượng tiêu cực trên là một điều tất nhiên. Đây trở thành vấn đề đặt ra cho các giảng viên, phải có cách riêng để sinh viên yêu giờ học hơn, yêu đời sinh viên họ đang có để làm người có ích”.
|
|
|
Phương, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội quen thuộc với lịch điểm danh của các môn học, môn tiếng Anh cô sẽ gọi lần lượt phát biểu rồi điểm danh luôn nên không thể nghỉ. Môn văn học Trung Quốc sẽ điểm danh đầu giờ. Môn văn học Pháp lại điểm danh cuối giờ... Cứ thế mà chuẩn bị lịch đi học cho khỏi lỡ buổi điểm danh.
Một số trường cao đẳng tại TP.HCM đã áp dụng điểm danh bằng phiếu. Tuy nhiên, K., sinh viên một trường cao đẳng ở Q.5, TP.HCM, vẫn đắc ý kể: “Trường điểm danh bằng phiếu, nhưng giám thị cứ đứng ở đầu bàn đếm xem trong bàn có mấy người rồi phát phiếu nên không để ý ai là ai. Nhận phiếu của giám thị ở đầu lớp xong tụi em lại chạy xuống cuối lớp xin phiếu... lần 2, để dành khi nào không đi học thì gửi phiếu nhờ bạn khác điểm danh giùm hoặc dùng điểm danh hộ những bạn hôm đó vắng".
Một số sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội cho biết thi thoảng phòng đào tạo có đi điểm danh ngẫu nhiên, nhưng cũng chỉ lấy báo cáo của lớp trưởng, lớp phó mà không kiểm tra trực tiếp, nên vẫn có hiện tượng bao che cho nhau.
Từ cuối năm 2011, sinh viên học viện này đến trường phải đeo thẻ, tránh những trường hợp học hộ, tuy nhiên bảo vệ không thể kiểm soát được độ chính xác của các thẻ.
“Nhiều sinh viên sẵn sàng thuê sinh viên lớp khác hoặc trường khác đi học để điểm danh thay, mức giá khoảng 150.000 đồng môn/buổi, nếu giảng viên nào chặt chẽ quá. Riêng môn thể dục, 15 tiết chỉ với giá 600.000 đồng, cả thi học phần”, Mai - một sinh viên năm 3 cho biết.
Sinh viên N. bộc bạch: “Không đi học thì sợ bị trừ điểm rèn luyện, không được thi, đi học thì gặp toàn... tiến sĩ ru ngủ. Lớp học quá chán nên tôi không có cảm giác thích học...”.
Hữu Khoa, Khoa Báo chí, CĐ Phát thanh - Truyền hình II, TP.HCM, nói: “Có những giờ học ít hứng thú, kiến thức nặng về lý thuyết, hàn lâm, ít vận dụng được vào thực tế thì nên ở nhà nghiên cứu. Quan trọng sau này ra trường sinh viên có làm việc tốt hay không, bảng điểm đẹp chưa là tất cả”.
Ông Lưu Phước Linh, giảng viên bộ môn chi tiết máy, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ: “Thật sai lầm nếu sinh viên nói lên lớp chỉ là thừa. Nếu chỉ có kiến thức thực hành mà không có những kiến thức lý luận, sinh viên sẽ gặp khó khăn khi ra trường. Đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật như bộ môn tôi giảng dạy, nếu sinh viên không chịu khó nghe giảng, đọc sách, tìm hiểu thực tế qua các garage sửa chữa, các công xưởng bên ngoài... thì không thể thành công trong tương lai”.
Thất nghiệp khi ra trường, mù mờ về tương lai
Ăn bánh mì qua bữa và “cày” game online thâu đêm suốt sáng là hiện tượng
thường gặp ở nhiều xóm trọ sinh viên - Ảnh: Thúy Hằng
Dãy nhà trọ xã Cổ Nhuế, H.Từ Liêm (khu tập trung đông nhất nhà trọ cho sinh viên ở Hà Nội) đã 4 giờ sáng nhưng vẫn sáng trưng đèn. Cả 4 máy tính (2 máy bàn, 2 laptop) của 4 bạn nam đều mở từ tối. Các nam sinh viên mặt mày căng thẳng, trán vã mồ hôi cho những cú rượt đuổi, tiêu diệt những nhân vật trong game trực tuyến. Phòng ngổn ngang vỏ chai nước ngọt, đầu lọc thuốc lá.
“Tớ chỉ tính chơi một lát để giải trí, nhưng không ngờ lại nghiện. Giờ không dứt ra được”, T. (nam sinh viên ĐH Mỏ - Địa chất) phân trần.
Với việc thức hôm thức khuya thế này để "luyện" game thì buổi sáng các bạn không còn sức để lên giảng đường.
Nên chú trọng phát triển kỹ năng
Lê Văn Minh (23 tuổi), sinh viên Đại học Công nghệ Quản lý Hữu Nghị - Thành viên Ban trợ lý Hội Thanh niên tình nguyện Hà Nội - Hội liên hiệp thanh niên TP.Hà Nội, Chủ tịch câu lạc bộ kết nối Việt Nam (VCC) cho hay, ngoài kiến thức trong trường đại học, sinh viên nên tranh thủ học thêm ngoại ngữ và tham gia các hoạt động ngoại khóa. “Bốn năm đại học là thời gian thuận lợi để sinh viên tích lũy kỹ năng giao tiếp, tổ chức..., những điều sẽ giúp cho quá trình xin việc sau này dễ dàng hơn”, Minh nói.
|
|
|
Không ăn chơi, không tiêu xài, nhưng với nhiều sinh viên, “bệnh” trầm kha là vô lo, vô nghĩ, sống không định hướng. Trần Hoàng P.A, sinh viên năm 3 ĐH Luật chia sẻ: Học luật theo nguyện ước của bố mẹ chứ sau này không làm luật. “Vậy làm gì?”, mọi người hỏi, “cũng chưa biết, xem mai sau thế nào đã”, P.A hồn nhiên đáp.
Trần T.H, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí tuyên truyền cũng không ngại ngần cho biết học báo cho “oai”, trước đây thấy nhà báo được mọi người nể, còn sẽ không làm báo đâu. “Ôi dào. Nghề chọn người. Để sau tính", H. cười nói.
Nguyễn T.M, tốt nghiệp hệ cao học Học viện hành chính Quốc gia năm 2010 vẫn đang phụ mẹ và em gái bán trà đá trên đường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) vì không biết làm gì với tấm bằng đại học, cao học chuyên ngành Hành chính công mà cô chẳng hiểu gì về nó. M. cho biết trước đây học cao học chỉ vì quá nhàn rỗi lúc chờ xin việc.
Nguyễn Thu H., tốt nghiệp ĐH Quốc gia HN khoa Sư phạm sử năm 2011, nhưng vẫn đang dạy hợp đồng trong các trường dân lập với mức lương bèo bọt; nhiều lần cô bị trượt khi tham gia các đợt tuyển chọn công chức. H. tâm sự, do lơi là việc học lúc còn ngồi trên ghế giảng đường nên cô bị hỏng nhiều kiến thức.
Nhà báo Hải Diệp (Báo Thể thao - Văn hóa) cho hay có nhiều sinh viên ra trường phải mất một thời gian đào tạo lại mới được nhận vào cơ quan cũng bởi do bốn năm học đại học quá lơ mơ.
“Nhiều sinh viên báo chí viết báo theo bản năng. Nghề báo không chỉ học trong nhà trường, nhưng nhà trường lại cho sinh viên những kiến thức nền tảng chung về văn hóa, xã hội, cũng như nghề báo”, nhà báo Diệp nói.
Xuất phát từ việc thiếu định hướng, ham chơi, học theo trào lưu ngành nghề hot, mà không ít bạn trẻ không thể tốt nghiệp đại học, thất nghiệp, đánh mất cả tương lai.
Theo Thanhnien