Kết quả thống kê cho thấy, năm 2019 chỉ 4 địa phương có tỷ lệ gói thầu đấu thầu qua mạng (ĐTQM) chiếm trên 50% trong tổng số gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM (số gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi) và có tổng giá trị ĐTQM đạt trên 15% so với tổng giá gói thầu trong phạm vi ĐTQM.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ đặt ra yêu cầu, phấn đấu đưa tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng (năm 2019) bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu. Và tại Chỉ thị 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu ngày 24/5/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện lộ trình ĐTQM, đảm bảo tỷ lệ ĐTQM năm 2019 theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.
Trong danh sách 4 địa phương đạt chỉ tiêu ĐTQM năm 2019, dẫn đầu là tỉnh Hòa Bình với 391 gói thầu ĐTQM trong tổng số 599 gói thầu trong phạm vi ĐTQM (chiếm tỷ lệ 65,3% tổng số gói thầu) và đạt 26,2% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi ĐTQM (tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM là 907,8 tỷ đồng và tổng giá gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM 3.467,7 tỷ đồng).
Đứng thứ 2 là tỉnh Thanh Hóa với 829 gói thầu ĐTQM trong tổng số 1.284 gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM (chiếm tỷ lệ 64,6% tổng số gói thầu) và đạt 43,1% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi ĐTQM (tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM là 3.611,5 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM là 8.371,2 tỷ đồng).
Đứng thứ 3 là Đà Nẵng với 498 gói thầu ĐTQM trong tổng số 802 gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM (chiếm tỷ lệ 62,1% tổng số gói thầu) và đạt tỷ lệ 32,8% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi ĐTQM (tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM là 1.260 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM là 3.846,5 tỷ đồng).
Đứng thứ tư là tỉnh Bình Phước với 446 gói thầu ĐTQM trong tổng số 720 gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM (chiếm tỷ lệ 61,9 tổng số gói thầu) và đạt tỷ lệ 72,7% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi ĐTQM (tổng giá trị thực hiện ĐTQM là 3.967,4 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM là 5.459,4 tỷ đồng).
Địa phương “suýt soát” đạt 2 chỉ tiêu ĐTQM (tổng số lượng gói thầu và giá trị thực hiện ĐTQM) là tỉnh Bắc Ninh với 787 gói thầu ĐTQM năm 2019 (tổng gói thầu trong phạm vi ĐTQM là 1.604 gói thầu, đạt tỷ lệ 49,1% tổng số gói thầu). Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh cũng đạt 42,6% tổng giá trị gói thầu trong phạm vi ĐTQM (tổng giá trị thực hiện ĐTQM là 4.632,1 tỷ đồng và tổng giá trị gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM là 10.861,2 tỷ đồng).
5 địa phương tiếp theo tính theo tỷ lệ số lượng gói thầu là Bắc Giang (45%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,4%), Bắc Kạn (41,9%), Quảng Nam (41%) và Thái Bình (38,3%).
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, cả nước có 36 địa phương có tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM đạt 15% so với tổng giá trị gói thầu trong phạm vi ĐTQM.
10 địa phương đứng cuối trong bảng xếp hạng về kết quả thực hiện ĐTQM năm 2019 tính theo tiêu chí số lượng gói thầu (có tỷ lệ gói thầu ĐTQM đạt dưới 10%) là Yên Bái (9,8%), Quảng Ninh (9,5%), Bạc Liêu (9%), Phú Thọ (8,5%), Quảng Trị (7,8%), Nghệ An (6,9%), Bình Định (5,8%), Hưng Yên (5,7%), Điện Biên (4,7%) và Hà Nam (3,3%).
Báo cáo công tác đấu thầu năm 2019 của nhiều địa phương cũng cho biết, các chủ đầu tư, bên mời thầu nhận thức rõ hiệu quả mang lại qua việc đấu thầu qua mạng nhưng do hạ tầng công nghệ thông tin của một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, cán bộ đấu thầu chưa có kinh nghiệm thực hiện ĐTQM nên còn e dè, né tránh và chậm triển khai ĐTQM, thậm chí có nhiều địa bàn cấp huyện của các địa phương không ĐTQM bất cứ gói thầu nào trong năm 2019.
Khánh Ngọc
Theo Báo Đấu thầu