Sự kiện hot
2 năm trước

Chính sách tín dụng ưu đãi - Đòn bẩy giúp hộ nghèo vươn lên

Có thể khẳng định rằng, cùng với các nguồn vốn đầu tư khác, vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những năm qua, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực, công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo và là kênh dẫn vốn quan trọng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương...

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang đã ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị -  xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên), đây là mô hình đặc thù, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch xã Phúc Yên (Lâm Bình, Tuyên Quang).

Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang đang triển khai 18 chương trình tín dụng tại 138 điểm giao dịch các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng được ưu tiên triển khai thực hiện tại những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.

Thông tin trên báo chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Phan Vỹ cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Chi nhánh đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Ban đại diện các cấp làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Chi nhánh còn chỉ đạo các Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc quy định về việc bình xét công khai khi vay vốn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Chi nhánh luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; tranh thủ mọi nguồn lực đưa nguồn vốn đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách sớm nhất, thuận lợi nhất. Ban lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến toàn thể cán bộ phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi để kịp thời đáp ứng với phương châm không để ai thiếu vốn. Chính vì thế, đến ngày 18/10, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh đạt trên 3.600 tỷ đồng.

Người dân được vay vốn để sửa nhà, làm nhà và phát triển kinh tế, từ đó đời sống của bà con được cải thiện hơn.

Những năm qua, nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế.

Gia đình chị Hoàng Thị Thảo ở thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là một trong những điển hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Chị Thảo cho biết, thông qua tín chấp của Hội LHPN xã, chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa cho vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu sinh sản. Sau hơn 2 năm chăn nuôi, hiện gia đình chị có 8 con trâu, trong đó có 3 trâu cái sinh sản, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình.

Tại huyện Lâm Bình, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tham mưu cho chính quyền triển khai kịp thời việc cho vay.  Các nguồn vốn này hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.

Thông qua tổ chức Hội phụ nữ xã Phúc Yên (Lâm Bình, Tuyên Quang), chị La Thị Lứu đã được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lâm Bình, giải ngân 40 triệu đồng để làm mới nhà ở theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đến nay gia đình chị đã xây dựng xong ngôi nhà mới, yên tâm phát triển kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lâm Bình phối hợp với cấp ủy chính quyền cấp xã tổ chức rà soát đổi tượng thụ hưởng và đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ sâu rộng đến với người dân. Đến thời điểm hiện tại, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lâm Bình đã giải ngân cho 53 hộ gồm vốn vay hỗ trợ về nhà ở và chuyển đổi nghề với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thanh Thanh

Theo KTĐU

Từ khóa: