Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Hiệu quả thiết thực từ tín dụng chính sách xã hội

Qua 20 năm hoạt động, tổng nguồn vốn tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn quận Bình Thủy tăng gấp 12,8 lần, tổng dư nợ đạt trên 315 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN

“Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây là chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo trên địa bàn quận Bình Thủy”.

Đó là khẳng định của bà Phan Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tại hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn quận diễn ra chiều 5/7 tại Cần Thơ.

Theo Chủ tịch UBND quận Bình Thủy Phan Thị Nguyệt, thời gian qua, nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại.
Qua 20 năm hoạt động, tổng nguồn vốn tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn quận Bình Thủy tăng gấp 12,8 lần, tổng dư nợ đạt trên 315 tỷ đồng, tăng 13,3 lần so với lúc mới thành lập.

Chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn và chất lượng giao dịch tại phường ngày càng được nâng cao và có hiệu quả. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần qua các năm, hiện nay, nợ quá hạn của quận chỉ còn 37 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,01% so với tổng dư nợ (thấp nhất toàn thành phố); trong đó 6/8 phường không có nợ quá hạn.

Vốn tín dụng chính sách được triển khai tới 100% khu vực ở các phường trên địa bàn quận, với tổng số gần 8.000 khách hàng đang vay vốn, góp phần giúp cho gần 2.500 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu; giải quyết việc làm cho 12.000 lao động; giúp cho gần 7.370 sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 1.619 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng; xây dựng 32 căn nhà ở cho hộ nghèo, 53 khách hàng có nhà xã hội để ở; giúp cho các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho các mô hình làm ăn có hiệu quả như: chăn nuôi bò sữa, nuôi lươn không bùn, nuôi dê, trồng hoa kiểng, rau màu, cây ăn trái và buôn bán nhỏ…. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả, nên nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.

Bà Phan Thị Nguyệt cho rằng từ những kết quả đạt được có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: việc quản lý và duy trì chất lượng tín dụng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nợ quá hạn có xu hướng tăng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, một số hộ vay buôn bán nhỏ lẻ làm ăn bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ dẫn đến bỏ địa phương. Các hộ đã thoát nghèo nhưng vẫn còn nhu cầu vay vốn nguồn giải quyết việc làm rất cao để tạo việc làm, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ vay chưa có ý thức trả nợ, thực tế có điều kiện nhưng cố tình chây ỳ không chấp hành trả nợ; nhiều hộ vay lợi dụng lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thấp nên dù đã thoát nghèo, vươn lên khá giả vẫn chiếm dụng vốn không muốn trả…

Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và thành phố, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Bình Thủy tiếp tục tập trung tham mưu quận ủy, UBND quận bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; đồng thời, tập trung đầu tư vốn vào các mô hình đặc thù của địa phương như du lịch Cồn Sơn, các vườn hoa kiểng, nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các phường để phục vụ nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội đến người dân biết và thực hiện…

Bình Thủy là một trong các quận trung tâm của thành phố Cần Thơ. Toàn quận có 137.354 nhân khẩu với 98 hộ nghèo và 153 hộ cận nghèo. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Bình Thủy là đơn vị dẫn đầu toàn thành phố Cần Thơ trong nhiều năm liền trong hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Thu Hiền
Theo bnews.vn

Từ khóa: