Sự kiện hot
12 năm trước

Chờ đợi để “nhặt” dần cổ phiếu

Theo các CTCK, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi để “nhặt” dần cổ phiếu với mức giá thấp hơn là tranh mua ở mức giá cao.

Theo các CTCK, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi để “nhặt” dần cổ phiếu với mức giá thấp hơn là tranh mua ở mức giá cao.

Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 2/2.

Chờ đợi để “nhặt” dần cổ phiếu

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/2, VN-Index tăng 2,7 điểm (+0,7%) lên 390,67 điểm còn HNX-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,2%) xuống 60,47 điểm. Khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng trên cả 2 sàn, cụ thể mua ròng hơn 52 tỷ đồng trên sàn HOSE và 2 tỷ đồng trên sàn HNX.

Thị trường đã điều chỉnh như dự đoán, tuy nhiên mức điều chỉnh khá nhẹ và diễn biến giao dịch trong phiên cũng tỏ ra khá giằng co. Lực cầu cuối phiên khá mạnh đã giúp VN-Index lấy lại mốc 390 điểm.

Tuy vậy, lực cầu cuối phiên thường có độ tin cậy không cao, trong khi tâm lý người mua trong phiên vẫn tỏ ra khá dè rặt và thận trọng. Khối lượng giao dịch loại bỏ giao dịch thỏa thuận trên cả 2 sàn xấp xỉ 30 triệu đơn vị. Như vậy, khối lượng đã sụt giảm tương đối so với ngày 31/1 dù vẫn duy trì được ở mức chấp nhận được.

Với diễn biến giao dịch như vậy, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể lạc quan nhưng sự thận trọng là cần thiết trong thời điểm này. Chiến lược kiên nhẫn chờ đợi để “nhặt” dần cổ phiếu với mức giá thấp được chúng tôi đánh giá cao hơn là việc tranh mua ở mức giá cao ở thời điểm hiện tại.

ĐT cần dừng lại quan sát xu thế

(CTCK Mirae Asset)

Sự phục hồi trở lại của VN-Index trong phiên 1/2 khiến xu hướng tăng điểm vẫn được duy trì, tuy nhiên cần lưu ý sóng tăng lần này hiện được duy trì khá dài với 13 phiên liên tục.

 Chúng tôi cho rằng, khả năng xu thế tăng này đang đi vào giai đoạn cuối khi hiện tượng “xoay vòng đầu tư” giữa các cổ phiếu bắt đầu xuất hiện. Xu hướng tăng đang hướng đến vùng cân bằng mới. Do đó, NĐT cần dừng lại quan sát xu thế tại điểm cân bằng mới.

Diễn biến tích cực có thể xuất hiện đầu phiên 2/2, hành động mua vào hiện chỉ phù hợp với NĐT mạo hiểm với chiến thuật mua nhanh - bán nhanh. Việc mua vào có thể xem xét với tỷ trọng thấp và hướng đến những cổ phiếu trên HNX. Với những NĐT ít chịu rủi ro hơn nên cân nhắc chốt lời dần.

Khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Sau hai phiên tăng điểm liên tiếp khá đồng điệu và ấn tượng đầu xuân Nhâm Thìn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có kết quả trái chiều trong phiên 1/2. Nếu như VN-Index lội ngược dòng thành công và nối dài chuỗi ngày đi lên của mình lên con số 3, thì HNX-Index đảo chiều giảm nhẹ.

Không khác nhiều với dự đoán trước đó, trải qua một đợt hồi phục kéo dài hơn 2 tuần, áp lực điều chỉnh đã lộ rõ, trên sàn HOSE nếu như không có sức kéo mạnh của nhóm vốn hóa lớn dưới sự trợ lực của dòng vốn ngoại thì VN-Index có lẽ đã không thể tăng nhẹ.

Mặc dù vậy, thị trường vẫn đang phát đi tín hiệu tương đối tích cực khi cả hai chỉ số đều có dấu hiệu khởi sắc hơn về cuối phiên, bên cạnh đó, tính thanh khoản vẫn được duy trì ở mức khá.

Theo chúng tôi, khả năng tăng điểm của thị trường trong một vài phiên giao dịch sắp tới có thể vẫn đang chiếm ưu thế hơn, tuy nhiên do điều này không thực sự đồng điệu với tình hình kinh tế vĩ mô trong nước hiện tại nên sự thận trọng luôn là cần thiết.

Các nhà đầu tư nên ưu tiên giữ một tỷ lệ tiền mặt cao và chỉ nên giải ngân một phần danh mục chủ yếu tập trung lựa chọn các cổ phiếu trụ cột, có tiềm năng cơ bản tốt và tính thanh khoản từ mức khá trở lên.

Rủi ro đối với nhà đầu tư ngắn hạn vẫn ở mức cao

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch ngày 01/02 tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực của VN-Index bất chấp áp lực điều chỉnh của thị trường sau chuỗi nhiều phiên tăng điểm liên tiếp.

Nhịp điều chỉnh của thị trường đã diễn ra trong phiên trước áp lực chốt lời gia tăng của một bộ phận nhà đầu tư. Tuy nhiên, đà giảm điểm của chỉ số khá yếu và không thể duy trì đến hết phiên do thị trường được nâng đỡ bởi sức cầu ổn định và bền bỉ.

Thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng theo chiều hướng tích cực. Thêm vào đó, sự phục hồi của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã góp phần quan trọng đưa VN-Index tăng điểm trở lại về cuối phiên. Tăng nhẹ 2,7 điểm lên đóng cửa ở mức 390,67 điểm, VN-Index đã duy trì được sắc xanh và kéo dài đà tăng điểm sang phiên thứ ba liên tiếp.

Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy người bán đang trong trạng thái thận trọng, dè dặt trong khi người mua tỏ ra khá bình tĩnh. Cầu giá cao không mạnh nhưng bền bỉ. Qua đó, có thể thấy nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi nhịp điều chỉnh của VN-Index để tham gia thị trường trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Kỳ vọng vào một đợt hồi phục của chỉ số sau giai đoạn giảm mạnh trước đó đang dần tăng cao cùng với diễn biến phục hồi của thị trường trong ngắn hạn.

Đặc biệt, sức mua được tập trung mạnh nhất tại các mã thuộc chỉ số VN30 cho thấy nhà đầu tư đang hướng tới những thay đổi của thị trường chứng khoán với góc nhìn khá tích cực. Xu thế tăng điểm của VN-Index tiếp tục được củng cố sau phiên giao dịch này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chưa nhận được sự hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô trong nước, thì động thái quay trở lại thị trường của dòng tiền vẫn khó có thể được khẳng định chắc chắn. Do đó, rủi ro đối với nhà đầu tư ngắn hạn vẫn ở mức cao nếu VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co quanh khu vực 390 – 395 điểm.

Nhà đầu tư tham gia thị trường nên tiếp tục thận trọng, chờ đợi nhịp điều chỉnh thực sự hay tín hiệu bứt phá rõ ràng của VN-Index trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Thị trường nhiều khả năng tăng điểm thêm 1, 2 phiên

(CTCK VNDirect - VND)

VN-Index xanh điểm nhưng vẫn tạo ra một nến đen, trên phương diện kỹ thuật thì phiên 1/2 được tính là phiên điều chỉnh của VN-Index khi gặp ngưỡng Fibonacci 38,2% và cũng đang nằm trong vùng kháng cự, chính là vùng đáy của tháng 6 và tháng 8/2011.

Những thể hiện ấn tượng của một số bluechip trong phiên 1/2 đã giúp VN-Index vượt qua điều chỉnh trong phiên. HNX-Index dù giảm điểm, nhưng lực bán vẫn không quá mạnh. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy nhịp tăng này vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, việc tăng điểm lần này sẽ diễn ra chọn lọc, tập trung vào nhóm bluechip thanh khoản tốt.

Thị trường nhiều khả năng tăng điểm thêm 1, 2 phiên, áp lực chốt lời các phiên sau đó ngày một lớn và thị trường có thể sẽ dừng lại một nhịp để kiểm chứng sức mạnh dòng tiền.

Nhà đầu tư có thể chốt lời, quan sát nhịp điều chỉnh mới cân nhắc mua vào trở lại, hoặc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu cho đến khi xuất hiện phiên giảm mạnh.

Nhịp hồi phục này vẫn chỉ mang tính ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường trải qua diễn biến giằng co khá mạnh trên cả 2 sàn trước khi đóng cửa với mức điểm xấp xỉ mở cửa. Áp lực cung chốt lời và ngược với đó là dòng tiền của những người đến sau chính là nguyên nhân dẫn đến diễn biến kịch tính trong phiên.

Có thể quan sát thấy sự phân hóa đang tiếp tục diễn ra giữa nhóm cổ phiếu bluechips trên sàn HOSE và nhóm cổ phiếu mang tính thị trường trên sàn Hà Nội. Dòng tiền hiện vẫn chủ yếu tập trung vào các mã bluechips trong danh sách tính VN30.

Một số mã trong số này, vốn xuất phát chậm trong nhịp hồi phục vừa qua như HAG, PVF, ITA, NTL… cũng bắt đầu thu hút được dòng tiền trong khi những mã khác sau một nhịp tăng nóng đã cho tín hiệu chững lại.

Khối lượng giao dịch đang dần tăng lên trong bối cảnh giằng co của giá cổ phiếu cho thấy chiều hướng phân phối mạnh của thị trường.

Sự thiếu tính đồng thuận giữa các nhóm cổ phiếu và sự lan tỏa hạn chế của dòng tiền vẫn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững của đợt hồi phục hiện tại.

BVSC duy trì quan điểm thận trọng và cho rằng, nhịp hồi phục này vẫn chỉ mang tính ngắn hạn. Nhà đầu tư nên cân nhắc rủi ro T+4 trong các quyết định mua vào và nên thực hiện chốt lời nếu khối lượng giao dịch tiếp tục đứng ở mức cao (xấp xỉ 35 triệu) trong khi giá cổ phiếu đuối sức trong các phiên tới.

Tín hiệu tích cực đầu tiên xuất hiện từ dòng tiền

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thanh khoản hai sàn có tiếp tục duy trì mức khá cao so với thanh khoản bình quân 10 phiên gần nhất, cho thấy tín hiệu tích cực đầu tiên xuất hiện từ yếu tố dòng tiền tham gia thị trường.

Hiện tại, chỉ số thị trường vẫn dao động quanh vùng kháng cự 400 điểm với VN-Index và 60 điểm với HNX-Index.

Trong những phiên sắp tới, nếu thanh khoản thị trường duy trì được mức xoay quanh 60 triệu đơn vị mỗi phiên, đồng thời chỉ số hai sàn phá vỡ kháng cự hiện tại thì sóng tăng ngắn hạn có thể sẽ còn tiếp tục.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể tăng tỷ lệ cổ phiếu và ưu tiên các mã có sẵn trong danh mục để tránh rủi ro T+4 khi đã có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường đang tăng nóng.

Ngược lại, khi thanh khoản giảm dần, chỉ số thị trường dao động hẹp phía dưới ngưỡng kháng cự mạnh thì nhà đầu tư nên ưu tiên tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục để tránh rủi ro giảm giá ngắn hạn.

Nhà đầu tư lướt sóng nên chốt

(CTCK ACB - ACBS)

Mặc cho tâm lý nhà đầu tư khá hưng phấn lúc đầu phiên giao dịch, nhưng trước áp lực chốt lời tăng cao đã khiến cho cả hai chỉ số bắt đầu giảm điểm. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, bên bán có phần đuối sức cùng với sự hỗ trợ của khối ngoại, các mã vốn hóa lớn bắt đầu tăng điểm, giúp chỉ số VN-Index tăng 2,7 điểm, tương đương 0,7% lên 390,67 điểm.

Trên sàn Hà Nội, do phần lớn các mã đều có vốn hóa nhỏ đã không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ khối này, khiến cho chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,2% xuống 60,47 điểm. Thanh khoản khá thấp so với phiên giao dịch trước đó do tâm lý giằng co của nhà đầu tư.

Về mặt phân tích kỹ thuật, nhiều khả năng chỉ số VN-Index có thể đảo chiều giảm điểm hoặc đi ngang giằng co trong các phiên tới. Do đó chúng tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư lướt sóng nên chốt lời tại thời điểm lúc này. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đã bắt đầu giảm điểm và cơ hội tốt có thể mua vào cho các chiến lược mua bán ngắn hạn khi chỉ số này trở về mức đáy trước ở 54.

Những phiên tăng điểm là cơ hội cho NĐT chốt lời hơn là tranh mua

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thanh khoản vẫn ở mức cao, tương đương như phiên trước, tâm lý hưng phấn của NĐT vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, biên độ giá vẫn tăng điểm nhưng thanh khoản lại không tăng, diễn biến trong phiên lại cho thấy sự đảo chiều ngắn và giao dịch khá giằng co, điều này cho thấy áp lực xả hàng có khả năng xảy ra rất lớn.

Trong thời gian vừa qua, nhiều mã đã tăng trên 20%, đặc biệt là nhóm bluechips,cổ phiếu về tài khoản hiện đã đạt được một mức sinh lời mong muốn trong bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, do đó những phiên điều chỉnh có thể được thực hiện.

Các biến số vĩ mô vẫn chưa có nhiều thông tin mới, nội dung của quá trình tái cấu trúc vẫn xoay quanh các giải pháp.

Kết quả kinh doanh của các DN niêm yết đang lần lượt được công bố, DN không hoàn thành kế hoạch và lỗ vẫn chiếm phần lớn. Hiện NĐT vẫn đang chờ mùa Đại hội cổ đông để có cái nhìn rõ nét hơn về DN cũng như thị trường.

Chúng tôi vẫn không thay đổi quan điểm đầu tư, những phiên tăng điểm là cơ hội cho NĐT chốt lời hơn là tranh mua. NĐT ngắn hạn tiếp tục theo dõi những phiên điều chỉnh để xem xét cơ hội tham gia thị trường, tuy nhiên cũng cần có chính sách cắt lỗ thích hợp. NĐT dài hạn vẫn đứng ngoài quan sát.

Thị trường có thể biến động mạnh

(CTCK EuroCapital)

Phiên giao dịch 1/2, trạng thái phân hóa diễn ra khá mạnh trên hai sàn chứng khoán. Trong khi những cổ phiếu đã tăng giá mạnh (đã tăng trên 25%) chưa thể vượt qua vùng giá cao nhất trước đó thì những cổ phiếu mới tăng giá, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngành bất động sản tiếp tục tăng giá.

Sự phân hóa của phiên giao dịch 1/2 dẫn tới việc thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn vùng đáy xấp xỉ 25% (với nhóm cổ phiếu thanh khoản cao) và hội tụ lượng lớn cổ phiếu.

Trạng thái hiện tại cho thấy thị trường có thể biến động mạnh khi vùng giá hiện tại bị phá vỡ. Nhà đầu tư chỉ nên mua mới nếu thị trường tăng vượt đỉnh giá hình thành ngày 31/01/2012.

Theo Dau tu chung khoan

Từ khóa: