Tập đoàn Vingroup ( VIC ), ghi nhận mức doanh thu thuần của năm 2015 là 33.829 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2014...
Doanh thu của Vingroup gấp đôi 15 "ông lớn" BĐS khác cộng lại
Thông tin trên Trí thức trẻ, sự phục hồi của thị trường bất động sản giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc, xây dựng niêm yết trên TTCK ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Đứng đầu danh sách là Tập đoàn Vingroup ( VIC ), ghi nhận mức doanh thu thuần của năm 2015 là 33.829 tỷ đồng tăng 23% so với năm 2014.
Điểm đáng chú ý nhất trong hoạt động kinh doanh của Vingroup trong năm nay, đó là mức tăng trưởng về doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 10.184 tỉ đồng, tăng kỷ lục 131% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu chủ yếu đến từ các dự án thuộcVinhomes, Vincom Retail, Vinpearl,... đã giúp Vingroup thu về 1.419 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Khác với các doanh nghiệp lớn đi theo định hướng bất động sản trung và cao cấp, thì Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) lại thành công ở phân khúc nhà xã hội, nhà bình dân.
Năm 2015, công ty này đã ghi nhận mức lãi kỷ lục. Doanh thu thuần cho cả năm 2015 đạt 1.398 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty đạt 654 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí ngang bằng với HQC, Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) ghi nhận doanh thu thuần cho cả năm 2015 là 1.458 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 622 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.
Tuy nhiên năm 2015, KBC đặt mục tiêu lãi sau thuế 739 tỷ đồng. Với kết quả đã thực hiện, công ty mới chỉ hoàn thành 84% kế hoạch đặt ra.
Năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) có mức lợi nhuận sau thuế ngang ngửa với Vingroup khi đạt 1.443 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận đến là từ việc bán toàn bộ cổ phần tại CTCP Ngôi Sao Xanh (Blue Star) – công ty con sở hữu Khu đất vành khăn tại dự án Trần Duy Hưng mà OGC ghi nhận 1.820 tỷ doanh thu tài chính, cho Vincom Retail-đơn vị thành viên của Vingroup.
Một công ty BĐS khác có được mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2015 đó là Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh ( DXG ), năm 2015 đạt 1.394 tỷ đồng, tăng 175% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 445 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm 2014.
Nhìn chung, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hiệu quả hoạt động kinh doanh của DXG ở năm 2015 đều đến từ 03 mảng kinh doanh cốt lõi là hoạt động dịch vụ tăng 145%, hoạt động xây dựng tăng 245%, hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng 187%.
Ngoài ra, còn có Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cũng ghi nhận một năm tăng trưởng ấn tượng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2015, doanh thu thuần hợp nhất của Khang Điền năm 2015 đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 276 tỷ đồng, tăng 345% lần so với năm 2014.
Doanh thu của Vingroup gấp đôi 15 "ông lớn" BĐS khác cộng lại.
Tập đoàn Vingroup “khủng” cỡ nào?
Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đã trở thành thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này đã liên tục có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch hội đồng quản trị VinGroup chính là người đã góp phần lớn nhất tạo nên một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam.
Trong một báo cáo gần đây, Công ty chứng khoán Bản Việt đã dự báo doanh số bán nhà của Vingroup sẽ đạt 47.300 tỷ đồng trong năm 2016 so với ước tính 65.800 tỷ đồng năm 2015. Đơn vị này cũng nhận định thị trường bất động sản vẫn nằm trong chu kỳ tăng giá trong năm 2016.
Trước đó, theo bảng xếp hạng Forbes, tính đến ngày 16/11/2015, ông Phạm Nhật Vượng cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes.
Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, xếp thứ 1092 trên thế giới.
Ông Vượng đã tăng 26 bậc so với danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2015 được tạp chí Forbes công bố hồi tháng 3 năm nay.
Ông Vượng không chỉ là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách do tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Phạm Nhật Vượng còn là một trong 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất thế giới năm 2013. Liên tiếp 4 năm liền ông đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Vingroup dưới sự điều hành của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng luôn nằm trong top 5 các công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị ước tính khoảng 3,4 tỷ USD.
Tập đoàn Vingroup tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993 bởi những người Việt Nam trẻ tuổi, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thực phẩm và thành công rực rỡ với thương hiệu Mivina. Những năm đầu của thế kỷ 21, Technocom luôn có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp lớn mạnh nhất Ukraina. Từ năm 2000, Technocom – Vingroup trở về Việt Nam đầu tư với ước vọng được góp phần xây dựng đất nước.
Vingroup tập trung đầu tư vào các lĩnh vực du lịch và bất động sản (BĐS) với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom.
Vincom hiện được coi là thương hiệu số 1 Việt Nam về BĐS với hàng loạt các tổ hợp TTTM – Văn phòng – Căn hộ đẳng cấp tại vị trí đắc địa và những khu đô thị phức hợp lớn, hiện đại, dẫn đầu cho xu thế đô thị thông minh – sinh thái hạng sang tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Vinpearl cũng trở thành cánh chim đầu đàn của ngành Du lịch với chuỗi các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự biển, công viên giải trí, sân golf… đẳng cấp năm sao và trên năm sao quốc tế.
Tháng 2 –/2012 cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) chính thức được phát hành trên sàn giao dịch đã minh chứng tiềm lực của tập đoàn.
Hiện nay,Vingroup đã khẳng định mình với 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vinhomes (Hệ thống Bất động sản nhà ở dịch vụ hạng sang); Vincom (Hệ thống TTTM đẳng cấp);Vinpearl (Bất động sản du lịch; dịch vụ du lịch – giải trí); Đồng thời mở rộng ra các lĩnh vực như Vinmec (y tế chất lượng cao), Vinschool (giáo dục)…
Ngày 7/10/2014, Tập đoàn Vingroup đã niêm yết bổ sung hơn 1,3 triệu cổ phiếu vốn được phát hành cho cổ đông do thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi quốc tế thành cổ phần. Vingroup vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III của tập đoàn. Trong đó, Chủ tịch Vingroup hiện vẫn nắm khoảng 30,16% cổ phần của tập đoàn, với giá trị thị trường xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong quý 3 năm 2014, Vingroup đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A lớn, gây được sự chú ý lớn trên thị trường.
Vào đầu tháng 10/2014, Vingroup đã chính thức công bố việc mua lại thành công 70% cổ phần của Ocean Retail, đổi tên thành công ty cổ phần Siêu thị VinMart. Hiện Vingroup đang sở hữu luôn thương hiệu Ocean Mart, tuy nhiên giá trị của thương vụ này vẫn được giấu kín.
Năm 2015, sau đợt phát hành thêm cổ phần chuyển đổi trái phiếu quốc tế, vốn điều lệ của Vingroup vượt 14.200 tỷ đồng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
theo ĐS&PL