Các doanh nghiệp ngành dầu khí công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2018 với bức tranh phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp.
|
Kết quả kinh doanh giảm sút của nhóm dầu khí trong quý II/2018. Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt |
Theo báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm ngành dầu khí có lợi nhuận sau thuế suy giảm mạnh nhất trong quý II/2018, với tỷ lệ giảm gần 91% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả được công bố, một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm như Petrolimex, PV Gas, PV Oil, PV Trans, PV Coating, trong khi Lọc hóa dầu Bình Sơn, PTSC, PV DMC, PV Drilling ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ. Đáng chú ý, PV DMC, PV Drilling báo lỗ sau thuế trong nửa đầu năm 2018.
|
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của nhóm dầu khí. PQ tổng hợp |
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, Mã: PLX) ghi nhận doanh thu hợp nhất 98.757 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 2.278 tỷ đồng, tăng 13,3%. Theo giải trình của Petrolimex, kết quả kinh doanh tích cực nhờ giá dầu thế giới tăng, mạng lưới mở rộng, chính sách điều hành quỹ bình ổn giá và hoạt động khác.
Một doanh nghiệp khác hoạt động bán lẻ xăng dầu là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, Mã: OIL) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2 quý đầu năm đạt lần lượt 29.500 tỷ đồng và 320 tỷ đồng, tăng 4,3% và 38,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Hưởng lợi từ giá dầu tăng, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (Mã: GAS) báo doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước lên 38.361 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.872 tỷ đồng, tăng gần 43%.
Một doanh nghiệp khác trong nhóm "lợi nhuận nghìn tỷ" là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) ghi nhuận doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt 55.875 tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm hơn 7% so cùng kỳ xuống 3.443 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp khác là Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, Mã: PVT) và CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, Mã: PVB) ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận sau thuế tăng ‘khủng’, gấp 2 lần và 66 lần so với cùng kỳ. Theo giải trình của PV Coating, kết quả kinh doanh đột biến do công ty ký hợp đồng và đã triển khai các dự án thi công bọc ống.
Tuy nhiên, lợi nhuận đột biến của PV Trans lại không đến từ hoạt động cốt lõi của công ty. Quý II/2018, công ty ghi nhận doanh thu tài chính đạt hơn 81 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, lãi tiền gửi gần 42 tỷ đồng, cổ tức, lợi nhuận được chia gần 21 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá gần 19 tỷ đồng.
Trái ngược với xu hướng của các doanh nghiệp cùng ngành, Tổng CTCP Dịch vụ Kĩ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, Mã: PVS) ghi nhận doanh thu lũy kế 6 tháng 2018 giảm nhẹ gần 1% so với nửa đầu năm 2017 xuống còn 7.629 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng 2018 của PTSC giảm mạnh gần 67% xuống còn 213 tỷ đồng.
Theo giải trình của PTSC, nguyên nhân từ lỗ của hoạt động khảo sát địa lý (tàu khảo sát 2D, 3D) ảnh hưởng của tình hình toàn cầu và lợi nhuận từ các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tàu chứa và xử lý dầu thô (FSO/FPSO) giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, việc áp dụng đơn giá thuê tàu hiện tại cũng thấp hơn đáng kể với với các năm trước theo quy định của hợp đồng thuê dài hạn cũng một phần làm cho LNST của PVS giảm.
|
Hoạt động khai thác dầu mỏ tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Một tên tuổi lớn khác trong ngành là Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, Mã: PVD) báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp. Quý II/2018, lỗ sau thuế của PV Drilling là hơn 67 tỷ đồng, do công ty phát sinh chi phí thuế nhà thầu tạm nộp khi giàn khoan hoạt động tại Malaysia, tăng chi phí bảo trì bảo dưỡng giàn khoan do có giàn khoan PV DRILLING II thực hiện công tác bảo trì định kỳ, ghi nhận dự phòng lỗ đầu tư PVD Overseas khi giàn hoạt động dưới giá vốn và do biến động tăng tỷ giá.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Drilling ghi nhận lỗ 333 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so nửa đầu 2017, trong khi doanh thu tăng hơn 88% lên 2.726 tỷ đồng.
Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP (PV DMC, Mã: PVC) cũng báo ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 15 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, trong khi cùng kỳ lãi 300 triệu. Cùng với đó, doanh thu của công ty cũng giảm gần 34% xuống còn 1.090 tỷ đồng. Nguyên nhân do dịch vụ dung dịch khoan của công ty giảm mạnh so cùng kỳ.
Giá cổ phiếu dầu khí đi ngược lại với diễn biến giá dầu thô thế giới
Giá dầu thô thế giới có "bước nhảy vọt" gần 50% kể từ tháng 5/2017. Giá dầu tăng do căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran. Tính đến ngày 30/6/2018, giá dầu Brent Biển Bắc là 77,1 USD/thùng, tăng 60,8% so cùng thời điểm năm 2017, giá dầu thô WTI là 73,97 USD/thùng, tăng 63,07%.
Ghi nhận tại ngày 8/8, giá dầu thô WTI và dầu Brent có tỷ lệ tăng tăng lần lượt là 14,66% và 12,05% trong 6 tháng gần đây.
Diễn biến giá dầu thô và dầu Brent trong 6 tháng đầu năm 2018. Nguồn: investing.com
Theo dự báo mới đây của bộ phận phân tích thị trường dầu lửa thuộc Energy Aspects, trong quý 4, giá dầu thế giới có khả năng vượt ngưỡng 80 USD/thùng, thậm chí là vượt 90 USD/thùng. Yếu tố quyết định sẽ là sản lượng dầu của Iran sụt giảm bao nhiêu.
Diễn biến trái chiều với giá dầu thế giới, giá cổ phiếu nhóm dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại "cắm đầu" nửa đầu năm 2018.
|
Diễn biến giá cổ phiếu dầu khí trong 6 tháng gần đây. Nguồn: VNDIRECT |
Trong 6 tháng gần đây, một số cổ phiếu nhóm dầu khí có mức giảm lớn như BSR (-44,4%), OIL (-36,8%), PVD (-34%), PLX (-17,8%), PVS (-15,5%), GAS (-12,6%). Như vậy, những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dầu khí với kì vọng vào giá dầu thô thế giới trong trạng thái đầu tư 'đếm cua trong lỗ'.
Phan Quân
Theo Kinh tế & Tiêu dùng