Ngày 18-8, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhuệ Giang (Công ty Nhuệ Giang) là chủ đầu tư Dự án Iris Garden tại địa chỉ số 119 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã phản hồi một số thông tin không chính thống trên mạng xã hội liên quan tới dự án mà đơn vị đang triển khai. Với thông tin phát ngôn chính thống này, sẽ tránh để kẻ xấu lợi dụng các thông tin sai trái, tạo ra những tác động tiêu cực tới dự án và các chủ thể có quyền hợp pháp liên quan.
1. Sự thật về nhóm người tụ tập, gây rối tại Dự án Iris Garden
Liên tục từ cuối tháng 6 đến nay, có nhóm người tự xưng là thương binh tụ tập, sử dụng rất nhiều xe mô tô ba bánh (thường được gọi là xe thương binh) treo các băng rôn, khẩu hiệu, dừng đỗ chặn kín lối ra vào tại 5 tòa nhà chung cư của Dự án Iris Garden gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, sinh sống của nhân viên, cư dân tại đây. Mặc dù lực lượng bảo vệ của dự án đã nhắc nhở và đề nghị nhóm người này chấm dứt các hành động nêu trên để đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực nhưng mức độ của các hành vi ngày càng gia tăng, thậm chí, một số cá nhân trong nhóm còn hành hung, gây thương tích cho lực lượng bảo vệ.
Ngày 31-7-2020, Thừa phát lại Nguyễn Thị Thuỷ, Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đô đã lập Vi bằng số 1687/2020/VB-TPLTĐ ghi nhận thực trạng nêu trên. Công ty Nhuệ Giang đã gửi đơn trình báo đến Công an phường Cầu Diễn, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an thành phố Hà Nội đề nghị áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi mang tính gây rối này.
Không chỉ dừng lại ở đó, hành vi của nhóm người, sử dụng mô tô ba bánh, tụ tập, treo băng rôn, gây sức ép này còn diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau tại Hà Nội, như trụ sở của cổ đông Công ty Nhuệ Giang (là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đan Phượng), địa điểm kinh doanh của đơn vị phát triển Dự án Iris Garden (là Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex). Thậm chí, nhóm người này còn gây rối, đe doạ tinh thần, gây mất an ninh, an toàn tại nhà riêng của một số cá nhân có liên quan đến Công ty Nhuệ Giang.
Chính vì vậy, nội dung thông tin “Công ty Nhuệ Giang bị cổ đông căng băng rôn phản đối” là hoàn toàn không đúng sự thực. Công ty Nhuệ Giang không có bất kì cổ đông nào là các cá nhân sử dụng danh nghĩa thương binh, sử dụng xe mô tô ba bánh để gây rối, đe doạ an ninh trật tự khu vực, gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng, tinh thần của những chủ thể sinh sống và làm việc tại các địa điểm nêu trên.
2. Sự thật về tư cách cổ đông của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Quân Anh
Ngày 2-8-2020, Công ty Nhuệ Giang đã có thông cáo báo chí cụ thể về tư cách cổ đông không đích thực của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Quân Anh (Công ty Quân Anh), những dấu hiệu vi phạm của nhóm cổ đông chi phối Công ty Quân Anh và Công ty cổ phần bất động sản AZ đối với Công ty Vimedimex, Công ty Nhuệ Giang.
Cụ thể là, thứ nhất, Công ty Quân Anh không có tư cách cổ đông đích thực của Công ty Nhuệ Giang.
Ngày 26-02-2016, Công ty Quân Anh (tiền thân là Công ty cổ phần địa ốc La Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex)) ký Biên bản thỏa thuận đầu tư số 10/BBTTĐT-2016 về việc hợp tác đầu tư xây dựng Dự án Iris Garden. Theo đó, Công ty Vimedimex có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn để góp đủ 100% vốn điều lệ của pháp nhân kế thừa là Công ty Nhuệ Giang. Trong đó, Vimedimex chiếm 70% vốn điều lệ, Công ty Quân Anh chiếm 30% vốn điều lệ. Sau khi ký Biên bản thỏa thuận đầu tư số 10/BBTTĐT-2016, Công ty Vimedimex đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, bao gồm: chuyển cho Công ty Quân Anh số tiền 280 tỷ đồng để thanh toán chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông sáng lập của Công ty Nhuệ Giang; 30% vốn điều lệ của Công ty Quân Anh tại Công ty Nhuệ Giang là Công ty Vimedimex tạo nguồn góp vốn, Công ty Quân Anh không thực góp vốn bất kì khoản tiền nào.
Căn cứ theo danh sách cổ đông của Công ty Nhuệ Giang, Công ty Nhuệ Giang có những cổ đông như sau: Lê Anh Tùng: có 3.000.000 cổ phần, chiếm 5% tổng số vốn điều lệ; Công ty Quân Anh: có 18.000.000 cổ phần, chiếm 30% tổng số vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đan Phượng (Công ty Đan Phượng): có 39.000.000 cổ phần, chiếm 65% tổng số vốn điều lệ. Trong đó Công ty Vimedimex sở hữu 80% tổng số vốn điều lệ của Công ty Đan Phượng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông phổ thông có nghĩa vụ “1. Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua”. Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2014, “a. Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng kí mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người”.
Như vậy, căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, căn cứ trên thực tế không góp vốn mua cổ phần của Công ty Nhuệ Giang (nguồn tiền toàn bộ là của Công ty Vimedimex), Công ty Quân Anh không có tư cách cổ đông đích thực của Công ty Nhuệ Giang.
Thứ hai, nhóm cổ đông chi phối của Công ty Quân Anh và Công ty AZ đang có sự vi phạm nghiêm trọng cam kết hợp tác với Công ty Vimedimex, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Công ty Vimedimex
Theo đề nghị của ông Bùi Viết Sơn, Công ty Vimedimex đã kí Biên bản thỏa thuận Hợp tác đầu tư với Công ty AZ để thực hiện Dự án 17 Phạm Hùng và kí Biên bản thỏa thuận Hợp tác đầu tư với Công ty Quân Anh để thực hiện Dự án tại 119 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Cả hai Biên bản thỏa thuận Hợp tác đầu tư này đều do ông Bùi Viết Sơn với tư cách đại diện cho Công ty AZ và tư cách đại diện cho Công ty Quân Anh kí kết với Công ty Vimedimex.
Trên giấy tờ, tại thời điểm kí kết, ông Bùi Viết Sơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty AZ, có số cổ phần chiếm 98% tổng số vốn điều lệ và bà Phạm Thị Hạnh (là vợ của ông Bùi Viết Sơn) là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty Quân Anh, có số cổ phần chiếm 89% tổng số vốn điều lệ. Như vậy, thực tế là Công ty AZ và Công ty Quân Anh tuy trên giấy tờ là độc lập với nhau, nhưng bản chất đều thuộc sở hữu của vợ chồng ông Bùi Viết Sơn, bà Phạm Thị Hạnh, là các pháp nhân mang tính chất gia đình, có phần lớn tài sản là tài sản chung của vợ chồng ông Bùi Viết Sơn, bà Phạm Thị Hạnh trong thời kì hôn nhân hợp pháp. Đây là cơ sở để Công ty Vimedimex đồng ý với đề nghị của ông Bùi Viết Sơn về việc hợp tác đầu tư thực hiện 2 dự án với Công ty AZ và Công ty Quân Anh.
Trong cả hai dự án này, Công ty Vimedimex đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ theo cam kết là chuyển tiền cho Công ty AZ và Công ty Quân Anh để thực hiện các hoạt động của dự án và chuẩn bị số vốn góp cho Công ty AZ, Công ty Quân Anh góp vào pháp nhân thực hiện dự án (số tiền Công ty AZ đã nhận từ Công ty Vimedimex là 261 tỷ đồng, số tiền Công ty Quân Anh đã nhận từ Công ty Vimedimex là 280 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong cả hai dự án, Công ty AZ, Công ty Quân Anh, mà cụ thể là vợ chồng ông Bùi Viết Sơn, bà Phạm Thị Hạnh đều vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã thoả thuận, cam kết (Công ty Quân Anh đã có văn bản làm việc ngày 19-9-2018 với Công ty Vimedimex, theo đó đại diện Công ty Quân Anh nêu rõ Công ty Quân Anh sẽ không tham dự vào hoạt động điều hành kinh doanh tại Công ty Nhuệ Giang và quá trình triển khai đầu tư tại Dự án; Công ty AZ đã lập hồ sơ giả mạo, mang tính chất lừa đảo, nhằm loại bỏ bất hợp pháp quyền của Công ty Vimedimex ra khỏi dự án).
Những nội dung này được Công ty Nhuệ Giang, Công ty Vimedimex gửi văn bản nhiều lần tới Công ty Quân Anh, Công ty AZ và đề nghị Công ty Quân Anh, Công ty AZ nghiêm túc thực hiện các thoả thuận, cam kết đã xác lập nhưng không nhận được phản hồi có trách nhiệm của Công ty Quân Anh, Công ty AZ.
Do đó, nội dung về sự tham gia góp vốn, tư cách cổ đông của Công ty Quân Anh và những cáo buộc không có căn cứ của Công ty Quân Anh là hoàn toàn không đúng sự thực.
3. Sự mập mờ về tư cách những người xưng danh là đại diện của Công ty Quân Anh
*Thứ nhất, không rõ tư cách của người đại diện theo pháp luật của Công ty Quân Anh thực tế là ai?
Trong Biên bản thỏa thuận đầu tư số 10/BBTTĐT-2016 giữa Công ty Quân Anh và Công ty Vimedimex, ông Bùi Viết Sơn là người trực tiếp kí nhân danh người đại diện của Công ty Quân Anh. Tại thời điểm đó, bà Phạm Thị Hạnh (là vợ của ông Bùi Viết Sơn) là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty Quân Anh trên Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của Công ty. Theo các văn bản làm việc, hồ sơ, giấy tờ Công ty Quân Anh gửi tới Công ty Nhuệ Giang, người đại diện theo pháp luật của Công ty Quân Anh, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc là bà Phạm Thị Hạnh.
Tuy nhiên, ngày 8-7-2020, Công ty Nhuệ Giang nhận được Văn bản số 23/CV-QA của Công ty Quân Anh đề ngày 1-7-2020, người kí văn bản đại diện của Công ty Quân Anh với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc là Trần Trung Hiếu. Nhưng Công ty Nhuệ Giang không nhận được bất kì thông tin, văn bản thông báo chính thống nào từ Công ty Quân Anh về việc thay đổi nhân sự quản lí cũng như tư cách chủ thể liên hệ, làm việc nhân danh Công ty Quân Anh.
Điều đặc biệt là, đối diện với thực tế dự án 17 Phạm Hùng đang bị dừng tiến độ, dự án Iris Garden đang bị gây rối bởi những cá nhân tự xưng là Công ty Quân Anh, mặc dù Công ty Vimedimex và Công ty Nhuệ Giang đã gửi nhiều văn bản yêu cầu, ông Bùi Viết Sơn và bà Phạm Thị Hạnh tuyệt nhiên không xuất hiện.
Như vậy, hiện nay, tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty Quân Anh thuộc về ai? Ông Bùi Viết Sơn, bà Phạm Thị Hạnh sau khi nhận tiền của Công ty Vimedimex hiện đang ở đâu? Không có bất kì căn cứ nào để xác định tính hợp pháp của các văn bản của Công ty Quân Anh gửi Công ty Nhuệ Giang là do người có thẩm quyền hợp pháp kí hay không.
*Thứ hai, không rõ tư cách, vai trò của người đại diện theo uỷ quyền là gì?
Theo các hình ảnh được ghi lại trên thực tế và các thông tin cho biết, người dẫn đầu các hoạt động gây rối diễn ra liên tiếp tại Dự án Iris Garden là ông Phạm Công Thành, là người được Công ty Quân Anh ủy quyền theo Giấy ủy quyền số 24/2020/GUQ-QA.
Trong toàn bộ quá trình làm việc, hợp tác, trao đổi công việc giữa Công ty Quân Anh và Công ty Vimedimex, Công ty Nhuệ Giang từ trước tới nay, chưa bao giờ xuất hiện ông Phạm Công Thành. Sự xuất hiện của ông Thành, sau khi Công ty Quân Anh gửi Giấy uỷ quyền số 24/2020/GUQ-QA, kéo theo thực trạng nhiều xe thương binh xuất hiện, tụ tập các cá nhân mặc quần áo bộ đội, xưng danh thương binh, gây rối, gây mất trật tự an ninh, an toàn khắp mọi nơi.
Như vậy, hiện nay, tư cách và vai trò của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty Quân Anh thực tế là gì?
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông trong công ty cổ phần có nghĩa vụ: “2. Tuân thủ Điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của công ty. 3. Chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. 4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”. Rõ ràng, cổ đông của công ty phải tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật, Điều lệ của công ty, cũng như các văn bản nội bộ trong hoạt động của doanh nghiệp. Hành vi sử dụng bạo lực, gây mất trật tự an ninh, đe doạ an toàn tính mạng, sức khoẻ, tinh thần như đã nêu không thể là xử sự của cổ đông đích thực, hợp pháp trong công ty cổ phần và là căn cứ, dấu hiệu cho thấy sự mập mờ trong tư cách cổ đông của các cá nhân tự xưng danh này.
Toàn bộ thực trạng mập mờ này dẫn tới những nghi vấn có căn cứ về tính pháp lý, hợp pháp của các hoạt động, các phát ngôn nhân danh Công ty Quân Anh; cũng như yêu cầu cần phải làm rõ về nguyên nhân sâu xa, mục đích, động cơ của những hoạt động này trên thực tế, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan như Công ty Nhuệ Giang, Công ty Vimedimex.
Trên đây là những sự thật khách quan hoàn toàn khác biệt so với những thông tin không chính xác, có tính kích động của thông tin trên mạng đã nêu. Vì vậy, Công ty Nhuệ Giang xin được gửi thông cáo báo chí toàn bộ nội dung thực tế vụ việc, để góp phần mang đến cho các khách hàng Dự án Iris Garden và các chủ thể có liên quan những thông tin chính thống, tránh trường hợp bị ai đó bị dụ dỗ, tuyên truyền và có thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
P.V
Theo PL&XH