Sự kiện hot
11 năm trước

Chủ tịch nước yêu cầu rà soát vụ án “siêu lừa” Huyền Như

Đối với vụ án Huyền Như, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, trên cơ sở đó xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Chủ tịch nước yêu cầu rà soát

Văn phòng Chủ tịch nước vừa có công văn gửi các cơ quan pháp luật về một số vấn đề xung quanh vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Theo đó, sau khi Tòa án nhân dân TP HCM kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm với tội danh, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “cho vay nặng lãi”, có nhiều ý kiến khác nhau về bản án mà Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên.

Bên cạnh những ý kiến tán thành, còn có nhiều ý kiến chưa đồng tình với kết quả xét xử sơ thẩm, đề nghị xem xét lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như, xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank, cho rằng bản án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa công bằng, nghiêm minh và chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Nhiều bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này có đơn kháng cáo. Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM cũng có kháng nghị phúc thẩm. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xem xét, giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Trước tình hình trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, trên cơ sở đó xác định tội danh và quyết định mức hình phạt theo đúng luật định, xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót người, lọt tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Đồng thời, cần làm rõ và đầy đủ những vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, có hình thức xử lý tương xứng, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, có tác dụng tốt trong việc răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và làm cho kinh tế-xã hội phát triển lành mạnh hơn.

“Siêu lừa” nhận án chung thân

Huỳnh Thị Huyền Như, 35 tuổi, nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank cùng 22 bị cáo bị truy tố về các tội, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cho vay nặng lãi”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước”.

Số tiền lừa đảo và bị chiếm đoạt là gần 4.000 tỉ đồng, bằng những hợp đồng có con dấu giả, chữ ký giả.

Đầu tháng 1/2014, Tòa án nhân dân TP HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với Huyền Như và đồng phạm. Trong suốt những ngày diễn ra các phiên xét hỏi, Huỳnh Thị Huyền Như khai mình là người chủ mưu trong tất cả mọi việc, trong khi các đồng phạm đều cho rằng, không được hưởng lợi gì trong việc giúp sức cho Như chiếm đoạt tiền của các đối tác, cũng không biết việc lừa đảo của Huyền Như. Một số bị cáo khẳng định, họ cũng chỉ là nạn nhân của Huyền Như mà thân bại, danh liệt, gia cảnh éo le, khó khăn chồng chất…

Trưa 27/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt, Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan nhà nước.

Hội đồng xét xử nhận định, Huyền Như có nhiều tình tiết giảm nhẹ tội danh như, gia đình có công với cách mạng, phạm tội khi mang thai và đang nuôi con nhỏ… Nhưng, do tính chất, hành vi đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn... gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nên cần thiết áp dụng mức án cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, về tội lừa đảo.

Ngoài ra, “siêu lừa” Huyền Như còn bị phạt 6 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân. Huỳnh Thị Huyền Như cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt.

Tại phiên xét xử, ông Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như đã được di lý ra Hà Nội để tham dự phiên xét xử bầu Kiên, với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án này, Huyền Như được xác định là người đã dùng thủ đoạn và lợi dụng uy tín của mình chiếm đoạt của ngân hàng ACB số tiền 718 tỉ đồng, thông qua việc ký các hợp đồng gửi tiền với Ngân hàng ACB.

Công Minh

Từ khóa: