Kinh nghiệm cho thấy, khi ngành nào, lĩnh vực nào cũng khó khăn và khó kiếm tiền, thì trong lòng chứng khoán lại dễ tạo ra những con sóng nhỏ.
Kinh nghiệm cho thấy, khi ngành nào, lĩnh vực nào cũng khó khăn và khó kiếm tiền, thì trong lòng chứng khoán lại dễ tạo ra những con sóng nhỏ.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tấn Lộc cho biết, EVN đang tính toán phương án tăng giá điện, với mức tăng ít nhất 5%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trả lời bên hành lang Quốc hội, giá bán lẻ điện năm 2012 sẽ tăng ở mức: trên 10%, dưới 15,6%. Những thông tin này khiến không ít NĐT choáng váng sau cú sốc giá xăng dầu.
Lãnh đạo cơ quan điều tiết điện lực phát biểu, giá điện tăng 5% sẽ có ảnh hưởng làm CPI tăng 0,369%. Tương tự, trước đó người ta tính toán rằng, tăng giá xăng dầu vừa qua làm tăng CPI chưa đến 0,5%. Song thực tế dường như khác xa như vậy, khi nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên tục tăng giá.
Trong email gửi cho ĐTCK, chủ tịch HĐQT một DN niêm yết lớn than thở: “Lãi suất cho vay vẫn trên 20%/năm, tháng 1 và tháng 2 tín dụng không tăng, mà còn bị âm, nên tình hình rất căng thẳng”. Rõ ràng, cứ nhẩm tính sơ sơ, năm 2011, mỗi tháng tín dụng tăng 0,8%, nhưng 2 tháng đầu 2012, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng giảm tới 2,51%. Chi phí đầu vào tăng vùn vụt, sản phẩm không bán được khiến DN ở thế “bất động”, thu nhập của người lao động do vậy càng giảm sút và khó chống chọi với bão giá. Kinh tế chưa sáng sủa, chứng khoán khó có thể lạc quan.
Trước rất nhiều cổ phiếu giá thấp và DN kinh doanh thua lỗ, thậm chí mất gần hết vốn, vẫn có những NĐT dũng cảm “khoanh vùng” cổ phiếu lại và chờ đợi một ngày giá sẽ tăng trở lại. Hành động như vậy có thích hợp không? Câu trả lời theo nhiều chuyên gia là không.
Đã đến lúc NĐT chứng khoán phải nhìn vào một sự thật rằng: có thể mất trắng khi DN phá sản, tương tự như cổ đông DVD trước đây, dù bản chất nguyên nhân của sự phá sản ở mỗi DN là khác nhau. Ở một số DN, NĐT tổ chức đã thể hiện bản lĩnh, đơn cử như Quỹ đầu tư bất động sản VPF của Dragon Capital đã thoái vốn đối với cổ phiếu SJS, chịu lỗ tới 45% so với giá đầu tư cách đây 5 năm.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của chứng khoán vẫn ở tính bất ngờ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, chỉ số trên 2 sàn tăng điểm rất mạnh. Hàng loạt cổ phiếu từ rớt giá sàn đã đảo ngược tình thế thành tăng trần và dư mua khá lớn. Chỉ báo về thanh khoản cũng cho thấy, lượng tiền đổ vào thị trường phiên buổi chiều tăng rất mạnh.
Điểm qua những thông tin ảnh hưởng đến thị trường trong những ngày tới như khả năng chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của một số quỹ vào thời điểm cuối quý, CPI, kết quả kinh doanh quý I của DN, rất khó để liên tưởng tới một sự lạc quan dài hạn. Dẫu vậy, đặc tính của chứng khoán một lần nữa xin được nhắc lại: sự bất ngờ. Kinh nghiệm cho thấy, khi ngành nào, lĩnh vực nào cũng khó khăn và khó kiếm tiền, thì trong lòng chứng khoán lại dễ tạo ra những con sóng nhỏ.
Phong Lan
Theo DTCK