Sự kiện hot
3 ngày trước

Các trường hợp nhà ở không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, thường gọi là “sổ đỏ” hoặc “sổ hồng”, là một văn bản pháp lý quan trọng xác nhận quyền sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức đối với bất động sản. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp nhà ở đều đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận này. Nhiều người mua hoặc xây dựng nhà có thể gặp rủi ro nếu không hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan.

Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), ngoài việc chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân còn có thể được chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bao gồm nhà ở và công trình xây dựng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp nhà ở đều được chứng nhận quyền sở hữu.

Đã kết hôn, đứng tên nhà đất một người được không? – CIS Law Firm
Các trường hợp nhà ở không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 151 Luật Đất đai 2024, tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu khi cấp Sổ đỏ nếu thuộc một trong các trường hợp:

Tài sản gắn liền với đất mà thửa đất có tài sản đó thuộc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 1 Điều này hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

Nhà ở hoặc công trình xây dựng được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng tạm thời bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính;

Tài sản gắn liền với đất đã có thông báo hoặc quyết định giải tỏa hoặc đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có các thông báo, quyết định này mà không thực hiện;

Nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà tài sản được tạo lập đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở theo quy định tại Điều 148 và Điều 149 của Luật này có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật về xây dựng;

Tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính

Tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 và Điều 149 của Luật Đất đai 2024.

Việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không chỉ gây mất mát tài sản mà còn tạo ra nhiều rủi ro pháp lý cho các bên liên quan. Để tránh những trường hợp này, người dân cần nắm rõ các quy định pháp luật, kiểm tra tính hợp pháp của bất động sản trước khi giao dịch, và tuân thủ đầy đủ các quy định về xây dựng và quy hoạch. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong lĩnh vực bất động sản.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: