Sự kiện hot
13 năm trước

Chứng khoán còn nhiều “vùng đất sống”

Năm 2012, còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán, ngay cả trong bối cảnh thị trường tiếp tục diễn biến xấu.

Năm 2012, còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán, ngay cả trong bối cảnh thị trường tiếp tục diễn biến xấu.

Nhà đầu tư vẫn có thể có lợi nhuận khi gửi tiền đúng địa chỉ.

Năm 2011, chỉ số VN-Index giảm từ 484,66 điểm xuống 351,55 điểm. Trong khi đó, HNX-Index còn giảm sâu hơn, từ mức 114,24 điểm cuối năm 2010 xuống chỉ còn 58,74 điểm, tức giảm tới 50%. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vẫn đi ngược thị trường, trong đó có những cổ phiếu vẫn tăng trên 50% trong năm 2011. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng tăng ở mức tương ứng, chưa kể phần cổ tức mà nhà đầu tư nhận được trong năm qua.

Cổ phiếu VTF của Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng là cổ phiếu có tốc độ tăng giá cao nhất thị trường trong năm 2011, với mức tăng hơn 77% so với đầu năm 2011.

Trong suốt nửa đầu năm 2011, giá cổ phiếu VTF chỉ dao động trong khoảng 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sóng của VTF bắt đầu nổi lên từ khoảng giữa năm và tăng đều lên mặt bằng 20.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Một cổ phiếu đã đem lại nhiều lợi nhuận cho các cổ đông trong năm 2011 là GIL của Công ty cổ phần Sản xuất - Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh. Trong năm 2011, giá cổ phiếu GIL không có một đợt sóng lớn nào, nhưng lại tăng khá đều đặn, từ khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2011) lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm kết thúc năm 2011.

Trong khi đó, một cổ phiếu rất nhỏ trên thị trường là CVN của Công ty cổ phần Vinam cũng đã gây bất ngờ khi đứng vào danh sách các cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất năm 2011. Cổ phiếu này không tăng đều như VTF hay GIL, nhưng lại gây chú ý bởi có 3 đợt sóng lớn. Đợt sóng đầu tiên xuất hiện ngay thời điểm đầu năm, khi giá CVN tăng một mạch từ khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu, sau đó lại tuột dốc xuống mốc 15.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2011. Đợt sóng thứ 2 tiếp sau đó, khi tăng từ mốc 15.000 đồng/cổ phiếu lên 35.000 đồng/cổ phiếu vào khoảng tháng 6 và duy trì ở mốc này đến hết tháng 9/2011, sau đó tuột dốc trở lại xuống 18.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2011. Đợt sóng thứ 3 tiếp sau đó, khi từ mức 18.000 đồng/cổ phiếu tăng lên 27.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011.

Cổ phiếu KTS của Công ty cổ phần Đường Kontum cũng là một trong những tâm điểm chú ý của nhà đầu tư. Từ cuối tháng 11/2011, giá KTS bất ngờ dựng ngược từ hơn 10.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 40.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối năm. Điều đáng chú là, lượng giao dịch cổ phiếu KTS rất ít, có phiên chỉ có 100 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Theo giải trình về sự tăng giá bất thường của cổ phiếu KTS, đại diện Công ty cổ phần Đường Kontum cho biết, việc mua bán cổ phiếu do nhu cầu của nhà đầu tư, không nằm trong sự kiểm soát của Công ty.

Trong số các cổ phiếu tăng giá mạnh 1 năm qua, ngoài các cổ phiếu có quy mô trung bình và nhỏ, cũng có sự góp mặt của các cổ phiếu thuộc hàng “đại gia”, một trong số đó là cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Diễn biến giá cổ phiếu của VNM cũng tương tự GIL. Trong suốt 1 năm qua, giá cổ phiếu này không có đợt sóng nào, nhưng lại tăng đều từ mốc dưới 60.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2011 lên 90.000 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch cuối năm.

Chí Tín
Theo Dau tu


Từ khóa: