Sự kiện hot
13 năm trước

Chứng khoán nghỉ tết đến tháng 6

Thị trường ngày càng vắng khác và cứ như thế này có thể không chỉ nghỉ Tết 9 ngày, mà cả 6 tháng. Khi đó, việc khôi phục lại thị trường sẽ khó khăn hơn nhiều.

Thị trường ngày càng vắng khác và cứ như thế này có thể không chỉ nghỉ Tết 9 ngày, mà cả 6 tháng. Khi đó, việc khôi phục lại thị trường sẽ khó khăn hơn nhiều.

TTCK Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2012 như vĩ mô còn bất ổn, giá hàng hóa đầu vào tiếp tục tăng, tỷ giá và lạm phát có thể còn nóng... Nhưng điều đáng sợ nhất là dòng tiền và niềm tin trên thị trường đang cạn kiệt.

Nỗi lo thị trường lịm đi sau Tết

Thủ tướng vừa đồng ý với đề nghị trên của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012, cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước sẽ được nghỉ chín ngày liên tục từ 21-1 đến hết 29-1-2012 (28 tháng chạp đến mồng 7 tháng giêng).

Điều này cũng có nghĩa là TTCK sẽ có một đợt nghỉ dài, 9 ngày liên tiếp. Trước đó, ngày 2-1-2012, TTCK cũng sẽ nghỉ bù cho ngày mùng Tết dương lịch trùng vào Chủ Nhật.

Với diễn biến chỉ thỉnh thoảng bull-trap một phiên và giao dịch luôn đứng ở mức thấp, nhiều nhà đầu tư lo ngại TTCK có thể rơi vào tình trạng đóng băng như vài năm trước đây.

Điều này càng được củng cố hơn khi mà tâm lý chán nản, nhắm mắt cắt lỗ và không còn hy vọng nào với một đợt tăng điểm trước tết đang lan rộng. Nhiều nhà đầu tư tận dụng một vài phiên tăng điểm hiếm hoi để rút ra khỏi thị trường.

Trên thực thế, chứng khoán đã giảm khá sâu. Nó phản ánh cho những khó khăn mà các doanh nghiệp niêm yết gặp phải trong suốt một năm qua như lạm phát cao, lãi suất ở mức kỷ lục, dòng tiền bị thắt chặt, chi phí đầu vào liên tục đi lên... Bên cạnh đó là những chính sách không kịp thời của các cơ quan quản lý và sự thiếu minh bạch trên thị trường.

Trong năm tới, khó khăn và thách vẫn còn nhiều. Tình hình kinh tế vĩ mỗ khả năng còn nhiều bất ổn, không ủng hộ cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường. Giá một loạt các mặt hàng chiến lược như điện, nước, than, ngoại tệ... được kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy, thực sự tình hình vĩ mô đang dần dần đi vào ổn định. Có nhiều tín hiệu cho thấy lạm phát đang được kiểm soát. Mức 9-10% cho năm 2012 có thể thực hiện được. Hệ thống ngân hàng vẫn còn khó khăn về thanh khoản nhưng đã qua thời kỳ khó khăn nhất và đã có những bước tái cấu trúc đầu tiên.

Riêng về TTCK, cũng đã có một vài động lực mới sẽ giúp thị trường cải thiện trong ngắn hạn như hàng rào pháp lý của quỹ mở được xây dựng, gia tăng thời gian của phiên giao dịch và rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ...

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận một tâm lý chán nản và niềm tin đang kiệt quệ trên khắp thị trường. Với một lượng vốn thực tế của các nhà đầu tư nội, theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, hiện đang ở mức rất thấp chỉ vài trăm tỷ, trong khi vốn ngoại cũng không cao hơn nhiều nhưng lại gần như đóng băng, thì việc không có một cú huých về mặt tâm lý có thể sẽ khiến TTCK rơi vào tình trạng tê liệt.

Nuôi thanh khoản

Điều mà chuyên gia ngân hàng nói trên lo sợ nhất là chợ chứng khoán sẽ rơi vào tình trạng không có khách. Thị trường khi đó có thể không chỉ nghỉ Tết 9 ngày, mà cả 6 tháng. Việc khôi phục lại thị trường sẽ khó khăn hơn nhiều.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia và giới quan sát thị trường, các biện pháp dài hơi như tái cấu trúc TTCK song song với tái cấu trúc nền kinh tế là một cách đi đúng đắn, không có gì phải bàn cãi. Nó sẽ giúp cho thị trường phát triển bền vững và trước sau gì thì chứng khoán sẽ lấy lại được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, để đảm bảo thanh khoản, việc dùng một số biện pháp ngắn hạn cũng là cần thiết. Thanh khoản được đảm bảo có thể giúp Việt Nam tránh lặp lại vết xe đổ như Thái Lan mà sau khủng hoảng 10 năm mới phục hồi.

Hiện tại, điều quan trọng đối với thị trường là dòng tiền. Để có tiền vào thì giới đầu tư phải nhìn thấy những biện pháp cụ thể được đưa ra và thấy được tương lai ở những doanh nghiệp niêm yết.

Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo và các cơ quan chức năng đã có nhiều khẳng định sẽ hỗ trợ TTCK. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể nhất được đưa ra mới chỉ dừng lại ở việc cho ra đời thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở.

Các biện pháp khác như nới lỏng cho dòng tiền vào thị trường hay giảm áp lực lãi suất lên vai các doanh nghiệp hầu như chưa thấy.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào thời điểm này khá nhạy cảm do lạm phát chưa chắc chắn đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất mà qua đó giảm áp lực cho các doanh nghiệp đang sống dở chết dở là có thể thực hiện được.

Trước đó, NHNN đã có động thái kéo lãi suất trần huy động và 14% và đang tính kéo về 12%, thậm chí 10%. Tuy nhiên, có thể thấy là lãi suất cho vay dường như không giảm. Và nếu có giảm ở một số lĩnh vực nào đó thì số doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn này chắc là rất nhỏ bé. Việc kéo lãi suất huy động về 12% khó khăn và có thể không đạt hiệu quả, thì phải chăng NHNN nên áp trần đối với lãi suất cho vay.

Dù rằng, đây lại là một biện pháp hành chính nhưng nếu có thể nó sẽ cho hiệu quả nhanh hơn? Hơn nữa, nó cũng không ảnh hưởng nhiều tới các ngân hàng trong bối cảnh chênh lãi suất đầu vào và đầu ra hiện rất lớn và các ngân hàng vẫn đang dồn dập báo lãi lớn.

Một biện pháp nữa để duy trì dòng tiền nên chăng là nhanh chóng xử lý tình trạng tranh tối tranh sáng tại các CTCK. Hiện tại, các công ty này đang gây ra sự lo ngại rất lớn đối với các nhà đầu tư. Rất nhiều người đã phải chùng tay, thôi không "xuống tiền" vào một số mã cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, chỉ vì chưa rõ thị trường sẽ về đâu với một loạt các khối u chưa được cắt bỏ.

Rõ ràng, rủi ro lớn nhất hiện tại của thị trường vẫn là mức độ thanh khoản thấp. Nó trở thành lực cản cho sự hấp dẫn cũng như sự tự tin đối với nhà đầu tư.

Mạnh Hà
Theo VEF


Từ khóa: