Ở khu phố 5, phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có ông Tư mù đờn ca tài tử, có cô con gái vừa đậu đại học. “Con nhỏ làm bí thư khu phố, đang đi họp trên phường chắc chưa về” - một người chỉ đường nói với theo.
Ở khu phố 5, phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có ông Tư mù đờn ca tài tử, có cô con gái vừa đậu đại học. “Con nhỏ làm bí thư khu phố, đang đi họp trên phường chắc chưa về” - một người chỉ đường nói với theo.
Hoài Thương bên người cha khiếm thị - Ảnh: HỮU CÔNG
1 20 năm trước, ông Tư mù (tên đầy đủ Trịnh Văn Pha) năm đó gần 39 tuổi, đã làm chuyện “động trời” khi dẫn một cô gái khiếm thị về giới thiệu với gia đình: “Đây là người con thương!”. Suốt quãng đường dài 7km từ Hội Người mù tỉnh Bình Dương về nhà, đôi trai gái khuyết tật vừa dò dẫm đường, trong lòng thấp thỏm âu lo. “Nhà đã có người mù, giờ có thêm đứa nữa, sao mà lo nổi. Rồi sau này con bây cũng không thấy đường, cả nhà sẽ sống sao?” - cha ông Tư bần thần. Bị phản đối, cô gái trở về nhà. Nửa đêm, ông Tư trốn nhà, dò dẫm 17 cây số tìm nhà người thương, quyết sống với nhau.
Hai năm sau, bà sinh một bé gái khỏe mạnh bình thường, ông Tư mừng rớt nước mắt. Phận mù, hai vợ chồng đành gửi con về cho ông bà nội nuôi giùm. Hai vợ chồng từ đó làm đủ các nghề từ bó chổi, mátxa, bán vé số cho đến đờn ca để gửi tiền về nuôi con ăn học. Mỗi tháng, ông bà Tư chỉ được về thăm con một lần. Mỗi lần về là một lần khóc, đợi con nhỏ ngủ say, ông bà Tư rón rén rời đi...
2 Trịnh Lê Hoài Thương từ nhỏ sống với ông nội, chăm ngoan, hiếu thảo. Lớn lên, cô bé càng ý thức sự thua thiệt của mình, càng thương cha mẹ nhiều hơn, càng cố gắng học tập. Mười hai năm học phổ thông không có tiền học thêm nhưng cô đều là học sinh khá, giỏi của Trường THPT Bình Phú. Bây giờ Thương ở với cha, mẹ đi làm mátxa ở hội người khiếm thị, cả tuần mới về.
Làm hồ sơ tuyển sinh đại học 2012, Hoài Thương cứ đắn đo mãi “lỡ đậu trường ở Sài Gòn thì lấy tiền đâu mà học, còn ai cơm nước cho cha”. Mọi đồ đạc trong nhà đều được cô sắp xếp gọn gàng để chừa một lối đi thẳng hàng cho người cha khiếm thị và nhất là “không được di chuyển đồ đạc tùy tiện”.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, nỗi lo ập đến nhanh hơn niềm vui trong Hoài Thương. Gạt nỗi lo cơm áo một bên, những ngày này cô bí thư khu phố 5, phường Định Hòa vẫn bận bịu đi đi về về để họp bàn chuẩn bị chương trình ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên VN (15-10) sắp tới...
HỮU CÔNG
Theo Tuoitre