Kể từ đầu tháng 9/2018, VN-Index tiếp tục tích cực diễn biến tích cực tiếp nối đà hồi phục của thị trường kể từ tháng 7. Ngày 30/8, VN-Index quay đầu giảm điểm trước ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm. Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên lạc quan hơn khi VN-Index vượt 1.000 điểm vào ngày 20/9.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh, CTCP Chứng khoán VNDIRECT; Giám đốc Đầu tư Biên An Toàn về nhận định thị trường và chủ đề đầu tư quý IV/2018.
PV: Vừa qua, VN-Index đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm, thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện. Vậy, ông có nhận định như thế nào về xu hướng của thị trường sắp tới?
|
Ông Huỳnh Minh Tuấn |
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thị trường sắp tới khả năng sẽ tích cực bởi vì thông tin về chiến tranh thương mại đã thẩm thấu vào thị trường. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại được nhìn dưới dạng song phương chứ không còn đa phương nữa. Nó nảy sinh các điểm có lợi cho nền kinh tế của khu vực mới nổi trong đó có Việt Nam.
Nếu tiếp tục duy trì cuộc chiến thương mại, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các ngành xuất khẩu khá nhiều như các ngành dệt may, thủy sản, các ngành phụ trợ (vật liệu xây dựng). Ngành tài chính cũng được hưởng lợi vì tiếp tục đón các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Ngoài ra, ngành bất động sản, khu công nghiệp cũng hấp dẫn trong bối cảnh đó. Vừa qua, tôi có đi khảo sát tại Bình Dương và Đồng Nai, nhiều ông chủ Trung Quốc đang tìm tới Việt Nam.
PV: Với nhận định thị trường tiếp tục khởi sắc, ông có gợi ý gì về chủ đề đầu tư trong quý IV/2018?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Về triển vọng thị trường trong quý cuối năm, tính phân hóa sẽ cao vì theo quan điểm của tôi, các cổ phiếu bluechip đã trải qua đợt tăng tương đối nhiều từ mốc đáy phục hồi từ 900 điểm. Thị trường sẽ phân hóa theo đúng những ngành được hưởng lợi nói trên.
Theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg, cổ phiếu vốn hóa lớn tại Việt Nam đang có P/E khoảng 18 lần, trong khi nhóm vốn hóa trung bình (midcap) khoảng 11 lần, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) khoảng 9 lần. Cơ hội lớn nằm ở nhóm cổ phiếu midcap nếu nhìn theo góc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận; tình hình tài chính, quản trị của nhóm này cũng ổn định.
|
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ảnh minh họa |
PV: Gần đây, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến những thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược của những ngân hàng lớn, điển hình là BIDV, hay việc thoái vốn tại các ngân hàng MBBank, Eximbank của Vietcombank. Ông có đánh giá thế nào những thương vụ này đến giá cổ phiếu dòng ngân hàng trong thời gian sắp tới?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Ngành ngân hàng hưởng lợi trực tiếp từ tăng trưởng của nền kinh tế. Việc thoái vốn tại các ngân hàng của Vietcombank, hay bán vốn cho đối tác chiến lược Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) của BIDV cũng đóng góp một phần, tuy nhiên không nhiều tới sự tăng trưởng thị giá của nhóm này. Nếu lựa chọn đầu tư, chiến lược của tôi hướng tới các ngân hàng có cơ hội phục hồi trong nhóm Top2 như STB, SHB. Tuy nhiên, đây mới chỉ là góc độ phân tích, còn việc đầu tư phụ thuộc yếu tố khác.
PV: Với bối cảnh hiện tại của thị trường, ông có dự báo về VN-Index vào cuối năm 2018?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Đối với nhóm VN30, tôi dự báo EPS tăng trưởng có thể đạt 20%. Căn cứ vào đó, dự tính P/E cho nhóm này khoảng 20. Như vậy, chỉ số VN-Index sẽ quanh mốc 1.100 điểm vào thời điểm cuối năm.
|
Diễn biến VN-Index trong một tháng gần đây. Nguồn: VNDIRECT |
PV: Tuần vừa qua, các quỹ ETFs tiến hành cơ cấu danh mục quý III/2018. Khác với những lần trước đó, thị trường lại cho thấy sự ổn định. Ông có đánh giá như thế nào về diễn biến giao dịch của khối ngoại trong quý cuối cùng của năm 2018?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Hiện tại, theo tôi nghiên cứu tại các thị trường mới nổi, dòng vốn bắt đầu quay trở lại. Ví dụ, trong tuần vừa rồi (17 – 21/9), khối ngoại mua ròng 500 triệu USD trên thị trường Đài Loan, 150 triệu USD tại thị trường Thái Lan và thị trường Philipine (60 – 70 triệu USD). Tại thị trường Việt Nam, khối ngoại bán ròng tuần vừa rồi bởi vì quỹ ETF cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, khối ngoại đã mua ròng trở lại trong 3 – 4 tuần qua. Nếu như loại trừ tuần giao dịch vừa rồi, khối ngoại đã mua ròng khoảng 800 tỷ, tương đương 40 triệu USD.
Tôi kì vọng rằng, sau khi các vấn đề về chiến tranh thương mại đã rõ ràng và thị trường có mức chiết khấu rất lớn từ 1.200 điểm trở xuống. Dòng vốn ngoại chắc chắn sẽ quay lại tuy nhiên cường độ sẽ khác. Tôi cho rằng khối ngoại sẽ mua ròng từ nay cho đến hết năm 2018 và tạo sự tích cực cho nhóm VN30 và những cổ phiếu midcap đi lên nhờ lực cầu tốt.
Phan Quân
Theo Vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng