Dantin - Hơn 20 năm là chuyên gia tư vấn tâm lý trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, TS Tâm lý học Đinh Đoàn đã trở thành người bạn quen thuộc của giới trẻ cả nước. Anh đã dành cho Đời sống& Tiêu dùng một cuộc trò chuyện cởi mở về vấn đề tình yêu, tình dục của giới trẻ hiện nay.
Dantin - Hơn 20 năm là chuyên gia tư vấn tâm lý trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, TS Tâm lý học Đinh Đoàn đã trở thành người bạn quen thuộc của giới trẻ cả nước. Anh đã dành cho Đời sống& Tiêu dùng một cuộc trò chuyện cởi mở về vấn đề tình yêu, tình dục của giới trẻ hiện nay.
*Qua những câu chuyện mà thính giả gọi đến về vấn đề tình yêu, giới tính, anh nhận định thế nào về đời sống tình dục của giới trẻ hiện nay?
- Các bạn trẻ hiện nay nhanh làm quen, nhanh nảy sinh tình yêu, nhanh bước vào đời sống tình dục và chia tay…cũng nhanh! Tuy nhiên, có hai nhóm đối tượng thanh niên. Một là có nhiều kiến thức, có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin về giới tính, tình dục, nên sống cũng “thoang thoáng”, đôi khi có phần dễ dãi. Ngược lại, vẫn còn nhóm đông các bạn trẻ tương đối “ngố” trong lĩnh vực này. Phía nào cũng có mặt tích cực, mặt tiêu cực. “Biết đủ, sống đúng” mới là mục tiêu của mỗi chúng ta.
*Có phải giới trẻ hiện nay đang theo xu hướng tình dục của phương Tây hơn 40 năm về trước
- Đúng là nhiều bạn trẻ hơi sành sỏi trong lĩnh vực tình dục thì “tự hào” mình là người tiên tiến, hiện đại, sống thoáng “như Tây”, nhưng thật ra chúng ta đang đi con đường mà người ta đã đi nhiều chục năm về trước. Ngày nay thanh niên phương Tây bắt đầu học cách “sống chậm”, “tiết dục”, sống hoà mình với thiên nhiên, cân bằng tâm lý, không quá đề cao tình dục. Họ nhận ra rằng tình dục không phải là thứ chúng ta phải phấn đấu có càng nhiều càng tốt. Giống như ăn, như uống, tình dục phải có chừng, có mực, có hiểu biết khoa học, có chất lượng. Ăn để sống, để tồn tại mà ăn nhiều, ăn không đúng cách cũng còn “chết như chơi”, huống chi tình dục, ngoài chức năng sinh sản, tình dục còn lại chỉ là “vui chơi giải trí”. Tiếc rằng chúng ta lại cứ chạy theo cái người ta đã chán ngấy, chối bỏ dần…
*Anh nhận định thế nào về sự “trẻ hóa” tình dục của giới trẻ (độ tuổi lúc bắt đầu quan hệ tình dục) hiện nay?
- Tuổi dậy thì của trẻ em hiện nay đã giảm hơn so với vài thế hệ trước, đồng nghĩa với việc phát dục, chín dục cũng sớm. Tất nhiên, không phải cứ dậy thì, cứ có khả năng quan hệ tình dục là phải tìm cách thoả mãn bằng mọi giá. Cần giáo dục sao cho các em và không chỉ các em biết rằng tình dục không xấu, nhưng nó phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Ba mươi, bốn mươi, năm mươi tuổi mà “làm bậy” vẫn là không chấp nhận được cơ mà!
*Theo anh, trong xu hướng hiện tại vai trò của gia đình và các bậc phụ huynh giáo dục giới tính cho con cái như thế nào?
- Về mặt lý thuyết, cha mẹ là người bạn gần gũi, là những “người thầy đầu tiên” hướng dẫn con cái về giới tính và tình dục. Tuy nhiên họ cũng có cái khó của họ. Chính họ là sản phẩm của “một thời khắt khe”, họ cũng không được giáo dục, hướng dẫn, nay làm sao có thể “làm thầy người khác” được. Hơn nữa, nhà trường và xã hội cũng còn “rón rén” trong việc cung cấp kiến thức về lĩnh vực này cho các em thì mong sao cha mẹ có thể làm tròn trách nhiệm. Chỉ dám mong cha mẹ nhận thức rằng mỗi thời mỗi khác, con cái chúng ta đang sống trong thế giới bùng nổ thông tin, lại được ăn uống tốt, dậy thì sớm, có nhiều cơ hội học tập nhưng cũng lắm nguy cơ rình rập. Hãy đừng khắt khe khi bàn về chuyện này, hãy tạo cơ hội cho con được tiếp cận kiến thức lành mạnh. Bản thân cha mẹ cũng phải học để không tụt hậu so với con, có thế mới trở thành “người bạn” của con được.
*Với gia đình anh, anh có gợi mở hay giáo dục giới tính cho con cái mình không?
- Thú thật, tôi chưa dám trực tiếp “lên lớp” một tiết học nào về “giáo dục giới tính” cho con cái, mặc dù tôi thực hiện hàng ngàn buổi dạy với thanh niên, vị thành niên. Tuy nhiên, tôi nói chuyện với con về công việc của mình, có ca nào đáng chia sẻ, tôi chia sẻ với các con và “xin ý kiến” chúng. Tôi dẫn con đi tham gia các cuộc hội thảo về sức khoẻ sinh sản, tình dục, tôi rủ con theo các buổi nói chuyện với thanh niên, tôi mua sách cho con đọc... Cứ thế con tôi lớn dần lên và trở thành người đồng hành cùng tôi trong cuộc sống và trong sự nghiệp. Hiện nay con gái tôi cũng theo nghiệp bố.
*Anh đi tư vấn cho người khác vậy còn gia đình anh? Có bao giờ anh gặp trục trặc không? Anh giải quyết ra sao?
- Bạn cứ hỏi các bác sĩ xem họ có bị ốm đau, bệnh tật bao giờ không? Cứ hỏi những người làm ngân hàng có lúc nào thiếu tiền không? Các giáo viên có cho con đến trường học không hay để ở nhà tự dạy... Khi họ trả lời bạn xong, tôi sẽ trả lời câu hỏi này!
*Gần đây, trên VOV, anh tư vấn cho giới trẻ có một số lần không bằng ngôn ngữ mô phạm mà ngôn ngữ gần với đời sống. Sau đó bị phản ứng. Anh nhận định vấn đề đó ra sao?
- Có khen, có chê là chuyện bình thường. Tôi lắng nghe và trân trọng tình cảm của các bạn khán thính giả thực sự của tôi. Người không có nhu cầu thì tôi nói thế nào họ cũng chẳng nghe. Hiện nay tôi rất bận rộn với công việc của mình, nhiều nơi sau lần “sự cố” lại muốn mời tôi để họ được tiếp tục nghe những lời nói đời thường, chứ họ không có nhu cầu nghe những lời bay bướm, xa vời, khó hiểu, sách vở...
*Anh có thể kể về những người, những việc cụ thể đã được giải quyết mà anh nhớ nhất?
-15 năm làm nghề, tôi không thể nhớ hết được những câu chuyện của thính giả. Nhưng tôi được mời đi dự đám cưới ở Hưng Yên, Hải Dương vì các bạn trẻ ấy bảo: “Nhờ anh mà chúng em không chia tay”. Tôi được chú lái xe taxi tặng đĩa CD chú ấy ghi âm lại chương trình tư vấn của tôi và cảm ơn:“Vì anh mà vợ em không còn cho em là bệnh hoạn, bởi em muốn yêu cô ấy theo ... kiểu khác”. Tôi cũng được một bà mẹ có con trai là đồng tính cảm ơn vì: “Tý nữa không có cuộc nói chuyện với anh, tôi đã đánh mất cậu con trai của mình”. Một cô gái lỡ có thai ngoài ý muốn với một gã Sở Khanh, định đi phá thai khi thai 7 tháng. Sau khi được tư vấn, cô ấy quyết định để sinh con và tự nuôi con. Nay người mẹ sống vui vẻ với cậu con trai của mình. Hôm nọ cô ấy gọi điện khoe “nhiều anh chưa vợ muốn đến với em, họ chân thành lắm anh ạ, không biết có nên mở lòng không”. Tôi hẹn cô ấy: “Chuyện của em dài, nói vài câu không hết nhẽ, khi nào có thời gian thì anh em mình trò chuyện tiếp nhé...”.
Tuy nhiên, không phải không có lúc uất nghẹn lên tận cổ. Tôi đã tư vấn cho một người đàn ông có vợ ngoại tình với người nước ngoài. Trong lúc thất vọng, mỗi tối ông ấy nói chuyện vài tiếng. Tôi nhắc ông ấy rằng đây là dịch vụ, phải mất cước phí, ông ấy nói “Tiền không là gì. Tôi đang mất một thứ quý giá nhất. Xin anh chia sẻ, lắng nghe, đừng bao nhờ nhắc đến tiền bạc”. Vậy mà cuối tháng, khi nhận bill trả tiền điện thoại phụ trội, xót của quá, ông ấy gọi điện nói với tôi rằng: “Mày có biết mày giúp tao xoá nỗi đau này, nhưng đẩy tao vào nỗi đau khác không? Tao mất nhiều tiền … với mày lắm đấy”. May mà những người như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay!.
“Xã hội phát triển, nhu cầu của mọi người về tư vấn tâm lý bắt đầu phát triển. Năm 1997, tôi được một người bạn giới thiệu vào làm chuyên viên tư vấn qua tổng đài 1088 của Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm. Những thứ học được trong trường học và từ cuộc sống mới được “lôi ra” sử dụng. Tâm lý học đã đi vào cuộc sống mỗi người. Tháng 1 năm 1999, tôi được Ban phát thanh Thanh thiếu nhi của đài Tiếng nói Việt Nam mời dự tuyển chuyên gia tư vấn cho chương trình “Cửa Sổ tình yêu”. Lại một lần nữa tâm lý học được bước ra từ cổng trường đại học và viện nghiên cứu để đến với mọi bản làng, ngõ xóm. Cứ thế, tôi đồng hành với nghề tư vấn tâm lý và chương trình “Cửa sổ tình yêu” cho đến bây giờ”.
Bằng An