Sự kiện hot
6 năm trước

Chuyện nhói lòng phía sau bọc tiền bỏ quên ở nhà vệ sinh công cộng

2 năm trôi qua nhưng nữ nhân viên vẫn nhớ như in câu chuyện nhói lòng phía sau cọc tiền 20 triệu đồng bị bỏ quên ở nhà vệ sinh công cộng do mình quản lý.

Gắn bó với công việc trông coi, dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng ở bến xe Giáp Bát, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1961) khẳng định ngày trước tệ nạn trộm cắp, móc túi ở bến tàu, bến xe diễn ra khá nhiều nhưng vài năm trở lại đây, an ninh được tăng cường nên tình trạng này đã giảm thiểu đáng kể.

"Đi tàu, xe ai cũng có hành lý, tiền bạc mang theo người. Lợi dụng sự sơ hở của khách, một số đối tượng móc túi, lấy tiền bạc và nhiều đồ dùng có giá trị khác của người dân. Vì vậy khách nào vào đi vệ sinh, bao giờ tôi cũng tranh thủ nhắc nhở họ bảo quản tư trang cẩn thận.

Một số người họ mỉm cười cảm ơn nhưng cũng có người thì khó chịu, cho rằng bà rỗi hơi. Thế nhưng chẳng may mất đồ, họ lại hớt hải vào đây nhờ giúp đỡ", người phụ nữ này thở dài kể.

Chuyện nhói lòng phía sau bọc tiền bỏ quên ở nhà vệ sinh công cộng
Bà Thủy chia sẻ vài năm trở lại đây tình trạng trộm, cắp tài sản vẫn còn nhưng đã giảm thiểu đáng kể.

Lần đó, vào dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, lượng người đổ về bến xe ngày càng đông. Ai cũng hối hả để kịp chuyến xe về quê.

Trong lúc chờ xe, nam thanh niên trạc 20 tuổi, tay xách một chiếc cặp đen vào giải quyết nhu cầu. Đi cùng cậu ta là cô bạn gái. Thấy hành lý họ mang theo nhiều, bà Thủy bảo để trên ghế cạnh hàng nước, bà sẽ để ý giúp.

Cô gái định đặt vali xuống thì chàng trai cau mày, tỏ vẻ cáu kỉnh, quát: "Vào có vài phút, gửi đồ làm gì, mang vào".

Sau đó họ xách túi đồ vào khu vực vệ sinh. Thời điểm này có nhiều người khác cũng xếp hàng dài chờ đến lượt.

Bà Thủy đang lúi húi bên ngoài, bỗng cậu thanh niên kia hoảng hốt, chạy ra nhìn ngó xung quanh. Người thanh niên này kêu vừa để túi xách đựng máy tính trên bồn rửa tay, không để ý, bị ai xách đi mất.

"Anh ta kể mình học đại học, bố mẹ mới gửi tiền lên cho con trai mua chiếc máy tính. Để ở phòng trọ sợ bị kẻ gian cậy khóa, ăn trộm nên về quê cậu mang theo. 

Thanh niên này rối rít nhờ tôi xem nhớ mặt ai cầm túi của mình không nhưng vài chục người ra vào, tôi làm sao để ý hết được", nữ nhân viên tiếp tục kể.

Chia sẻ về trường hợp khách quên đồ khi vào vệ sinh cá nhân ở khu công cộng, chị Bùi Thị Lý (SN 1975) công nhân vệ sinh bến xe Giáp Bát nói: "Tình trạng khách vào vệ sinh quên đồ ít xảy ra nhưng không phải không có. Hai năm trước, tôi còn phát hiện cả bọc tiền trên nút xả bồn cầu".

Chị Lý kể, câu chuyện đó vẫn khiến chị trào lên nỗi xót xa, thương cảm khôn nguôi.

Chuyện nhói lòng phía sau bọc tiền bỏ quên ở nhà vệ sinh công cộng
Nhà vệ sinh bến xe Giáp Bát.

Như thường lệ, chị bắt đầu công việc từ sáng sớm. Một cặp vợ chồng lớn tuổi vào nhà vệ sinh công cộng. Dường như họ vừa trải qua chuyến xe đường dài đầy mệt mỏi.

"Bác gái đến cửa nhà vệ sinh là nôn thốc nôn tháo, người lảo đảo. Tôi vội chạy ra, đỡ xuống ghế ngồi, lấy dầu gió đánh cảm giúp. Sau đó họ rời đi".

Chị Lý tiếp tục công việc của mình, vào quét dọn nước trên sàn nhà. Chị bỗng thấy chiếc túi xách nhỏ trên nút xả bồn cầu.

Mở ra kiểm tra, chị phát hiện bên trong là một bọc tiền, gồm nhiều tờ 20 nghìn, 10 nghìn đồng và một số giấy tờ thương binh, chứng minh thư... Tổng số tiền hơn 20 triệu đồng, chị Lý gói ghém lại cẩn thận.

Hai tiếng sau, cặp vợ chồng lớn tuổi ban sáng xuất hiện, người vợ chạy vội vào nhà vệ sinh ngó nghiêng rồi thất thểu đi ra.

Đoán đây là chủ nhân của bọc tiền, chị Lý cất tiếng hỏi: "Hai bác tìm đồ phải không?". Cặp vợ chồng gật đầu. Họ tâm sự, mới bán con bò và ít thóc được 20 triệu đồng, lên Hà Nội trả nợ cho con trai.

Giọng não nề, người vợ than: "Vợ chồng tôi đẻ muộn, có mỗi thằng con trai cho lên học nghề tóc. Ai ngờ đâu con ham vui, chơi đề đóm, nợ mấy chục triệu, bị chủ nợ tìm về tận quê. Con dại cái mang, vợ chồng tôi bán vội ít tài sản, trả bớt nợ cho con".

Nhận tiền xong, đôi vợ chồng vội vã ra bắt xe, đến chỗ con trai thuê trọ.

"Tôi nghe xong, lòng dấy lên sự thương cảm vô cùng. Nghĩ cũng buồn cho họ, ở tuổi đó, mong con cái tu chí, có chỗ nương tựa tuổi già những cuối cùng vẫn phải nai lưng giải quyết hậu quả cho con.

Hình ảnh người mẹ tóc bạc, khóc nghẹn, đôi mắt đỏ hoe ám ảnh tôi mãi. Chỉ hi vọng chàng trai đó sớm tu tỉnh, cho bố mẹ đỡ khổ", chị Lý chia sẻ.

Lê Tùng - Thanh Tâm
Theo Vietnamnet

Từ khóa: