Sự kiện hot
7 năm trước

Chuyện tình xuyên thế kỷ: “Một mái thuyền tranh hai trái tim vàng”

Hơn 40 năm làm vợ chồng, không có tiền nên phải ra ven sông ở, hằng ngày vào chợ nhặt phế liệu nhập kiếm tiền, nhưng ông Nguyễn Tiến Dần (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (70 tuổi) tạm trú ven sông Cửa Tiền, phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An vẫn yêu nhau như thuở ban đầu.

Mảnh ghép hoàn hảo

Vừa bước qua độ tuổi 70, nhưng bà Nguyễn Thị Lan vẫn giữ được nét trẻ trung của mình. Chào đón PV bằng nụ cười tươi bà Lan bắt đầu câu chuyện: “Thực ra, chuyện tình yêu của vợ chồng tôi cũng không lãng mạn như người ta nói đâu. Ngày xưa chúng tôi cưới xin đơn giản lắm, yêu nhau thì về ở với nhau thôi”.

Ông bà Dần cho rằng việc có nhau là món quà lớn nhất của cuộc đời


Bà Lan kể, bà sinh ra trong một gia đình ngư dân tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Do gia đình đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn, nên từ nhỏ bà không được đi học như các bạn bè đồng trang lứa khác mà phải ra chợ làm thuê kiếm tiền về phụ giúp bố mẹ. Năm 18 tuổi bà gặp và nên duyên vợ chồng với một người đàn ông cùng xã.

Bà nhớ lại: “Hồi đó, phần lớn thanh niên đều đi biển cả, nhưng ông ấy vốn là người tháo vát nên chọn ở nhà bán cá, vì vậy cuộc sống cũng sung túc hơn trước. Dù không yêu nhau nhiều, nhưng tôi nghĩ dù sao cũng là điểm tựa để sống và giúp gia đình nên cứ nhắm mắt ở với nhau cho qua ngày. Thế nhưng tôi không ngờ ông ấy là người nghiện rượu, mỗi lần say thì ông ấy lôi tôi ra đánh”.

Thậm chí, lúc bà đang mang thai, người chồng này vẫn không buông tha mà thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với bà. Dù thế, vì con bà vẫn nín nhịn để sống cho qua ngày. Nhưng rồi, trong một lần trở về khi chân nam đá chân chiêu, người chồng này đã lôi cả đứa con 3 tuổi ra đánh “thừa sống thiếu chết” thì bà đã quyết định không thể sống những ngày địa ngục như thế này nữa. Đêm hôm đó, bà lẳng lặng xếp đồ, ôm các con rời quê đi vào thành Vinh thuê nhà trọ rồi tìm ra chợ xin làm cửu vạn, rồi buôn cá, bán rau,... để kiếm sống.

“Tôi không dám trở về nhà, vì cuộc sống gia đình tôi quá nghèo khổ, túng quẫn rồi. Chưa kể, nếu bố mẹ biết, sẽ bắt tôi trở về nhà chồng, vì thế tôi đã quyết định trốn vào Vinh. Đến giờ nghĩ lại tôi thấy mình quá liều, 3 đứa con còn nhỏ, trong khi chưa bao giờ vào thành phố, người thân cũng không có, cũng chẳng biết vào đây rồi sẽ làm gì... nhưng sống khổ quá đi, ở lại chắc có ngày tôi bị đánh chết”, bà Lan cho hay.

Cũng vì vậy mà bà gặp được người đàn ông của cuộc đời mình. Ngày đó, bà Lan vẫn còn trẻ và xinh đẹp. Bon chen nơi chợ thành Vinh vẫn có nhiều người đàn ông đem lòng yêu thương ngỏ lời che chở nhưng bà từ chối tất cả. Nỗi ám ảnh về cuộc sống gia đình với người chồng nát rượu vẫn còn đó khiến lòng bà nguội lạnh, giờ đây bà chỉ mong muốn kiếm nhiều tiền về mua gạo cho con. 
Tình cờ một lần đi làm cửu vạn, bà gặp được ông Nguyễn Tiến Dần, quê Thanh Hóa. Thời điểm đó bà Lan đã 30 tuổi, còn ông Dần cũng bước sang tuổi 40. Bà Lan có ấn tượng với chàng trai xứ Thanh nhưng không một lần dám thổ lộ. Rồi những lần cùng bốc vác thuê khiến hai ông bà có cơ hội xích lại với nhau hơn.

Sau khi hai người thân thiết hơn, ông Dần cũng kể lại cuộc đời truân chuyên của mình. Ông vốn là một cán bộ ngân hàng, nhưng trong một lần vi phạm làm thất thoát ngân sách của Nhà nước nên phải vào trại cải tạo gần chục năm trời. Sau khi ra tù, do quá xấu hổ nên ông theo người khác vào thành Vinh để bắt đầu lại cuộc sống mới.

Nhìn người đàn ông gầy gò có dáng dấp thư sinh nhưng chăm chỉ làm việc, thỉnh thoảng tạt qua cho mẹ con bà mớ rau, miếng thịt khiến bà nảy sinh lòng thương cảm. Nhưng bà không ngờ rằng, ông Dần cũng đã mến người con gái chịu thương, chịu khó này từ lâu. Cho đến một ngày, ông Dần đánh liều đến hỏi bà có muốn ở chung không khiến bà vô cùng sững sờ.

“Lời đề nghị quá bất ngờ nên tôi không nói ra lời, nhưng thực chất trong lòng tôi cũng đã đồng ý rồi. Sau đó ông ấy chuyển đến ở với mẹ con tôi mà chẳng đăng ký kết hôn hay làm mâm cơm mời bạn bè gì cả, vì vậy cũng có thời gian mọi người nói chúng tôi “mèo mả gà đồng”. Mới đó đã qua 40 năm chung sống rồi”, bà Lan mỉm cười.

“Một mái thuyền tranh hai trái tim vàng”

Xa gia đình đã lâu, nên khi có cuộc sống mới, bà Nguyễn Thị Lan quyết định mang các con trở về quê. Lúc này, người chồng cũ đã đi lấy vợ nên không ai nhắc lại chuyện xưa nữa, thấy bà Lan về thì mọi người mừng mừng tủi tủi. Vì vậy ông bà quyết định ở lại quê để sinh sống.

Cũng như bao gia đình tại làng quê miền biển này, cả hai bắt đầu mưu sinh bằng nghề chài lưới. Nhưng do không quen nghề nên cuộc sống của vợ chồng bà rất khó khăn, nhất là khi 4 người con chung lần lượt ra đời. Sau một thời gian thấy không thể nào sống được ở quê nữa, hai ông bà quyết định gửi các con ở nhà, tiếp tục ra thành phố mưu sinh.

Lúc bà Lan đang kể dở câu chuyện thì ông Dần từ chợ trở về. Thấy khách đến chơi, ông ngồi xuống trò chuyện để bà đi nấu bữa trưa.

“Để tiết kiệm tiền, vợ chồng tôi quyết định đưa nhau đến ven sông Cửa Tiền rồi làm một cái lán nhỏ sinh sống. Nhưng buổi tối người nghiện ra chích hút nhiều lắm, nên vợ chồng phải thức trắng để canh chừng. Đặc biệt khổ nhất là mùa lũ, mặc dù tài sản cũng chẳng có gì nhưng nước lên là bị cuốn hết. Sau đó, chúng tôi quyết định mua lại chiếc thuyền cũ, vừa an tâm không bị cướp, lại không sợ nước dâng. Vậy mà cũng sống được 25 năm trên chiếc thuyền này rồi”, ông Dần kể lại.

Thế nhưng cuộc sống cơ cực không chỉ dừng ở đó, ở trên thuyền nên không có điện, ông bà phải dùng nến và đèn pin thay thế. Chính vì vậy, ở vào tuổi này rồi ông bà cũng chẳng biết dùng nồi cơm điện, hay được xem tivi bao giờ. Nước sạch cũng chẳng có, tắm giặt thì ông bà lấy nước dưới sông, còn nấu ăn thì phải đi mua hàng ngày.

“Sau khi lo xong chỗ ở thì hai vợ chồng ra chợ tìm việc. Tôi lúc đầu bốc vác còn vợ tôi bán rau, bán cá, nhưng do càng lúc càng khó khăn nên chuyển sang kinh doanh mặt hàng “không cần vốn”, đó là nhặt phế liệu đem nhập cho người ta. Có những ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, nhưng hai vợ chồng vẫn cố để tiết kiệm vài nghìn, rồi cuối tháng lại gửi về quê cho các con. Thi thoảng tôi đi đánh bắt cá kiếm thêm cái ăn”, ông Dần kể.

Cuộc sống vật chất chẳng có gì, vì vậy điều ông Dần cảm thấy may mắn nhất chính là có bà Lan ở bên cạnh làm bạn đời. Nhất là vào độ tuổi sắp sửa đi theo tổ tiên ông càng quý trọng bà hơn, bởi lúc lìa đời cũng chẳng thể mang được tiền bạc, nhưng ông biết vẫn có người sẽ tưởng nhớ đến mình.

Mấy năm trở lại đây, do cuộc sống vất vả nên sức khỏe bà Lan yếu hẳn đi, mỗi tối và gần sáng đều bị ho khiến ông lo lắng cũng chẳng ngủ được. Vì thế tất cả các công việc nặng nhọc ông Dần đều giành làm, nhiều lúc bắt bà ở nhà cả ngày nghỉ ngơi lo cơm nước, còn việc nhặt phế liệu cứ để mình ông lo.

Hơn 40 năm chung sống, chưa một lần thốt nên câu yêu thương, chưa một lần mua được cho vợ món quà quý giá, nhưng nắm cánh tay khẳng khiu của bà thì ông Dần luôn cảm ơn trời đất đã cho hai người được gặp nhau. Mặc dù cuộc sống vội vã bên ngoài, nhưng khi trở về với con thuyền nhỏ bé, đơn sơ này ông luôn cảm thấy bình yên lạ kỳ, bởi nơi đó luôn có người chờ ông về ăn cơm mỗi đêm.

(Còn nữa)

Anh Ngọc
Theo Đời sống & Pháp Luật

Từ khóa: