Mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội đã tố 2 hãng taxi công nghệ Grab, Uber đóng thuế rất thấp so với thu nhập và mỗi năm chuyển khoản 3.600 tỉ đồng tiền thuế nước ngoài. Đại diện của Grab một mực khẳng định thông tin này hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ. Thực hư chuyện này như thế nào?
Ảnh: Dân trí
Cuối tuần trước, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết đã kiến nghị cho dừng khẩn cấp Grab, Uber trong tháng 9/2017. Một trong những lý do được Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra là việc số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab tăng nhanh, lên tới hơn 50.000 chiếc.
Với tổng số hơn 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng, tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế 4,5% phải thì tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, như Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động.
Trong khi đó, với 20% doanh thu Uber, Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài khoảng 3.600 tỷ đồng, nghĩa là mỗi ngày Uber, Grab chuyển ra nước ngoài 10 tỷ đồng” - ông Bình đưa ra các tính toán.
Phản ứng trước thông tin này, chiều 3/10, đại diện của Grab Việt Nam, bà Nguyễn Thu An - Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam khẳng định các thông tin trên là hoàn sai lệch và thiếu căn cứ.
Theo bà An, năm 2015, Grab Việt Nam là đơn vị xây dựng và trình lên Bộ Giao thông vận tải bản Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar, với nội dung xin thí điểm việc sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đối với xe hợp đồng với mục tiêu giúp người dân và doanh nghiệp về tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho đơn vị cung cấp vận tải.
Liên quan đến thuế, đề án cho biết, Grab Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam và toàn bộ giao dịch được thực hiện qua tài khoản Grab mở tại ngân hàng ở Việt Nam.
Do đó, việc đưa ra thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ thuế của Grab Việt Nam mà không có bằng chứng và căn cứ xác đáng là hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến uy tín công ty. Đại diện công ty này cũng cho rằng họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và tiền thuế nộp ngân sách tăng trưởng gần 300% mỗi năm.
Còn về Uber, do mới đây Giám đốc Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng bất ngờ từ nhiệm, Uber chưa có bình luận gì về thông tin này. Tuy nhiên, Uber là công ty toàn cầu, đã từng có đề án hoạt động trình Bộ Giao thông vận tải xin cấp phép được hoạt động trước cả Grab, nhưng do vướng mắc về cách nộp thuế mà Uber được cấp phép chậm hơn Grab.
Cụ thể, Grab được cấp phép vào đầu năm 2016, nhưng với Uber, đến tháng 9/2016, đơn vị này mới nhận được công văn số 11818 của Bộ Tài chính hướng dẫn nộp thuế để nuôi hi vọng “nhận được sự công nhận chính thức từ Bộ GTVT về dịch vụ của Uber”. Dù trước đó, từ tháng 7/2014, Uber đang cung cấp phương thức kết nối di chuyển bằng ô tô và xe máy tại Hà Nội và TP HCM.
Trong công văn số 11818 của Bộ Tài chính quy định Uber sẽ được tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ là 3%; thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%. Phần thuế phải nộp của các tài xế, công ty nộp theo tỷ lệ 3% đối với VAT, 1,5% với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng.
Cụ thể,xét về bản chất thuế VAT (3% trên doanh thu được hưởng của Uber và các cá nhân, tổ chức là đối tác của Uber tại Việt Nam) là đánh lên tiêu dùng, Uber chỉ là bên thu hộ để nộp lại cho Nhà nước Việt Nam. Ở loại thuế thứ hai – thu nhập doanh nghiệp (2% trên doanh thu), Uber có được thì cũng từ người tiêu dùng tại Việt Nam mà ra. Trong khi ở loại thuế thứ ba – thu nhập cá nhân (1,5% trên doanh thu), là tiền từ các cá nhân, tổ chức hợp tác với Uber chứ cũng không phải tiền của thương hiệu này, Uber chỉ khấu trừ và giữ hộ để nộp lại cho Nhà nước Việt Nam.
Hơn nữa, hiện theo quy định của luật hiện hành, bên nào nhận tiền và chi trả thu nhập, bên đó có trách nhiệm phải kê khai khấu trừ thuế và nộp lại cho cơ quan thuế.
Trong khi đó, Grab, Uber là công ty hoạt động cung cấp giải pháp công nghệ nên chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu, số còn lại là tài xế phải nộp. Điều này khác hẳn với các doanh nghiệp taxi truyền thống kê khai nộp thuế trên toàn bộ doanh thu.
Tuy nhiên, hiện Grab, Uber ký hợp đồng cung cấp công nghệ cho đối tác ở Việt Nam, nhưng lại nhận luôn 100% tiền cước rồi sau đó theo định kỳ họ mới chuyển trả cho các đối tác ở Việt Nam.
Như vậy, Grab, Uber đã không làm đúng theo luật, nhưng cũng không vi phạm luật. Các kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội là có cơ sở, nhưng cũng không đúng. Đây là do lỗ hổng pháp lý của Việt Nam.
Tiến tới, sau khi tổng kết đánh giá kết quả 2 năm thí điểm cấp phép các loại xe hợp đồng điện tử hoạt động, các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải lưu ý vấn đề này khi sửa đổi nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ô tô bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi.
Ánh Dương
Theo VietTimes