Sự kiện hot
6 năm trước

Có hay không tiêu cực trong hoạt động đấu thầu tại EVN Hà Nội?

Nhiều năm trở lại đây, Công ty TNHH Tập đoàn EVD (Công ty EVD) liên tiếp trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn tại EVN Hà Nội và các đơn vị trực thuộc với nhiều dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu bất thường?

Theo phản ánh, tính từ năm 2016 đến tháng 9/2018, Công ty EVD trúng ít nhất gần 80 gói thầu (gồm cả những gói thầu liên danh) do Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) và một số đơn vị trực thuộc như Công ty Điện lực Gia Lâm, Công ty Điện lực Hà Đông, Công ty Điện lực Long Biên, Công ty Điện lực Chương Mỹ, Công ty Điện lực Sóc Sơn... là chủ đầu tư với giá trúng thầu ở mức tiết kiệm thấp hoặc không tiết kiệm (mức tiết kiệm 0 đồng - PV). Tổng giá trị ước tính lên đến gần 1 ngàn tỷ đồng, gồm cả những gói thầu liên danh.

Có hay không tiêu cực trong hoạt động đấu thầu tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội?

Cụ thể một số gói tiết kiệm 0 đồng như: Gói 09 - SCL2016 - Mua bổ sung tủ RMU cho Công ty Điện lực Hai Bà Trưng, thuộc dự án Mua bổ sung tủ RMU cho Công ty Điện lực Hai Bà Trưng. Gói thầu này có giá 482.625.000 đồng và Công ty EVD bỏ giá không thấp hơn 1 đồng, cũng là 482.625.000 đồng.

Hay như Gói thầu DEP-HNPC-Tây-Nam HN (GĐ3)-G02: Cung cấp thiết bị đóng cắt thuộc tiểu dự án: Cải tạo lưới điện nông thôn khu vực Tây-Nam Hà Nội (giai đoạn 3), thuộc dự án: Phân phối hiệu quả Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội. Giá trúng thầu bằng với giá gói thầu, cùng là: 3.660.066.000 đồng.

Gói tiết kiệm thấp, ví như: Lô thầu 1: ADB-HNPC-TD-G01-L01: Cung cấp máy biến áp 110kV, thuộc dự án Mở rộng trạm biến áp 110kV Thượng Đình-E1.5. Gói này có giá 34.462.204.719 đồng. EVD bỏ giá 34.452.000.000 đồng. Tiền tiết kiệm đạt đúng 10 triệu đồng. Đây là gói thầu có giá trị trên 34 tỷ đồng, nên con số 10 triệu đồng chưa đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,1% (mức tiết kiệm siêu thấp).

Không chỉ trúng nhiều gói thầu tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội với mức tiết kiệm vô cùng “khiêm tốn”, Công ty EVD còn trúng nhiều gói thầu tại các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội với “kịch bản” tương tự. Theo đó từ tháng 3/2016 đến tháng 4/2018, Công ty EVD đã trúng ít nhất 10 gói thầu tại Công ty Điện lực Gia Lâm (gồm cả những gói thầu liên danh).

Một số gói thầu như: Gói số 22.KHVT-2016: Mua sắm vật tư và thiết bị phục vụ công trình Hạ ngầm 06 vị trí cột cao thế lộ 471E1.38 và 475E1.38. Gói thầu thầu này có giá 1.427.470.000 đồng và nhà thầu EVD vẫn bỏ thầu đúng bằng số tiền trên. Đây là gói liên danh của EVD; Gói số 14.KHVT-2016: Mua sắm cầu dao phân đoạn, liên thông trên lưới trung thế. Giá gói thầu và giá trúng cùng là 237.600.000 đồng…

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, khi một nhà thầu trúng nhiều, trúng liên tục tại một bên mời thầu, trong đó có những gói trúng bằng và sát giá thì luôn ẩn chứa tiêu cực.

Công văn trả lời của Tổng công ty Điện lực Hà Nội.

Ngoài thông tin phản ánh bất thường trong giá trúng thầu, nhà thầu EVD còn bị phản ánh có vấn đề yếu kém về năng lực tài chính khi ở một số gói thầu, Công ty EVD đã dùng chính hợp đồng đã ký kết với EVN Hà Nội làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng bằng “Quyền đòi nợ trong tương lai” (?!).

Kết quả lựa chọn nhà thầu lưu ở… chế độ MẬT?

Nhằm xác minh thông tin phản ánh những dấu hiệu bất thường trong hoạt động đấu thầu, PV liên hệ làm việc với Tổng công ty Điện lực Hà Nội về một số gói thầu mà Công ty EVD trúng thầu và một số nội dung phản ánh cụ thể. Tuy nhiên, Tổng công ty Điện lực Hà Nội không cung cấp các tài liệu liên quan đến những gói thầu cụ thể theo phản ánh với lý do: “Tất cả các thông tin về hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, kết quả chấm thầu và các nội dung liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu đều được lưu theo quy định ở chế độ MẬT. Các thông tin chỉ được cung cấp cho các đơn vị có chức năng khi có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền”.

Trao đổi thêm về nội dung này, ông Lê Việt Hùng - Phó Ban Truyền thông Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, các quy định bảo mật thông tin trong hoạt động đấu thầu được căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Khoản 12 Điều 74 và Điểm g, Điểm i Khoản 1 Điều 75 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Về nội dung phản ánh năng lực của Công ty EVD trong việc thực hiện các gói thầu tại EVN Hà Nội và các công ty trực thuộc không đảm bảo khi ở một số gói thầu, Công ty EVD đã dùng chính hợp đồng đã ký kết với EVN Hà Nội làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng bằng “Quyền đòi nợ trong tương lai”. Ông Lê Việt Hùng cho biết: Vấn đề này không liên quan đến hoạt động đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu của EVN Hà Nội.

Được biết, Công ty TNHH Tập đoàn EVD không chỉ trúng nhiều gói thầu tại Tổng công ty điện lực Hà Nội mà còn trúng rất nhiều gói thầu tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM và các đơn vị thành viên trong giai đoạn từ 2017 đến nay.

Ở diễn biến khác, theo thông tin phản ánh trên Báo Đấu thầu tại Công ty Điện lực Thường Tín - đơn vị thành viên của EVN Hà Nội đã từng xảy ra tình trạng “cài” tiêu chí trong hồ sơ mời thầu.

Trần Hà
Theo Gia đình Pháp luật 

Từ khóa: