Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 28/12.
Phiên bật tăng có thể đến trong 1-2 phiên tới
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Trong phiên giao dịch 27/12, chỉ số hai sàn tiếp tục có phiên giảm điểm với khối lượng có phần được cải thiện so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng với giá trị 258,8 tỷ đồng, lực bán của khối này tập trung chính vào mã STB với giá trị 287 tỷ đồng.
Tại sàn HOSE, các cổ phiếu blue chips như BVH, HAG, HPG... tuy không có sự tham gia bán của nhà khối ngoại nhưng vẫn bị “xả” mạnh và đóng cửa ở mức giá sàn.
Còn tại sàn HNX, các mã cổ phiếu có tính đầu cơ cao trong thời gian trước như SHN, VND, KLS, PVX...cũng bị bán mạnh. Sự áp đảo của phía cung khiến các mã này đều đóng của với lượng dư bán lớn ở mức giá sàn. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn xuất hiện những cổ phiếu có giao dịch tương đối tích cực như SJS, STB, ACB hay PGS, điều này cho thấy sức ép bán có thể được chỉ nằm trong phạm vi một số cổ phiếu nhất định.
Tâm lý muốn rời bỏ thị trường có thể là tâm lý phổ biến của nhiều nhà đầu tư trong các phiên giao dịch gần đây. Nhiều cổ phiếu đã có mức giảm từ 15-20% khiến áp lực giải chấp xuất hiện trở lại.
Để thị trường sớm quay lại trạng thái cân bằng trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng trước hết thị trường cần một phiên bật tăng với khối lượng lớn. Với tốc độ giảm nhanh như hiện nay, phiên bật tăng có thể đến trong 1-2 phiên tới. Đây cùng là thời điểm khi chỉ số của hai sàn rơi vào vùng hỗ trợ, 340-350 điểm đối với VN-Index và 54-55 điểm đối với HNX-Index.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng rủi ro khi tham gia thị trường trong giai đoạn hiện nay vẫn ở mức cao, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, hạn chế tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu.
NĐT nên hạn chế việc giải ngân
(CTCK Mirea Asset)
Hai chỉ số đã giảm nhanh trong 4 phiên vừa qua, VN-Index đã mất gần 6% còn HNX-Index đã mất hơn 5%.
Đây là diễn biến hết sức tiêu cực, khả năng tăng điểm trở lại trong ngắn hạn của 2 chỉ số hiện nay là khá mong mạnh.
Sự hồi phục nếu có cũng mang nhiều tính chất của “bẫy tăng giá”, do đó NĐT nên hạn chế việc giải ngân trong xu hướng giảm hiện tại.
Cơ hội tốt cho chiến lược lướt sóng
(CTCK ACB - ACBS)
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm điểm do tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Đóng cửa, chỉ số VN-Index mất 1,38% xuống còn 347,80 điểm trong khi trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index mất điểm 4 phiên liên tiếp xuống còn 56,70 điểm. Thanh khoản tăng trên cả hai sàn, cho thấy áp lực bán ra vẫn được duy trì.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn Hà Nội với tổng giá trị mua ròng đạt 5,07 tỷ đồng, hầu hết mua ở mã KLS và DBC. Trên sàn HOSE, khối này duy trì vị thế bán ròng với khối lượng bán ròng tăng đột biến lên 258,82 tỷ đồng. Đáng chú ý, mã STB bị bán mạnh bởi khối này với giá trị bán ròng đạt 288 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà đầu tư đang khá lo lắng về tình hình tài chính của các công ty chứng khoán, đặc biệt sau tin đồn CTCK VNDirect phá sản, mặc dù thông tin này sau đó đã được Chủ tịch HĐQT của Công ty bác bỏ.
Theo báo cáo tài chính quý III/2011 của VNDirect, lỗ lũy kế 3 quý là 129 tỷ đồng. Tình hình thua lỗ và rủi ro thanh khoản đang bao trùm lên hàng loạt công ty chứng khoán, phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin nhà đầu tư vào thị trường lúc này.
Trong thời gian tới, việc mua bán và sáp nhập giữa các công ty chứng khoán có thể là giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt, với việc mở cửa cho công ty chứng khoán 100% nước ngoài, các định chế tài chính này có thể dễ dàng gia nhập thị trường thông qua việc mua lại các công ty chứng khoán trong nước.
Về mặt phần tích kỹ thuật, một số chỉ báo kỹ thuật tiếp tục cho tín hiệu về khả năng đảo chiều của thị trường. Như vậy, có khả năng hai chỉ số sẽ phục hồi nhẹ sau khi trải qua 4 phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy nhiên, các sóng tăng của cả hai chỉ số, nếu có, chỉ nên xem là sóng điều chỉnh trong xu hướng giảm hiện tại.
Do đó, chúng tôi cho rằng đây có thể là cơ hội tốt cho chiến lược lướt sóng. Đối với các chiến lược dài hạn, nhà đầu tư nên cân nhắc các mã có yếu tố cơ bản tốt.
Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức giá khá hấp dẫn khi chỉ số P/B của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt là 1,2 và 0,69.
Có thể có sóng hồi nhẹ vào đầu năm 2012
(CTCK Trí Việt - TVSC)
Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh nên mặc dù cầu bắt đáy có tăng nhưng không gây được hiệu ứng lớn lên giá và thanh khoản của 2 sàn.
Điểm số của VN-Index và HNX-Index không giảm nhiều do ảnh hưởng của 1 số blue-chips trong khi đại đa số các cổ phiếu còn lại giảm mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ đã giảm sàn, nhưng khối lượng khớp lệnh của HNX chỉ tăng nhẹ hơn gần 6 triệu đơn vị. Áp lực bán không giảm như kỳ vọng mà lại còn tăng lên.
Diễn biến này dễ làm cho tình hình càng xấu đi dù cho có thể có sóng hồi nhẹ vào đầu năm 2012 gắn với vùng quanh 56 điểm của HNX-Index.
Xu hướng chung của thị trường vẫn đang là giảm.
Tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Trong phiên giao dịch ngày 27/12, gam màu đỏ u ám vẫn là gam màu chủ đạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dóng cửa, cả HNX và VN-Index đều cùng nối dài chuỗi ngày đi xuống liên tiếp của mình lên con số 4.
Diễn biến giao dịch chưa có chuyển biến tích cực đáng ghi nhận nào, vẫn là một bầu không khí ảm đạm và buồn tẻ với tốc độ khớp lệnh chậm chạp.
E dè trước rủi ro đà giảm có thể còn chưa kết thúc cũng như triển vọng không thực sự sáng sủa của thị trường, các nhà đầu tư tỏ rõ tâm lý thận trọng, đa số vẫn đứng ngoài quan sát khá thờ ơ, lực cầu bắt đáy khi giá giảm sâu vì thế dù có xuất hiện nhưng vẫn yếu và thiếu đột phá, hầu như chỉ góp phần cải thiện đôi chút tính thanh khoản.
Trước mắt, yếu tố hỗ trợ cho thị trường có lẽ vẫn chỉ mang tính kỹ thuật khi mà hai sàn đã trải qua nhiều phiên giảm điểm, tuy nhiên nếu như thiếu đi sự hỗ trợ từ phía kinh tế vĩ mô thì sự phục hồi dù có xuất hiện cũng khó đảm bảo tính bền vững.
Do đó chúng tôi không thay đổi quan điểm thận trọng với thị trường, nhiều khả năng phiên giao dịch ngày 28/12 vẫn sẽ là một phiên giằng co đi ngang trong biên độ hẹp hoặc giảm điểm của các chỉ số.
Rủi ro thị trường giảm sâu vẫn ở mức cao
(CTCK FPT - FPTS)
Phiên giao dịch ngày 27/12 tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực của VN-Index khi chỉ số này xuyên thủng ngưỡng 350 điểm và tái lập mức thấp kỷ lục kể từ đầu 2009 đến nay.
Với phiên giảm thứ 4 liên tiếp và để mất 4,88 điểm, đà suy giảm của VN-Index vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Tâm lý chán nản và bi quan lan rộng khiến sức bán liên tục gia tăng lấn át hoàn toàn sức mua.
Trong khi đó, bên cầm tiền tỏ ra thận trọng, dè chừng và chưa muốn tham gia thị trường trở lại khiến sức mua càng trở nên yếu và mỏng.
Mặc dù một phần lượng tiền bán ra trong những ngày qua đã có dấu hiệu quay trở lại bắt đáy song hiện tượng này chưa lan rộng và chỉ tập trung quanh các mức giá sàn khiến cho đà giảm vẫn chiếm ưu thế. Thanh khoản thị trường được cải thiện nhẹ nhưng trong đó giao dịch thỏa thuận vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Về phía yếu tố hỗ trợ hiện vẫn chưa có thông tin tích cực nào được ghi nhận thêm kể từ sau thông tin lãi suất có thể sẽ giảm trong nửa đầu năm 2012. Thay vào đó, liên tục các dự báo về chính sách điều hành của Chính phủ cũng như lộ trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán lại đang góp phần tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư do tác động của những luồng nhận định trái chiều.
Đa số nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường, duy trì trạng thái chờ đợi quan sát diễn biến của chỉ số. Ngoài ra, sự thiếu vắng thông tin tích cực đủ mạnh để thu hút lòng tin nhà đầu tư quay trở lại với thị trường sẽ ảnh hưởng đến diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Theo FPTS, rủi ro thị trường giảm sâu vẫn ở mức cao và nhà đầu tư không nên thực hiện bắt đáy trong xu thế hiện tại.
Thị trường sẽ chưa có chuyển biến tích cực
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Đà rơi của thị trường tái diễn trong phiên 28/12 với lực bán xu hướng mạnh và dứt khoát hơn ở nhóm cổ phiếu tín hiệu và có tính đầu cơ cao như KLS, VND, VCG, SSI... Làn sóng bán cắt lỗ tăng mạnh giúp thanh khoản có sự cải thiện so với phiên hôm qua.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, nếu không tính giá trị giao dịch ở STB trong các phiên gần đây, khối này mua ròng khoảng 33 tỷ đồng và là phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp trên sàn HOSE.
Hiện tại, thị trường trong giai đoạn không có thông tin vĩ mô hỗ trợ. Đợt suy giảm kéo dài trong gần một tháng qua và sự xuất hiện khá thường xuyên của các phiên “bull trap”càng làm tăng thêm sự bi quan và thận trọng của NĐT. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Dương lịch đang đến gần và khả năng thị trường sẽ chưa có chuyển biến tích cực hơn trước thời điểm này.
Do đó, mặc dù thị trường đã giảm về mức định giá hấp dẫn ,nhưng chúng tôi giữ quan điểm đứng ngoài quan sát, chờ tín hiệu rõ ràng hơn. Việc tham gia thị trường chỉ nên được cân nhắc khi áp lực bán tháo có tín hiệu được tiết chế.
Có thể cân nhắc mua dần trong các phiên tới
(CTCK EuroCapital)
Tốc độ giảm giá nhanh chóng và kéo dài hiện tại của phần lớn cổ phiếu sẽ khiến giá các cổ phiếu liên tục chạm tới ngưỡng bổ sung tài sản trong các hợp đồng margin.
Trong khi nguồn tiền đang trở nên khan hiếm trong giai đoạn cuối năm, khả năng bố trí dòng vốn bổ sung của nhà đầu tư được xem sẽ gặp khó khăn rất lớn và không loại trừ khả năng hiện tượng giải chấp hàng loạt đang diễn ra trên thị trường.
“Giải chấp” thường là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán nhanh chóng giảm xuống những vùng giá thấp, khuyến khích dòng tiền bắt đáy tham gia thị trường.
Trong tuần giao dịch trước, theo quan sát của chúng tôi, dòng tiền bắt đáy đã bắt đầu manh nha quay lại thị trường nhưng chưa thật sự rõ nét.
Với phiên giao dịch ngày 27/12, phân tích kỹ thuật cho thấy xu hướng giảm giá vẫn diễn ra nhưng có thể khẳng định có sự tham gia thị trường của dòng tiền bắt đáy.
Hiện hai chỉ số đang tiến gần tới mức hỗ trợ đầu tiên quanh 345 điểm của VN-Index và 55 điểm của HNX-Index. Do đó, nếu dòng tiền bắt đáy vẫn duy trì tốt, thể hiện qua việc tăng nhẹ của khối lượng giao dịch, thì nhà đầu tư có thể cân nhắc mua dần trong các phiên tới.
Nhà đầu tư ngắn hạn chưa cần vội vàng
(CTCK BIDV - BSC)
Xu hướng giảm chưa có dấu hiệu suy yếu, số mã giảm vẫn áp đảo với lượng giảm sàn lớn. Dù lượng mua tăng trở lại mức bình thường, chênh lệch bán/mua tiếp tục ở mức cao.
Với mức giảm điểm lớn, lượng mua không thể đột biến là tín hiệu không tốt. Trừ lượng thỏa thuận và giao dịch đột biến tại một số cổ phiếu (REE, STB...), nhóm ngoại mua bán khá cân bằng xét trên diện rộng.
Thị trường chưa cho tín hiệu mới về xu hướng. Lực cầu có cải thiện nhưng chưa đủ tạo tia hy vọng đầu tiên, trong khi lượng bán tiếp tục gia tăng.
Kịch bản tăng đột biến có xác suất thấp, trong khi khó lượng hóa mức giảm có thể xảy ra, vì vậy chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm nhà đầu tư ngắn hạn chưa cần vội vàng.
VN-Index có khả năng mất ngưỡng tâm lý 350 điểm
(CTCK Dầu khí - PSI)
Áp lực bán trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm. VN-Index có khả năng mất ngưỡng tâm lý 350 điểm nếu tiếp tục giảm trong phiên sắp tới, còn HNX-Index cũng chưa xuất hiện dấu hiệu nào tích cực trong khi còn chưa tiếp cận ngưỡng hỗ trợ 55 điểm.
Các công cụ kỹ thuật đang thể hiện thị trường đã giảm thái quá, do đó những phiên đi ngang hoặc phục hồi nhẹ có thể xuất hiện trong một vài phiên sắp tới. Mặc dù vậy, thị trường vẫn chưa có cơ sở vững chắc để có thể tăng mạnh trong.
Nếu thị trường tăng nhẹ trong phiên tới với thanh khoản giảm nhẹ thì NĐT chưa nên mua vào. Trong trường hợp khác, khi áp lực giảm trong phiên sắp tới khiến HNX-Index sớm về vùng hỗ trợ tại 55 điểm thì xác suất xảy ra đợt sóng phục hồi sẽ cao hơn và NĐT có thể tham gia một phần tiền vào thị trường.
Quyết định bắt đáy sẽ đối mặt với rủi ro cao
(CTCK VNDirect - VND)
Phiên giảm điểm 27/12 với nhiều mã dư bán giá sàn, tổng lực cầu yếu hẳn đi về cuối phiên cho thấy bên mua vẫn dè dặt.
Các cổ phiếu tiêu biểu của thị trường vẫn tiếp tục chuỗi giảm điểm mạnh với sự xuất hiện gần như liên tiếp 14, 15 nến đen, trong khi số lượng nến trắng chỉ lác đác với tỷ lệ 10 - 20% cho thấy lực bán ra rất quyết liệt.
Như bản tin 26/12 chúng tôi đã khẳng định, thị trường ở vùng thấp nhất lịch sử không có nghĩa là đã đến đáy. Nhịp phục hồi ngắn hạn, nếu có, cũng cần phải được xác nhận qua ít nhất 3, 4 phiên giao dịch tích cực, vì thế quyết định bắt đáy sẽ đối mặt với rủi ro cao.
Xu hướng chính của thị trường là giảm điểm, mọi quyết định giải ngân cần phải chờ đợi các tín hiệu tích cực hơn.
Theo Dau tu chung khoan