Tín dụng đơn giản và dễ dàng khiến nhiều người trẻ Trung Quốc lún sâu vào nợ nần, nhằm chi trả cho các nhu cầu ngoài tầm với.
Thủ tục cho vay nhanh gọn tạo điều kiện cho người trẻ sở hữu các sản phẩm đắt tiền như xe hơi. Ảnh: ChinaDaily
Muốn đổi chiếc Mazda 3 sang Mercedes Benz đời mới, Wu Qi cùng chồng tới ngân hàng vay 29.000 USD. Chỉ trong vòng vài phút, đôi vợ chồng đã đủ tiền đưa chiếc ôtô yêu thích về nhà.
"Quy trình rất đơn giản. Công ty bán ô tô cũng khuyến khích khách hàng vay tiền để có cơ hội tận hưởng sản phẩm", Qi, 39 tuổi cho biết.
Đây không phải là món nợ duy nhất của cặp đôi này. Họ vừa vất vả tất toán xong khoản nợ hơn 145.000 USD để mua một căn hộ tại thủ đô Bắc Kinh.
Tín dụng nhanh chóng và đơn giản khuyến khích người trẻ như vợ chồng Qi tự tin vung tay quá trán cho các sản phẩm đắt đỏ như ôtô hay nhà ở. Họ trở thành đại diện tiêu biểu của thế hệ "nghiện vay ngân hàng" tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Cho vay cá nhân đã trở thành động lực tăng trưởng chính của tín dụng Trung Quốc, với mức tăng 19% mỗi năm kể từ năm 2011, Chen Long, nhà kinh tế tại Tổ chức nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận định. Nếu đà tăng trưởng tiếp tục duy trì, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân cán mốc 9,6 triệu USD vào năm 2020, gấp đôi mức hiện tại.
"Tại các nước khác, phải mất hàng thập kỷ mới đạt tới mức tăng này. Đối với các ngân hàng, cho vay cá nhân tăng nhanh đồng nghĩa các tiêu chuẩn cho vay dần hạ thấp”, Chen nói.
Kể từ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tín dụng trong nỗ lực đối phó làn sóng suy thoái, tín dụng cá nhân đã tăng đáng kể, đẩy tổng dư nợ toàn nền kinh tế gấp 260% tổng sản phẩm quốc nội. Trước khủng hoảng, con số này chỉ ở mức 140%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên lo ngại nhiều năm cho vay rủi ro có thể dẫn tới một khủng hoảng tồi tệ hơn của Mỹ.
Vay thế chấp mua nhà đóng phần lớn trong dư nợ cá nhân tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Trong số dư nợ cá nhân, cho vay thế chấp mua nhà đóng một vai trò không nhỏ. Theo SCMP, người Trung Quốc có khuynh hướng đầu tư vào bất động sản do lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn, thị trường chứng khoán không ổn định cùng những quy định ngặt nghèo khiến đầu tư nước ngoài bị hạn chế.
"Đó là một chọn lựa an toàn", Charlie Liu, 26 tuổi, người đang muốn cho thuê căn hộ để trang trải khoản vay thế chấp mua nhà gần 204.000 USD, chia sẻ.
Giá nhà tại Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố lớn, không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, kéo theo lo ngại về bong bóng bất động sản. Dù chính phủ Trung Quốc định kỳ xem xét và thắt chặt quy định mua bán bất động sản, đà tăng giá vẫn tiếp tục leo thang, đẩy những người mua nhà dấn sâu hơn vào nợ nần.
Wang Yuchen, 28 tuổi, vay thế chấp hơn 430.000 USD hồi tháng 8 năm ngoái để tậu một căn hộ ở thủ đô trước khi kết hôn. Phần đặt cọc cho chủ đầu tư Yuchen phải nhờ tới cha mẹ và bạn bè giúp đỡ.
"Vào năm 2012, tôi có thể mua căn hộ tương tự chỉ 218.000 USD. Tôi cũng thấy lo lắng khi gánh khoản nợ này nhưng không còn cách nào khác. Ở Trung Quốc, bạn phải có nhà trước khi cưới vợ”, Wang nói.
Lan Chi
Theo Đời sống & Pháp lý