Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/12

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu TDT

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (TDT – sàn HNX) tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 307 tỷ (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và 27 tỷ (tăng trưởng 45,5%). Năm 2019, công ty đã ký với hai khách hàng mới là Co – best và Sae – A với giá trị đơn hàng ký kết lần lượt là 1.000.000 USD và 500.000 USD.

Giá trị đơn hàng 2020 tăng trưởng chính từ khách hàng mới. Các khách hàng truyền thống dự kiến duy trì mức ổn định. Hai khách hàng mới (Co-best và Sae-A) dự kiến ký lần lượt là 2,5 triệu USD (tăng trưởng 150%) và 2,5 triệu USD (tăng trưởng 400%).

Nhà máy TDT Đại Từ sẽ tăng năng lực sản xuất của công ty. Nhà máy giai đoạn 1 có quy mô 28 chuyền may (dự kiến gần 2.000 lao động). Hiện tại, nhà máy TDT Đại Từ đang có 10 dây chuyền hoạt động với hơn 650 công nhân làm việc. Công ty dự kiến lấp đầy công suất (28 dây chuyền) giai đoạn 2020 – 2021.

Công ty dự kiến doanh thu năm 2020 đạt 560 tỷ, tăng trưởng 50% so với kế hoạch 2019. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 58,2 tỷ, tăng trưởng 108% so với kế hoạch 2019.

BSC ước tính doanh thu năm 2020 đạt 590 tỷ (tăng 55% so với năm trước) nhờ tăng trưởng từ khách hàng truyền thống và tập khách hàng mới. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 48 tỷ (tăng trưởng 77%), tương đương với EPS = 4.100 đồng/CP.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu TDT dựa trên (1) kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh năm 2019 và (2) triển vọng khả quan từ giá trị đơn hàng ký kết và mở rộng năng lực sản xuất. Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/12/2019, TDT đóng cửa ở mức giá 11,400 VND; tương đương với mức P/E trailing là 4.3, chiết khấu 22% so với P/E trung bình ngành là 5.6. 

DPM sẽ trở lại vùng giá 14.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP đang có dấu hiệu hồi phục sau khi đã giảm từ vùng kháng cự 15.5 về nền giá 13. Thanh khoản cổ phiếu vẫn duy trì giá trị ổn định.

Chỉ báo MACD phiên hôm nay đã xuất hiện Golden Cross cho thấy cổ phiếu có thể tăng giá ngắn hạn.

ên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI cũng vượt qua được mốc 50 nên xu hướng hồi phục tiềm năng duy trì trong vài ngày nữa.

Tuy vậy, EMA12 vẫn đang ở dưới EMA26 nên áp lực bán sẽ tồn tại khi cổ phiếu tiếp cận các ngưỡng cản bên trên.

Theo đánh giá của chúng tôi, dự kiến đợt tăng hiện tại sẽ đưa DPM trở lại vùng giá 14.5.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VCB do (i) ngân hàng hoạt động hiệu quả dẫn đầu hệ thống với tệp khách hàng lớn, chi phí vốn cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng cao trong hoạt động bancassurance, (ii) Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững trong tương lai, tuy nhiên, (iii) cổ phiếu VCB đang được định giá khá cao, do đó việc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục cần được xem xét kỹ.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của VCB khoảng 77.400 đồng/cp dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư. P/B tương ứng 4,0 lần trên cơ sở tệp khách hàng lớn và chi phí vốn cạnh tranh.

Tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân hỗ trợ cải thiện NIM. Chúng tôi dự phóng VCB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% n/n trong năm 2019 nhờ tăng mạnh các khoản cho vay cá nhân với lãi suất cho vay cao hơn, trong khi đó chi phí huy động vốn thấp giúp NIM cải thiện 42 bpts.

Chi phí hoạt động giảm giúp tăng trưởng lợi nhuận trước thuế. Trong 9 tháng năm 2019, chi phí hoạt động của VCB chỉ tăng 6% n/n thấp hơn mức tăng 22,5% của tổng thu nhập hoạt động. Chúng tôi ước tính chi phí hoạt động của VCB sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2019.

NPL duy trì ở mức thấp. Chúng tôi dự báo NPL 2019 của VCB đạt khoảng 1,0%, chi phí dự phòng tăng 2% n/n. LLR tăng lên mức cao nhất 189%.

Thỏa thuận hợp tác Bancassurance với FWD. VCB đã ký kết hợp đồng bancassurance 15 năm độc quyền với FWD. Theo đó, FWD sẽ mua lại công ty bảo hiểm Vietcombank Cardif – liên doanh giữa VCB và BNP Paribas SA. Trong khi đó, Vietcombank đồng ý phân phối các sản phẩm nhân thọ của FWD. Đây được coi là thương vụ bancassurance lớn nhất trong hệ thống ngân hàng.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: