DQC có khả năng hồi phục về mốc 31.8
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã DQC) đang vận động quanh mốc hỗ trợ 29.45 (tương ứng với Fibonacci 61.8%) và trong đà hồi phục từ vùng đáy 25.8 giữa tháng 12/2018. Thanh khoản cổ phiếu trong trạng thái tích cực và có sự cải thiện mạnh mẽ từ các phiên cuối tháng 2.
Chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục trong ngắn hạn và chỉ báo MACD cho thấy dấu hiệu DQC tiếp tục tăng giá trong các phiên sau. Vận động các đường MA tiếp tục cho thấy đà hồi sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn và có khả năng tiếp tục hồi phục trong trung hạn.
Nếu cổ phiếu tiếp tục duy trì vận động tích cực với thanh khoản tích cực trên MA 200 và quanh mốc 29.45, DQC sẽ tiếp tục khả năng hồi phục về gần mốc 31.8.
Khuyến nghị mua dành cho DXG với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên và kế hoạch 2019, đặt kế hoạch doanh thu thuần 5 nghìn tỷ đồng (+8% so với năm trước – YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 1,2 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với năm trước).
Kế hoạch doanh thu của ban lãnh đạo phần lớn phù hợp với dự báo của chúng tôi đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11% so với năm ngoái), trong khi kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số thấp hơn dự phóng của chúng tôi là 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 17%).
Qua trao đổi của chúng tôi với ban lãnh đạo. chúng tôi hiểu rằng kế hoạch của công ty chưa tính đến khoản lãi bất thường từ thoái vốn khỏi các quỹ đất không chiến lược khoảng 330 tỷ đồng, dựa theo giả định của chúng tôi.
Ban lãnh đạo đề xuất kế hoạch phát hành quyền mua với tỷ lệ 4:1 (4 cổ phiếu hiện hữu được quyền 1 cổ phiếu mới) với mức giá 10.000 đồng/CP (thấp hơn 59% so với giá đóng cửa hôm nay). Số tiền thu được từ đợt phát hành này ước đạt 875 tỷ đồng, chủ yếu sẽ được dùng để tài trợ phát triển dự án Gem Riverside, theo ban lãnh đạo cho biết. Khung thời gian thực hiện cụ thể chưa được công bố.
Ban lãnh đạo cũng đề xuất kế hoạch chia cổ tức cổ phiếu 22% năm 2018 (cao hơn tỷ lệ 20% được thông qua tại ĐHCĐ năm ngoái), vốn có thể được thực hiện cùng thời điểm với đợt phát hành quyền mua. Kế hoạch cổ tức 2019 được đề xuất là 20% theo mệnh giá, có thể bằng cổ phiếu hoặc cổ tức.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho DXG với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP. Theo giá đóng cửa hôm nay, DXG hiện đang giao dịch với P/E và P/B dự phóng 2019 đạt lần lượt 6,5 lần và 1,3 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị mua dành cho FOT với giá mục tiêu 65.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
CTCP FPT (FPT) vừa ban hành nghị quyết ĐHCĐ về việc lựa chọn Tổng giám đốc mới cho tập đoàn.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Khoa, hiện là Tổng giám đốc FPT IS, công ty con mảng công nghệ thông tin trong nước của FPT và nguyên Tổng giám đốc FPT Telecom, sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, thay thế ông Bùi Quang Ngọc. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 29/03/2019 trở đi. Trong khi đó, ông Bùi Quang Ngọc sẽ tiếp tục giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và tham gia vào các dự án lớn của tập đoàn.
Ông Nguyễn Văn Khoa (42 tuổi) gia nhập FPT năm 1997 và trở thành Tổng giám đốc FPT Telecom năm 2012. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa FPT Telecom trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu Việt Nam với việc đầu tư hạ tầng cáp quang tốc độ cao và tung ra thị trường nhiều sản phẩm giá trị giá tăng. Theo chương trình luân chuyển vào đầu năm 2018 của FPT để các lãnh đạo chính của các công ty con nắm rõ hơn về các lĩnh vực cốt lõi của FPT, ông Khoa đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của FPT IS.
Đồng thời, HĐQT cũng thông báo ông Đỗ Cao Bảo (Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc FPT) sẽ tiếp tục làm thành viên HĐQT nhưng không còn đóng vai trò điều hành từ ngày 15/03/2019.
Chúng tôi cho rằng việc FPT có một đội ngũ lãnh đạo trẻ và năng động hơn là tín hiệu tích cực, với chiến lược tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, viễn thông luôn thay đổi không ngừng.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho FPT với giá mục tiêu 65.000VND/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 50,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,2%).
Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
CTCK ACB (ACBS)
Năm 2018 lại là một năm thành công của CTCP Thế giới di động (mã MWG) với doanh thu thuần 86.516 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.880 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,4% và 30,5% so với năm trước.
Biên lợi nhuận gộp đạt 17,7% so với 16,8% trong 2017, nhờ biên lợi nhuận cải thiện ở cả ba chuỗi cửa hàng (theo ước tính của chúng tôi), trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần tăng lên mức 13,2% (2017: 12,6%).
Trong năm 2018, MWG đã mở 200 cửa hàng mới, bao gồm 78 cửa hàng thegioididong.com và DienmayXanh (chúng tôi cộng chung cả hai chuỗi vì một số cửa hàng điện thoại di động được chuyển thành cửa hàng điện máy) và 122 cửa hàng Bách hóa xanh, nâng tổng số cửa hàng lên 2.197 (bao gồm 1.042 thegioididong.com, 750 Điện máy xanh và 405 Bách hóa xanh). Do MWG đã chuyển hướng sự tập trung sang chuỗi Bách hóa xanh, chúng tôi không giả định số lượng cửa hàng thegioididong.com và Điện máy xanh sẽ tăng đáng kể trong tương lai.
Chuỗi thegioididong.com ghi nhận doanh thu thuần 34.607 tỷ đồng trong 2018, hầu như không đổi so với 2017 trong khi chuỗi Điện máy xanh tiếp tục có doanh thu tăng 57,3% n/n, đạt 47.584 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng này khá tương đồng với xu hướng tăng của thị trường chung, bởi số liệu của GFK gần nhất cho thấy thị trường sản phẩm điện máy, công nghệ của Việt Nam trong 2018 chỉ tăng 1% đối với điện thoại di động nhưng 17% đối với sản phẩm điện máy.
Mặc dù chuỗi bán lẻ điện thoại tăng trưởng chậm lại và có khả năng sẽ đi ngang trong những năm tới, chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng 2 chữ số của chuỗi Điện máy xanh sẽ tiếp tục duy trì, với các yếu tố hỗ trợ là tỷ lệ sử dụng thiết bị điện tử tiêu dùng trong các hộ gia đình vẫn còn thấp, thu nhập dân cư tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu cuộc sống tiện nghi.
Dù vậy, mức tăng trưởng của chuỗi này có thể đi vào ổn định hơn do giai đoạn mở rộng nhanh đã hoàn tất. Chúng tôi dự phóng tăng trưởng doanh thu thuần cho Điện máy xanh trong 2019 là 34%.
Chuỗi Bách hóa xanh ghi nhận doanh thu thuần 4.272 tỷ đồng (tăng trưởng 208%), đóng góp khoảng 5% vào doanh thu chung toàn công ty trong 2018.
Với những điều chỉnh liên tục về quy mô cửa hàng, địa điểm, danh mục sản phẩm, đóng những cửa hàng không hiệu quả và thử nghiệm mở cửa hàng ở một số tỉnh khác ngoài TP.HCM, Bách hóa xanh đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ vào cuối năm 2018, gồm có: i) doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng theo tháng chạm mốc hơn 1,2 tỷ đồng vào tháng 12/2018 (gần gấp đôi so với tháng 3/2018); ii) biên lợi nhuận gộp cho cả năm đạt 16% trong 2018 so với 12% năm 2017 và iii) Bách hóa xanh bắt đầu đạt mức hòa vốn EBITDA ở cấp cửa hàng từ tháng 12/2018, mặc dù chưa có lợi nhuận ròng.
Bách hóa xanh hiện có 2 mô hình cửa hàng: (1) mô hình chuẩn có “thịt tươi – cá lội”, với 373 cửa hàng ở cuối năm 2018 và (2) cửa hàng quy mô lớn (300 m2), với 32 cửa hàng vào cuối năm 2018. Các cửa hàng định dạng cũ đã được chuyển đổi sang mô hình mới và việc chuyển đổi dự kiến sẽ được hoàn thành trong quý I/2019. Khoảng 40% doanh thu Bách hóa xanh đến từ các sản phẩm tươi sống.
Trong 2019, MWG dự kiến Bách hóa xanh sẽ đạt 700 cửa hàng vào cuối năm (tương đương với 300 cửa hàng mở mới). Ngoài TP.HCM, Bách hóa xanh cũng sẽ tăng cường hiện diện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đây sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh có mức tăng trưởng cao nhất của MWG với doanh thu thuần 2019 theo dự phóng của chúng tôi là 10.097 tỷ đồng (tăng trưởng 136%), được hỗ trợ bởi chiến lược mở rộng mạng lưới và tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của BHX vào doanh thu thuần của MWG sẽ tăng lên gần 10% trong năm 2019, từ mức 5% trong năm 2018.
MWG đặt mục tiêu sẽ nâng cao biên lợi nhuận của Bách hóa xanh hơn nữa thông qua (a) tích cực làm việc với các nhà cung cấp hàng FMCGs để có giá mua rẻ hơn, chính sách khuyến mãi cho khách hàng tốt hơn và triển khai các chương trình marketing hiệu quả, (b) rà soát quy trình xử lý và tăng hiệu quả các khâu trong chuỗi cung ứng hàng tươi sống.
Công ty đặt mục tiêu trễ nhất cuối tháng 12/2019, Bách hóa xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí chung phân bổ từ công ty mẹ.
Chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận gộp cả năm 2019 cho Bách hóa xanh là 19%, theo đó biên lợi nhuận sau thuế cũng tiếp tục cải thiện mạnh mặc dù có thể chưa phải là con số dương (-0,5%). Tốc độ cải thiện biên lợi nhuận gộp có thể chậm hơn trong tương lai, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng Bách hóa xanh sẽ bắt đầu có lợi nhuận dương trong năm tới.
Tổng kếtlại, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MWG trong 2019 lần lượt là 108.059 tỷ đồng (tăng trưởng 24,9% so với năm ngoái) và 3.522 tỷ đồng (tăng trưởng 22,3%). Kết hợp phương pháp định giá DCF và so sánh P/E, chúng tôi định giá cổ phiếu ở mức 118.249 đ/cổ phiếu. Duy trì khuyến nghị mua.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán