Khuyến nghị theo dõi với GMD với giá mục tiêu 28.970 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Một số điểm đáng lưu ý đối với Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD), đó là Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 sẽ vượt kế hoạch 330 ngàn TEU và tiếp tục mở rộng trong nửa cuối năm 2019; Dự án Gemalink ở khu vực trọng điểm Cái Mép – Thị Vải hiện đang xây dựng để đưa vào hoạt động sớm vào quý III/2020; hợp tác với CJ Holding để mở rộng thị trường trước thời cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Năm 2019, GMD đạt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 2.800 tỷ đồng (tăng 3% so với năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 695 tỷ đồng (tăng trưởng 15% so với lợi nhuận trước thuế từ sản xuất kinh doanh cốt lỗi 2018 là 604 tỷ đồng). Chúng tôi đánh giá GMD sẽ vượt được kế hoạch nhờ tốc độ tăng trưởng ở khu vực Hải Phòng sẽ đạt 10% trong 2019. Ngoài ra, GMD dự kiến sẽ chia trả cổ tức 2018 là 15% bằng tiền.
BSC dự báo doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế cho công ty mẹ 2019 sẽ đạt lần lượt 2.971,5 tỷ đồng (tăng trưởng 9,8%), 714 tỷ đồng và 571,1 tỷ đồng (giảm 69% so với năm ngoái, nếu loại trừ lợi nhuận bất thường 2018 thì lợi nhuận sau thuế 2019 tăng trưởng 12,1%) tương ứng EPS cốt lõi 2019 = 1.811 đồng/cp (đã trừ đi Quỹ khen thưởng phúc lợi), P/E FW = 14.4x, P/B FW = 1.2x.
Chúng tôi giả định: Doanh thu cảng biển đạt 2.497 tỷ đồng (tăng 9,6%), dự kiến tổng sản lượng đạt 2,05 triệu TEUs (tăng 7,2%) trong đó: (1) Khu vực miền Bắc đạt 1,31 triệu TEUs (tăng 12%) nhờ tăng trưởng tới từ Cảng Nam Đình Vũ với sản lượng đạt 350.000 TEUs (tăng 84%), (2) Khu vực miền Trung đạt 2,23 triệu tấn (tăng 5%) và (3) Khu vực miền Nam duy trì 740 ngàn TEUs. Giá bốc xếp trung bình tăng 5%-6%. Doanh thu mảng logistics đạt 471,7 tỷ đồng (tăng 10%) nhờ hợp tác với công ty CJ.
BSC khuyến nghị theo dõi với GMD với giá mục tiêu 28.970 đồng, upside 10.2%, theo phương pháp DCF và EV/EBITDA (50:50) với EV/EBITDA mục tiêu là 8.5x với kỳ vọng tăng trưởng tới từ mảng cảng trong 2019 (EV/EBITDA trung vị VN là 4.8x).
Khuyến nghị theo dõi với SCS với giá mục tiêu 167.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) ghi nhận lết quả hoạt động năm 2018, với tổng sản lượng hàng hóa phục vụ đạt 204.943 tấn (tăng 10,1% so với năm trước), thị phần 30,6%. Doanh thu thuần 675,4 tỷ (tăng 14,8%), giá bình quân tăng 4,3%, lợi nhuận sau thuế 415,7 tỷ (tăng 20,7%). Phân phối lợi nhuận 2018: cổ tức tiền 72% mệnh giá, đã tạm ứng 45%, còn lại 37%.
Công ty đặt kế hoạch kinh doanh 2019 với sản lượng hàng hóa phục vụ 223.200 tấn (tăng 9% so với năm ngoái), doanh thu 765 tỷ (tăng trưởng 12%), lợi nhuận trước thuế 537 tỷ (tăng 15%); cổ tức dự kiến 45%.
Kết quả kinh doanh quý I/2019, SCS ghi nhận doanh thu 172,75 tỷ (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 106,4 tỷ (tăng trưởng 16,8%), tương ứng hoàn thành 22,6% và 22,2% kế hoạch.
Các dự án đầu tư mở rộng (nhà ga hàng hóa giai đoạn 2, khu văn phòng SCSC2) sẽ chưa đầu tư trong năm 2019. Dự án nhà máy suất ăn hàng không sẽ tạm ngưng do xem xét đến tính hiệu quả và kế hoạch đầu tư tương lai.
Chúng tôi dự báo doanh thu thuần của SCS năm 2019 đạt 758 tỷ (tăng 12,3% so với năm ngoái) dựa trên giả định (1) sản lượng hàng hóa phục vụ 221.435 tấn (tăng 8% ), (2) giá khai thác bình quân tăng4%. Với dự báo chi phí nhân công tăng 10% và khấu hao giảm nhẹ so với 2018 giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 78,2% lên 79,7%. Lợi nhuận sau thuế 2019E= 486,5 tỷ (tăng 17%), tương ứng với EPS = 9.105 đồng/CP; P/E fw = 17.6x.
Chúng tôi đánh giá SCS là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho hàng hóa hàng không, được hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng của vận tải hàng hóa hàng không nhờ (i) thương mại điện tử, (ii) xu hướng tiêu dùng nhanh và (iii) đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng. Vị trí thuận lợi tại Tân Sơn Nhất và khả năng mở rộng công suất là những lợi thế của SCS so với các đối thủ.
BSC khuyến nghị theo dõi với SCS với giá mục tiêu 167.000 đồng/CP dựa trên phương pháp định giá FCFF với giả định hệ số chiết khấu là 11.6% và tăng trưởng dài hạn của dòng tiền là 2.5%/năm. Tại giá mục tiêu của chúng tôi, SCS giao dịch tại P/E fw là 18.5x – cao hơn so với trung vị các DN dịch vụ hàng không là 12.5.
Khuyến nghị nắm giữ GAS với giá mục tiêu 105.200 đồng/CP
CTCK ACB (ACBS)
Giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí toàn quốc, mỗi năm Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (mã GAS) đáp ứng cung cấp khí để sản xuất hơn 35% sản lượng điện, 70% nhu cầu phân đạm và duy trì khoảng 70% thị phần LPG phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước.
Trong năm 2018, tuy hệ thống khí Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau bị sự cố thiết bị làm gián đoạn việc cung cấp khí trong thời gian dài, GAS vẫn hoàn thánh vượt kế hoạch với doanh thu đạt 75.611 tỷ đồng (tăng 17,2% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 11.453 tỷ đồng (tăng trưởng 18,3%). Mặc dù giá dầu trong quý IV/2018 giảm mạnh, giá dầu trung bình cả năm 2018 vẫn ở mức cao 71,9 USD/thùng (tăng 32,3%) và hỗ trợ mạnh mẽc ho kết quả kinh doanh của GAS.
Trong quý I/2019, ghi nhận doanh thu đạt 18.639 tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 3.029 tỷ đồng (tăng trưởng 16%). Mức tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ giá bán ra cao hơn (tăng 3,5%),được bắt nguồn từ mức tăng 8,4% của giá dầu FO bình quân trong quý I/2019.
Ngoài ra, kết quả này cũng nhờ việc loại bỏ cơ chế giá khí dưới bao tiêu (cho các nhà máy điện) từ ngày 20/3/2019. Trước đây, có 2 cơ chế: (1)giá bán cho sản lượng trong bao tiêu (~3,5 tỷ m3) được đàm phán giữa các bên với mức giá bán thấp hơn giá thị trường để hỗ trợ các khách hàng này; (2) đối với giá bán khí cho sản lượng ngoài bao tiêu thì phản ánh 100% giá thị trường (46% MFO + chi phí vận chuyển). Giờ đây, với cơ chế thứ hai được áp dụng cho tất cả các nhà máy điện, biên lợi nhuận GAS sẽ được hỗ trợ mạnh.
Hơn nữa, về triển vọng sắp tới, các yếu tố sau cũng cần được xem xét: Mặc dù mỏ khí Phong Lan Dại đi vào hoạt động từ tháng 3/2019,với thực trạng nguồn cung trong nước suy giảm và công suất hiện tại của GAS, sản lượng kinh doanh của GAS sẽ đi ngang cho đến 2021. Tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên giá dầu cũng như việc triển khai 2 dựán dầu khí lớn: Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh.
Kết quả kinh doanh từ 2021 sẽ tích cực hơn nhờ các dự án như đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 và mỏ khí Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ đi vào hoạt động từ đầu 2021, trong khi dư án Lô B Ô Môn cũng dự kiến đưa vào vận hành cuối 2022.
Với triển vọng giá dầuở mức USD69/ thùng, kết quả kinh doanh năm 2019 của GAS được dự báo với doanh thu đạt 78.711 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 12.381 tỷ đồng (tăng trưởng 8,5%). Do đó, cùngdòng tiền từ hoạt động kinh doanh mạnh mẽ, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ GAS với giá mục tiêu 2019 là 105.200 đồng/CP.
Khuyến nghị tích cực cổ phiếu HDG
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) trong 2019 là điểm rơi về ghi nhận của nhiều dự án được triển khai trong thời gian qua gồm bất động sản, năng lượng. Điều này giúp kết quả kinh doanh của HDG tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 38% so với mức cao của 2018, đặc biệt là từ nửa sau 2019.
Bên cạnh đó, các dự án bất động sản lớn sẽ triển khai bán hàng vào cuối 2019 và 2020 sẽ giúp lo ngại về sụt giảm lợi nhuận sau 2020, được giảm thiểu. Ngoài ra, dòng tiền từ bán hàng mới sẽ giúp HDG giảm áp lực nợ vay; tài trợ cho dự án năng lượng mà công ty đang và chuẩn bị triển khai. Theo đó, triển vọng ngắn và dài hạn với HDG đánh giá của BVSC là khả quan, có tính bền vững cao.
Từ phân tích trên, chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá OUTPERFORM với thời gian đầu tư 6 – 12 tháng. Giá mục tiêu xác định trên vốn điều lệ mới 1.187 tỷ là 43.000 đồng/cp, tương ứng mức lợi nhuận 40%.
Thời điểm phù hợp tích lũy cổ phiếu HDG dự kiến trong 2-3 tháng tới khi i) thị trường chung điều chỉnh ii) kết quả kinh doanh quý 2 dự kiến sẽ chưa khả quan do chưa bàn giao Hado Centrosa và là quý thấp điểm của thủy điện.
VRE sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã VRE) đang vận động trong kênh giá 34.8 – 35.7.
Chỉ báo RSI nằm trong vùng mua ủng hộ trạng thái hồi phục và tích lũy trong ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy vùng giá của VRE sẽ có khả tăng tiếp tục đà tăng ở các phiên tiếp theo.
Vận động của tất cả các đường MA tiếp tục hướng lên cùng thanh khoản đang giảm.
Do vậy VRE sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy và hồi phục trong ngắn hạn và có khả năng giữ đà hồi phục trong trung hạn. Ngưỡng kháng cự của VRE là 36.61 và ngưỡng hỗ trợ tại 31.80 và 33.
Khuyến nghị mua cổ phiếu POW và NT2
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW) đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng 2019 trong đó sản lượng điện thương phẩm đã giảm 2,2% (so với cùng kỳ năm ngoái) khi sản lượng điện thương phẩm cao hơn là nhà máy nhiệt điện Cà Mau phần nào bù đắp cho sản lượng điện thương phẩm thấp hơn từ nhà máy Vũng Áng (do thiếu hụt than và thực hiện trung tu từ giữa tháng 1 đến tháng 2/2019) và CTCP Nhiệt điện Dầu khi Nhơn Trạch (NT2) (do vấn đề kỹ thuật của máy nén khí tại đường ống khí Cửu Long vào cuối tháng 4 làm giảm sản lượng khí hằng ngày từ 21 triệu m3 xuống còn 19 triệu m3, cũng như thiếu hụt khí vào đầu tháng 1/2019 dẫn đến đi vào hoạt động chậm hơn tiến độ của mỏ khí Phong Lan Dại mới).
Dù sản lượng điện thương phẩm giảm 9,6% trong tháng 5/2019, chúng tôi ghi nhận kết quả cao hơn dự kiến tại nhà máy Vũng Áng trong khi POW cho biết tình hình thiếu hụt than gần như đã được giải quyết, đảm bảo cho dự báo sản lượng cả năm của chúng tôi cho nhà máy điên than còn non trẻ này.
Tuy nhiên, sản lượng điện thương phẩm của NT2 thấp hơn đáng kể so với dự báo của chúng tôi, tiềm ẩn rủi ro chúng tôi điều chỉnh giảm 5%-10% dự báo lợi nhuận năm 2019 cho NT2. Kết quả sản lượng tại các nhà máy khác là phù hợp với dự báo của chúng tôi. Do đó, chúng tôi kỳ vọng mức thay đổi không đáng kể cho dự báo lợi nhuận 2019 của POW.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho POW với giá mục tiêu 18.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 14,0% bao gồm lợi suất cổ tức 1,9%). Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến mua dành cho NT2 với giá mục tiêu 30.800 đồng/CP (tổng mức sinh lời 22,7% bao gồm lợi suất cổ tức 9,2%).
Khuyến nghị mua dành cho VHC
CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo Nghị quyết HĐQT ngày 07/06/2019, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi VDTG (VHC sở hữu 35%) và Octogone (25%). Hiện vẫn chưa có thêm thông tin chi tiết về các khoản thoái vốn nói trên.
Chúng tôi xin lưu ý rằng VDTG (chiếm 12% LNST của VHC trong quý 1/2019) có hoạt động kinh doanh tương tự VHC. Trong khi đó, Octogone hỗ trợ hoạt động của VHC tại Trung Quốc về bán hàng và logistics. Tuy nhiên, công ty này không mang lại lợi nhuận đáng kể cho VHC.
Chúng tôi đang chờ đợi thêm thông tin từ phía ban lãnh đạo về các đợt thoái vốn nói trên để đánh giá tác động đối với triển vọng của VHC.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho VHC với tổng mức sinh lời dự báo đạt 38,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán