Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/8 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PHR
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi đánh giá câu chuyện đầu tư đối với PHR của CTCP Cao su Phước Hòa là còn nhiều tiềm năng xét trong trung và dài hạn. Trong đó, công ty đang xin đầu tư 3-4 dự án Khu công nghiệp với tổng quy mô 3.000 – 3.600 ha trên diện tích trồng cao su mà công ty đang quản lý.
Nếu các dự án này thông qua, PHR trở thành một doanh nghiệp khu công nghiệp có vị thế và quỹ đất sạch lớn ở khu vực phía Nam. Đây chính là điểm nhấn đầu tư lớn và quan trọng nhất của PHR nhìn trong trung và dài hạn.
Xét trong ngắn hạn, công ty cũng có những câu chuyện khả quan như i) lợi nhuận 2020-2021 ở mức cao ii) tình hình tài chính tốt iii) suất cổ tức hấp dẫn 7-9%/năm iv) triển vọng chung khả quan từ ngành khu công nghiệp.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng các thông tin này ít nhiều phản ánh vào giá cổ phiếu trong 2019 đến nay. Và theo kết quả định giá, BVSC ước tính giá trị hợp lý của PHR là 58.500 đồng/cp, cao hơn 8% giá thị trường ngày 10.8.2020.
Chúng tôi tạm thời đánh giá NEUTRAL với cơ hội đầu tư ở PHR. Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi và chờ giá cổ phiếu điều chỉnh để có mức lợi nhuận kỳ vọng hấp dẫn hơn.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DGW
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi ưa thích DGW của CTCP Thế Giới Số với mô hình kinh doanh dịch vụ mở rộng thị trường đặc biệt và chiến lược phân phối đa kênh hiệu quả, và triển vọng tăng trưởng cao của DGW còn có thể duy trì trong năm 2021 khi Công ty tích cực bổ sung hãng mới và sản phẩm mới vào doanh mục phân phối của mình.
Tuy nhiên, với mức tăng giá mạnh, tăng hơn 80% kể từ đầu năm và hiện DGW đang được giao dịch tại mức giá 42.600 đồng/cp vào ngày 10.08.2020, khá sát với mức giá mục tiêu của chúng tôi là 44.200 đồng/cp.
Hiện tiềm năng tăng giá còn 4% so với giá mục tiêu, do vậy chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL với cổ phiếu DGW.
Khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG
CTCK BIDV (BSC)
Luận điểm đầu tư đối với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đó là: Nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với công suất 8 triệu tấn thép thô sau khi Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất vận hành hết 4 lò cao (cuối 2020).
Bên cạnh đó, HPG duy trì được tăng trưởng 25-30% trong 2020-2021 về lợi nhuận trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh nhờ (1) sản lượng tăng thêm từ Dung Quất (tăng 47% và 23% trong 2020, 2021); (2) giá bán dự báo sẽ tăng lại khi nhu cầu thép từ 2021 phục hồi với động lực từ đầu tư công, (3) Khu liên hợp Dung Quất đạt lợi thế về quy mô giúp cho giá thành sản xuất giảm (đặc biệt với HRC)
Chúng tôi dự báo năm 2020 doanh thu của Hòa Phát đạt 81.260 tỷ đồng (tăng 27,7% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 9.604 tỷ (tăng trưởng 27,6%), tương đương với EPS = 2.899 đồng/CP. Năm 2021, BSC dự báo doanh thu của Hòa Phát đạt 98.650 tỷ đồng (tăng 21,4% so với năm trước đó), lợi nhuận sau thuế 11.758 tỷ (tăng trưởng 22,4%), tương đương với EPS = 3.549 đồng/CP.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu cho năm 2021 là 30.000 đồng/CP (P/E fw 2021 = 6.7x) dựa trên kết hợp phương pháp định giá P/E (P/E mục tiêu = 8) và EV/EBITDA (EV/EBITDA mục tiêu = 5) sau khi điều chỉnh cổ tức 2019 (5% tiền, 20% cổ phiếu).
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu ACB nằm tại xung quanh giá 30
CTCK BIDV (BSC)
BSC dự báo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ ghi nhận tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 17.828 tỷ đồng và 8.484 tỷ đồng (giảm lần lượt 4% và 6.8% so với báo cáo trước). BVPS 2020 ở mức 16.190 VND/cp.
Nhận định: Cổ phiếu ACB đang ở trong trạng thái tăng giá ngắn hạn sau khi có sự điều chỉnh vào cuối tháng 07. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có xu hướng tăng.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay, chỉ báo EMA vừa xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của ACB nằm tại khu vực 25.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 30, cắt lỗ nếu ngưỡng 24.5 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo website của công ty, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) công bố sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 18% so với cùng kỳ trong tháng 7; tuy nhiên, sản lượng hàng hóa trong nước tăng mạnh 23% trong cùng kỳ.
Sản lượng hàng hóa quốc tế giảm chủ yếu đến từ công suất vận chuyển hàng hóa hàng không thấp hơn do các lệnh hạn chế đi lại quốc tế. Sản lượng hàng hóa quốc tế đã đang phục hồi khi các hãng hàng không gia tăng công suất vận chuyển hàng hóa hàng không thông qua việc sử dụng máy bay chuyên chở hàng hóa và/hoặc sử dụng máy bay hành khách để chở hàng hóa.
Trong bối cảnh Việt Nam ban hành các lệnh hạn chế đi lại quốc tế, sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 38% trong tháng 4, 24% trong tháng 5 và 20% trong tháng 6 năm 2020.
Chúng tôi cho rằng sản lượng hàng hóa trong nước tăng mạnh chủ yếu nhờ số lượng chuyến bay trong nước gia tăng khi Việt Nam gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh hạn chế đối với chuyến bay trong nước từ giữa tháng 5. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng sản lượng hàng hóa quốc tế thấp của SCS đã giúp công ty sử dụng nhiều công suất hơn cho lượng hàng hóa trong nước.
Mức giảm trong sản lượng hàng hóa quốc tế tháng 7 nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi khi chúng tôi dự báo mức tăng trưởng âm trong quý 3/2020, giảm khoảng 18% YoY.
Trong khi đó, sản lượng hàng hóa trong nước tháng 7 vượt kỳ vọng của chúng tôi – tuy nhiên sản lượng hàng hóa trong nước chỉ đóng góp khoảng 7% trong tổng doanh thu của SCS trong giai đoạn 2018-2019.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng tình trạng dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam có thể ảnh hưởng đà tăng trưởng của nhu cầu đi lại trong nước.
Do đó, chúng tôi cho rằng không có khả năng điều chỉnh giảm đáng kể nào cho dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 36,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,4%.
Khuyến nghị mua dành cho BMP với giá mục tiêu 61.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) trong khi tăng giá mục tiêu thêm 1% lên 61.300 đồng/CP, chủ yếu đến từ số dư tiền mặt cao hơn tính đến cuối quý 2/2020 – phần nào bù đắp cho mức giảm 4% trong dự báo lợi nhuận từ HĐKD trung bình giai đoạn 2020-2024 và giá trị P/E mục tiêu thấp hơn.
Chúng tôi tăng 1% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020, lên mức 463 tỷ đồng (tăng 10% so với năm ngoái) khi chúng tôi tăng dự báo thu nhập tài chính năm 2020 nhờ số dư tiền mặt ròng cao hơn, bù đắp cho mức chi phí SG&A dự phóng cao hơn của chúng tôi.
Trong khi đó, chúng tôi duy trì dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2020 khi chúng tôi cho rằng tác động từ giá nhựa đầu vào thấp có thể phần nào suy yếu trong 6 tháng cuối năm 2020 khi chúng tôi nhận thấy đà phục hồi gần đây của giá nhựa.
Chúng tôi kỳ vọng BMP sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược bán hàng chủ động nhằm hỗ trợ ăng trưởng sản lượng bán, dẫn đến mức tăng trong chi phí SG&A dự phóng của chúng tôi trong giai đoạn 2020-2024.
Tuy nhiên, mức tăng này được bù đắp bởi dự báo thu nhập tài chính cao hơn đã được đề cập bên trên, đến từ số dư tiền mặt cao của BMP. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019-2024 là 5,2%.
Chúng tôi tiếp tục cho rằng định giá hiện tại của BMP là hấp dẫn tại P/E dự phóng năm 2020/2021 lần lượt là 10,1 lần/10,1 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) so với trung bình 6 tháng của trung vị P/E trượt của các công ty cùng ngành trong khu vực là 11,9 lần khi BMP sở hữu bảng cân đối kế toán ổn định và khả năng sinh lời vượt trội so với các công ty cùng ngành.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ giá mục tiêu không đổi và duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Cơ điện lạnh (REE) nhờ mảng cho thuê văn phòng mạnh mẽ, danh mục đầu tư mảng tiện ích (điện & nước) ổn định và triển vọng tươi sáng để mở rộng sang mảng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời mái nhà).
Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tổng trong giai đoạn 2020-2024 duy trì không đổi khi mức giảm 16% trong tổng lợi nhuận mảng Cơ điện (M&E) (do biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến) đã được bù đắp bởi mức điều chỉnh tăng lợi nhuận lần lượt 7% và 13% cho mảng cho thuê văn phòng (nhờ tỷ lệ cho thuê cao hơn) và mảng nước.
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng EPS của REE sẽ giảm 8% so với năm ngoái trong năm 2020 do tác động tạm thời của dịch COVID-19 đối với mảng M&E của REE và hạn hán nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến danh mục thủy điện của REE.
Định giá của REE tỏ ra hấp dẫn với P/E và P/B 2020 đạt lần lượt 7,1 và 0,9 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi, so với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2024 là 17%, đến từ sự cải thiện trên diện rộng của tất cả các mảng kinh doanh.
Yếu tố hỗ trợ: Lượng mưa cao hơn dự kiến tại các nhà máy thủy điện của REE; biên lợi nhuận mảng M&E cải thiện cao hơn dự kiến và tăng trưởng công suất cao hơn trong mảng điện lên 1.000 MW trong năm 2025 (so với dự báo của chúng tôi là khoảng 700 MW).
Rủi ro: chi phí cao hơn dự báo tại các dự án mới (điện gió và dự án Thượng Kon Tum của VSH).
Khuyến nghị mua dành cho STB với giá mục tiêu 16.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) và nâng giá mục tiêu thêm 7,1% lên 16.500 đồng/CP khi mức tăng trong giá cổ phiếu tính từ mô hình định giá giá trị vốn hóa trên khoản vay và huy động cao hơn mức giảm trong giá cổ phiếu tính từ mô hình định giá thu nhập thặng dư, do mức giảm trung bình 10% của lợi nhuận dự báo 2020-2025 của chúng tôi.
Trong phương pháp định giá giá trị vốn hóa trên khoản vay và huy động, chúng tôi sử dụng giá trị vốn hóa trung bình của các nhóm ngân hàng lựa chọn – ACB và MBB - thay vì giá trị vốn hóa hiện tại nhằm giảm độ biến động.
Dù chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận trước dự phòng 2020/2021/2022 thêm lần lượt 4,9%/7,5%/6,5%, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo thu nhập ròng 2020/2021/2022 lần lượt 22,2%/15,8%/25,5%, chủ yếu do mức tăng trung bình 45,3% trong chi phí dự phòng dự báo khi chúng tôi giả định tiến độ xử lý các tài sản tồn đọng nhanh hơn.
Chúng tôi duy trì giả định quỹ đất Phong Phú sẽ được thanh lý trong năm 2021, số tiền dư nợ gốc hiện tại từ việc bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận trong năm 2022, tất cả dư nợ VAMC sẽ được xử lý và dự phòng vào cuối năm 2020 và lãi dự thu tồn đọng sẽ được xử lý hết trong năm 2024.
ROE và ROA dự phóng 2020 của chúng tôi là 8,2% và 0,48% so với trung vị ngành là 18,7% và 1,76%.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua khi chúng tôi đánh giá cao khả năng của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) trong việc tận dụng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử (ecommerce) tại Việt Nam trong dài hạn.
Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 4% khi chúng tôi điều chỉnh giảm 7% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2022 do chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam và biểu phí giao nhận mới của VTP, cho thấy mức phí thấp hơn.
Chúng tôi cho rằng VTP đang muốn gia tăng thêm thị phần; tuy nhiên, biểu phí mới này sẽ ảnh hưởng biên lợi nhuận.
Tuy vậy, dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 của chúng tôi hầu như không đổi do được hỗ trợ bởi chi phí SG&A thấp hơn và doanh thu thẻ điện thoại mới từ 300.000 điểm bán hàng Viettel Telecom.
Nhìn chung, chúng tôi dự báo EPS tăng hơn 20% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 nhờ mạng lưới bưu cục rộng khắp, mở rộng công suất và các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng khác.
Giá mục tiêu của chúng tôi cho VTP tương ứng P/E dự phóng năm 2020 là 23,3 lần, tương đối phù hợp với trung vị các công ty cùng ngành là 23,3 lần.
Yếu tố hỗ trợ: mức phí thấp hơn dẫn đến tăng trưởng sản lượng cao hơn so với các đối thủ, từ đó dẫn đến vòng lặp tăng hiệu quả chi phí và tăng trưởng sản lượng.
Rủi ro: thị phần giảm ảnh hưởng lợi thế về quy mô; hiệu quả chi phí không cải thiện; chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn dự kiến do gián đoạn kinh tế từ dịch COVID-19.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán