Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/2 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Kết thúc năm 2019, CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) ghi nhận doanh thu tăng 15% so với năm trước, đạt tương ứng 5.842 tỷ đồng, trong đó hoạt động xây lắp và sản xuất công nghiệp đóng góp doanh thu lớn nhất với khoảng 3.981 tỷ đồng đến từ dự án đường dây 500kV mạch 3 và các hợp đồng EPC DA điện mặt trời trong 6 tháng đầu năm 2019, chiếm 68% doanh thu toàn Công ty. Đây cũng là hoạt động ghi nhận lợi nhuận gộp cao nhất, với 351 tỷ đồng, tăng 72%.
Tuy nhiên, do hoạt động chuyển nhượng bất động sản không đạt kết quả cao như năm 2018 với 194 tỷ đồng doanh thu (giảm 80%, đến từ 16% còn lại của dư án Mỹ Đình Plaza 2) và 64 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm mạnh 75%, khiến lợi nhuận ròng trước kiểm toán giảm 24% xuống còn 356 tỷ đồng.
Chúng tôi ước tính lợi nhuận ròng 2020 sẽ tăng 46% so với năm 2019 tuy nhiên sẽ giảm 19% trong 2021. Cụ thể, trong năm 2020, việc bàn giao toàn bộ Dự án Thanh Xuân và 2% còn lại của Dự án Mỹ Đình Plaza 2 ước đem lại doanh thu 953 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 277 tỷ đồng.
Tuy nhiên sang đến năm 2021, mặc dù doanh nghiệp tiếp tục bàn giao toàn bộ Dự án Vĩnh Hưng, nhưng với quy mô nhỏ hơn, khiến doanh thu và lợi nhuận ròng mảng chuyển nhượng bất động sản ước chỉ ghi nhận lần lượt 488 tỷ đồng (giảm 49% so với năm trước) và 188 tỷ đồng (giảm 32%), trong khi đó doanh thu và lợi nhuận gộp hoạt động xây lắp và sản xuất công nghiệp cũng dự phóng giảm 15%, đạt tương ứng 3.190 tỷ đồng và 279 tỷ đồng sau khi kết thúc Dự án đường dây 500kV mạch 3 trong 6 tháng đầu 2020. Lãi ròng 2021 ước giảm 19,5% so với năm 2020.
Chúng tôi cho rằng việc phát triển các Dự án mở rộng hệ thống truyền tải điện, dù cần thiết, sẽ diễn ra khá chậm trong bối cảnh tiến độ phê duyệt các dự án mới tiếp tục trì hoãn trước khi Quy hoạch điện VIII được ban hành chính thức và các khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Với việc vận hành nhà máy thủy điện Mông Ân (30MW) từ đầu 2020, Bảo Lạc B (18MW) và Sông Nhiệm 4 (6MW) từ Q4/2020, doanh thu mảng kinh doanh này trong năm 2020 của PC1 dự phóng tăng trưởng 45% lên 797 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 34% lên 462 tỷ đồng. Các dự án này góp phần tăng 48% tổng công suất thủy điện của PC1 lên 168 MW.
Mảng điện dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp chủ lực trong 2021 với doanh thu đạt 926 tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 557 tỷ đồng (tăng trưởng 21%), bù đắp một phần sự sụt giảm của mảng bất động sản và xây lắp.
Chúng tôi kỳ vọng tình hình thủy văn sẽ tích cực hơn cho các công ty thủy điện trong năm 2021, đồng thời nhà máy Bảo Lạc B, và Sông Nhiệm 4 hoạt động trong cả năm trong khi dự án điện gió Liên Lập (48MW) dự kiến vận hành trong quý III/2021 sẽ góp phần cải thiện kết quả kinh doanh mảng điện. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chi phí lãi vay dự kiến tiếp tục tăng 33% trong 2021.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 22.200 đồng dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PC1
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Nhìn chung, năm 2020, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận của PCC1 sẽ đạt 6.525 tỷ đồng và 430 tỷ đồng, tăng 11,7% và 25,1% so với năm trước. EPS là 2.190 đồng, tăng 18,1%.
Chúng tôi tin rằng sự sụt giảm giá hiện tại là phản ứng thái quá do kết quả thất vọng quý IV/2019. Ngoài ra, triển vọng dài hạn của PCC1 rất hấp dẫn dựa trên sự tăng trưởng mảng sản xuất điện giúp cải thiện chất lượng lợi nhuận.
Nhờ hoạt động của 3 nhà máy điện mới và dự án Thanh Xuân, PCC1 sẽ có kết quả kinh doanh 2020 tích cực. Sử dụng phương pháp Tổng từng phần, chúng tôi định giá cổ phiếu PC1 ở mức 23.100 đồng vào cuối năm 2020, tổng lợi nhuận dự kiến là 54%. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PC1.
POW tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 11.5-12
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đang có sự hồi phục trở lại sau khi đã giảm giá kéo dài trong gần 1 năm nay từ vùng giá 17.5 về mức đáy lịch sử tại ngưỡng 9.5.
Hôm nay 12/2, lực cầu bắt đáy đã đẩy giá cổ phiếu tăng 7% để chốt phiên ở mức giá trần.
Các chỉ báo kỹ thuật hầu hết vẫn ở trong trạng thái tiêu cực. Tuy vậy, chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross cho thấy đây có thể là sự khởi đầu cho một giai đoạn khởi sắc hơn.
Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng đang tăng dần dù chưa vượt qua giá trị 50 nhưng đây cũng là một dấu hiệu khá tốt.
Mặt khác, đường EMA12 vẫn đang ở dưới EMA26 nên có thể đà phục hồi này sẽ không duy trì được lâu.
Theo đánh giá của chúng tôi, POW tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 11.5-12 và sau đó tích lũy đi ngang tại vùng này trước khi thiết lập một xu hướng đủ mạnh trong tương lai.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán