Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/11

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 75.300 đồng/Cp

CTCK BIDV (BSC)

Xu hướng công nghệ mới (Chuyển đổi số) và thị trường xuất khẩu rộng lớn đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành. Việt Nam tiếp tục có ưu thế nhờ nhân công giá rẻ, giá đấu cạnh tranh với đối thủ.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh của CTCP FPT (mã FPT – sàn HOSE) khả quan dự báo duy trì trong 3 – 4 năm tới. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhớ tăng tỷ trọng dự án Chuyển đổi số.

Ngoài ra, kỳ vọng gia tăng giá trị sản phẩm thông qua phát triển công nghệ mới và cơ hội M&A.

Một luận điểm đầu tư khác tại FPT là cổ phiếu chịu mức PE thấp trong nhiều năm (BSC cho rằng mức định giá PE thấp do mảng Phân phối và Bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu), và đang được định giá lại với vị thế là một công ty công nghệ với tiềm năng triển vọng khả quan trong các năm tới.

Năm 2019, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 28.269 tỷ (tăng 21,8% so với năm ngoái) và 4.866 tỷ (tăng trưởng 26,3%). EPS FW 2019 đạt 4,902 VND/cp (tăng 25,8%) (đã trích quỹ khen thưởng và phúc lợi), tương đương với PE FW 2019 là 12.2.

Năm 2020, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 33.858 tỷ (tăng 19,8% so với năm trước đó) và 5.867 tỷ (tăng trưởng 22.0%). EPS FW 2020 đạt 5.967 VND/cp (tăng 22.0%), tương đương với PE FW 2020 là 10.1.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với mức giá là 75.300 đồng/cp trong báo cáo trước (Link) (tăng 26,5% so với mức giá đóng cửa ngày 11/11/2019) cho mục tiêu cuối năm 2020. 

Khuyến nghị mua cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 42.300 đồng/Cp

CTCK BIDV (BSC)

Một trong những luận điểm đầu tư đối với cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô là Dự án Hado Centrosa Garden tạo điểm rơi lợi nhuận cho mảng bất động sản vào năm 2020. Quỹ đất 124 ha là tiền đề cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, mảng năng lượng đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu lợi nhuận, hỗ trợ cho mảng bất động sản của Công ty.

Ngoài ra, HDG được định giá hấp dẫn P/E T12M = 3,7 lần.

Chúng tôi dự báo năm năm 2019, doanh thu thuần của HDG đạt 4.422 tỷ đồng (tăng 37,3% so với năm ngoái), biên lợi nhuận gộp được tăng từ 38,6% lên 42%. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ dự báo đạt 845 tỷ (tăng trưởng 33,4% YoY), EPS 2019F = 7.030 đồng/CP, P/E fw = 5 lần.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HDG với giá mục tiêu năm 2019 là 42.300 đồng/CP (upside +21.5%) dựa trên phương pháp định giá từng phần.

PC1 có thể kiểm tra vùng kháng cự 24-25

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu 9 tháng năm 2019 của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1 – sàn HOSE) ước đạt 4.393 tỷ (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ (giảm 30%).

Lợi nhuận sau thuế toàn công ty giảm 30% do trong 9 tháng năm 2018 PC1 có ghi nhận 862 tỷ doanh thu bất động sản và 189 tỷ lợi nhuận sau thuế từ việc chuyển nhượng bất động sản tại dự án PCC1 Mỹ Đình. Nếu loại trừ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, doanh thu của PC1 tăng 56% và lợi nhuận sau thuế tăng 25.5% so với cùng kì.

Năm 2019, BSC dự báo doanh thu PC1 đạt 6.083 tỷ đồng (tăng 19,6% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 433 tỷ (giảm 6,1%)do không ghi nhận nhiều doanh thu từ bất động sản. Cho năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PC1 lần lượt là 6.172 tỷ và 607,9 tỷ, tăng 1,48% và 40,2% nhờ 2 nhà máy thủy điện mới và ghi nhận lợi nhuận từ BĐS.

Nhận định: PC1 đã hình thành xu hướng tăng giá trung hạn trong phiên bứt phá hôm nay. Thanh khoản vượt xa ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên và đồng thuận với đà tăng của bước giá, cho thấy động lực tăng giá đã hình thành.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, PC1 có thể kiểm tra lại vùng kháng cự 24-25 trong các phiên giao dịch tới.

Định giá của IJC là hấp dẫn

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) là công ty con của Tổng CT Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM) và IJC có mảng kinh doanh chính là mảng thu phí giao thông và đầu tư bất động sản. Trong khi thi phí giao thông cho Quốc lộ 13 đem lại nguồn thu nhập ổn định cho IJC, mảng kinh doanh bất động sản cũng là yếu tố đóng góp chính cho lợi nhuận của công ty. Với quỹ đất thương phẩm ước tính khoảng 35 ha tại Bình Dương và Bình Phước, IJC được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thị trường bất động sản sôi nổi tại Bình Dương.

Trong giai đoạn 2019-2021, chúng tôi cho rằng IJC sẽ đầu tư thêm vào các dự án bất động sản gần các khu công nghiệp hiện hữu và đang được xây dựng tại Bình Dương và Bình Phước, bao gồm VSIP2, VSIP 3, Lai Hưng và BCM Bình Phước .

Trong dài hạn, IJC có thể hưởng lợi từ việc đầu tư vào các khu dân cư chính tại Bình Dương như Thủ Dầu Một và Bình Dương New City (BDNC) khi công ty sở hữu lần lượt 9,355 m2 và 18 ha quỹ đất đã giải tỏa và sẵn sàng khai thác tại 2 khu vực này. Công ty cũng là ứng viên tiềm năng cho dự án nâng cấp Quốc lộ 13, dự án có thể giúp kéo dài thời gian thu phí giao thông thêm 10- 15 năm.

Chúng tôi cho rằng định giá của IJC là hấp dẫn khi ước tính giá trị tài sản thuần của công ty khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, hoặc 18.151 đồng/cổ phiếu.

Rủi ro tiềm năng: cấp phéo KCN bị trì hoãn và thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng tại khu thành phố mới Bình Dương.

Khuyến nghị khả quan dành cho KBC với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 4% còn 17.000 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 15,3% (không bao gồm lợi suất cổ tức) khi chúng tôi dự báo công ty sẽ không chi trả cổ tức tiền mặt từ 2019 trở đi.

Giá mục tiêu của chúng tôi giảm chủ yếu phản ánh giả định thời gian bán đất khu công nghiệp (KCN) tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (NSHL) và bán đất khu đô thị (KĐT) tại KĐT Phúc Ninh kéo dài hơn khi chúng tôi ghi nhận quá trình phê duyệt chậm hơn dự kiến. Điều này được bù đắp 1 phần bởi việc điều chỉnh mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) đến cuối năm 2020. Việc chúng tôi dời giả định thời gian ghi nhận doanh số cho KCN NSHL và KĐT Phúc Ninh làm giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019F/2020F lần lượt 10%/14% trong khi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021F 5% so với giả định trước đây.

Chúng tôi dự báo doanh thu đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 44%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 782 tỷ đồng (tăng 4,6% so với năm ngoái) trong năm 2019. Chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số chủ yếu do giả định biên lợi nhuận gộp giảm 9,2 điểm phần trăm còn 49% của chúng tôi dựa trên các vấn đề bất thường liên quan đến KCN Tân Phú Trung trong quý 3/2019.

Trong năm 2020F, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 842 tỷ đồng (tăng trưởng 7,7%) với giả định biên lợi nhuận ròng tăng 4,7 điểm phần trăm đạt 54% sau mức cơ sở thấp bất thường trong năm 2019.

Chúng tôi kỳ vọng KBC sẽ hưởng lợi từ dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam và gia tăng hoạt động sản xuất nhờ vào quỹ đất lớn của công ty tại các cụm công nghiệp chính tại miền Bắc.

Rủi ro: trì hoãn triển khai dự án; vốn lưu động biến động liên quan đến các mảng kinh doanh ngoài cốt lõi của KBC.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: