Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/12

áo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/12 của các công ty chứng khoán.

SSI có thể tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI vẫn đang trong xu hướng giảm sau khi đã tạo mô hình hai đỉnh hướng xuống từ vùng giá 22. Thanh khoản cổ phiếu vẫn duy trì giá trị ổn định. Hầu hết các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang trong trạng thái tiêu cực.

Chỉ báo động lượng RSI tuy đang ở trong vùng quá bán nhưng những lần chỉ báo rời khỏi vùng này trong thời gian gần đây đều không dẫn đến sự hồi phục mà lại tiếp tục quay trở về giá trị xung quanh 30.

Ngưỡng hỗ trợ kế tiếp của cổ phiếu nằm tại khu vực 17-17.5.

Theo đánh giá của chúng tôi, SSI có thể tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn trước khi những diễn biến của thị trường chung đủ tốt để tạo động lực tăng trở lại cho cổ phiếu.

Khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 16/12/2019, tại tỉnh Tiền Giang, nhóm các tổ chức tín dụng cho vay hợp vốn (bao gồm các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank và VPBank) và CTCP BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án BOT TL-MT) đã ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện liên quan cho dự án BOT TL-MT với tổng vốn cam kết cho vay là 6,7 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, theo các nguồn thông tin truyền thông (bao gồm từ baogiaothong.vn và vnexpress.net), ban lãnh đạo CTCP BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết công ty đã nhận được vốn phân bổ 1,4 nghìn tỷ đồng vào đầu tháng 12 trong tổng số 2,2 nghìn tỷ đồng phân bổ từ Ngân sách cho dự án này.

Dự án BOT TL-MT có tổng vốn đầu tư 12 nghìn tỷ đồng, theo cập nhật mới nhất của UBND Tỉnh Tiền Giang. Đường cao tốc này có tổng chiều dài 51 km và sẽ kết nối TP. HCM với đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này đã bị trì hoãn khá lâu so với kế hoạch ban đầu, nhưng Chính phủ đã vừa yêu cầu dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2020 và đưa vào hoạt động năm 2021.

Chúng tôi cho rằng thông tin này củng cố cho kỳ vọng của chúng tôi về thời gian đầu tư dự án TL-MT, được chúng tôi giả định sẽ bắt đầu thực hiện thu phí từ năm 2021 và sẽ là yếu tố đóng góp chính cho lợi nhuận và dòng tiền của CII trong trung hạn.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 31,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 14,1%.

Khuyến nghị kém khả quan dành cho DHG với giá mục tiêu 79.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) công bố thông tin ông Masashi Nakaura, hiện đang giữ chức thành viên HĐQT của công ty và là đại diện của Taisho, sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (CEO) từ ngày 01/01/2020 trong khi bổ nhiệm ông Đoàn Đình Duy Khương, hiện là CEO của DHG, vào chức vụ Tổng Giám đốc điều hành (COO).

Chúng tôi lưu ý rằng Taisho đã tăng tỷ lệ sở hữu tại DHG lên mức kiểm soát 51% trong quý 2/2019.

Theo DHG, các diễn biến bổ nhiệm này sẽ đơn giản hóa quy trình ra quyết định giữa DHG và Taisho, đồng thời không dẫn đến các thay đổi đáng kể cho chiến lược của công ty trong thời gian tới.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị kém khả quan và giá mục tiêu 79.000 đồng/CP cho DHG, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng -12,2% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%), dựa theo giá chốt phiên hôm nay.

Khuyến nghị mua dành cho DPM với giá mục tiêu 15.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) công bố kế hoạch cho năm 2020 với mục tiêu doanh thu đạt 9,2 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 433 tỷ đồng.

Trong kế hoạch năm 2020, doanh thu mục tiêu cao hơn 6,8% và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số mục tiêu cao hơn 2,5 lần so với kế hoạch năm 2019 của công ty. So với dự báo năm 2019 của chúng tôi, kế hoạch năm 2020 tương ứng với tăng trưởng doanh thu đạt 21,7% và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 73,7%.

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho năm 2020 tăng mạnh có thể được giải thích bởi: 1) giả định sản lượng phân urê bán ra đạt 780.000 tấn (+14,7% so với mục tiêu năm 2019) khi DPM lên kế hoạch trùng tu định kỳ 1 tháng trong năm 2020 so với đợt trùng tu kéo dài 72 ngày diễn ra trong năm 2019 do các sự cố kỹ thuật;

2) mục tiêu sản lượng phân NPK bán ra đạt 180.000 tấn (+16,1% so với mục tiêu năm 2019) từ mức nhu cầu phân bón thấp bất thường trong năm 2019 và 3) cước phí vận chuyển khí đầu vào ở mức 1,43 USD/triệu BTU, +2% so với kế hoạch năm 2019 và giá phân urê không thay đổi.

Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 lần lượt tương ứng 95,1% và 61,8% dự báo năm 2020 của chúng tôi, dù các giả định kể trên đều phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng sự chênh lệch này là do DPM thường công bố kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng.

Trong khi đó, DPM đặt mục tiêu cổ tức tiền mặt năm 2020 đạt 1.000 đồng/CP (lợi suất 7,4%), phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Do đó, chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể cho dự báo lợi nhuận cũng như giá mục tiêu của chúng tôi cho DPM. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DPM với giá mục tiêu 15.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 18,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,4%). DPM hiện được giao dịch tại P/E năm 2020 là 9,3 lần và P/B là 0,6 lần dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua dành cho FPT với giá mục tiêu 76.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP FPT (FPT) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 11 tháng 2019 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 3,0 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái).

Kết quả này giảm tốc so với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 28% ghi nhận trong 10 tháng 2019 do biên lợi nhuận giảm trong mảng công nghệ thông tin trong nước và Trực tuyến cùng với lợi nhuận thấp tại công ty liên kết CTCP Bán lẽ Kỹ thuật số FPT (FRT) trong tháng 11/2019.

Trong khi chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 hiện tại của chúng tôi do các diễn biến giảm biên lợi nhuận ở trên trong tháng 11, dù cần đánh giá chi tiết hơn, chúng tôi cho rằng các điều chỉnh (nếu có) là không đáng kể. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 11 tháng 2019 của FPT đă hoàn thành 90% dự báo cả năm của chúng tôi.

Ngoài ra, các trụ cột tăng trưởng của FPT, bao gồm Xuất khẩu Phần mềm, Giáo dục và Dịch vụ Viễn thông tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực.

Do đó, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực cho tăng trưởng của FPT. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho FPT và giá mục tiêu 76.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 39,5% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,5%), dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 71.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 71.000 đồng. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 12 lần (theo EPS dự phóng 2020 khoảng 5.910 đồng).

Chúng tôi đánh giá cao triển vọng của FPT trong tương lai nhờ (i) doanh nghiệp đang tham gia vào một ngành tiềm năng, rộng lớn; (2) doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về nhân sự và chiến lược, qua đó FPT sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm trong vòng 5 năm tới.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: