Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/7 của các công ty chứng khoán.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu HAX nằm tại vùng giá 15-16
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu HAX của Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh đã dao động tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng 12 trong thời gian vừa qua nhưng vẫn đang duy trì được quá trình tăng giá từ đầu tháng 4 đến nay. Thanh khoản cổ phiếu hiện đang có chiều hướng tăng dần.
Phiên hôm nay 1/7, sự hưng phấn đã đẩy giá HAX tăng kịch trần, qua đó giúp cổ phiếu tiếp cận trở lại vùng đỉnh cũ tại mốc 13.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện vẫn đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của HAX. Chỉ báo MACD vừa tạo Golden Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI cũng chưa đi vào vùng quá mua nên đà tăng có thể vẫn được duy trì trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HAX nằm tại khu vực 11.5-12. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại vùng giá 15-16, cắt lỗ nếu ngưỡng 11 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) công bố lợi nhuận trước thuế sơ bộ quý 2 đạt 350 tỷ đồng (giảm 76,5% so với cùng kỳ năm ngoái), tương ứng với việc PLX ghi nhận khoản lỗ 1,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh kém tích cực này đến từ sự phục hồi của mảng phân phối xăng dầu và dầu nhiên liệu máy bay trong tháng 5 và tháng 6 không đủ bù đắp cho khoản lỗ trong quý 1 và tháng 4 (khi Chính phủ Việt Nam ban hành chỉ thị giãn cách xã hội toàn quốc) – dù ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho trong quý 2.
Kết quả kinh doanh sơ bộ này thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi khi chúng tôi hiện dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (giảm 48,6%) trong năm 2020. Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2020, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 17,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,7%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 31,6 lần và 16,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 67.900 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan dành cho Tổng công ty Cảng Hảng không Việt Nam (ACV) dù giảm giá mục tiêu 2,3% còn 67.900 đồng/CP. Chúng tôi giả định sẽ không có cổ tức tiền mặt trong vòng 12 tháng tới khi cổ đông thông qua cổ tức 9% cho năm tài chính 2019 sẽ được trả bằng cổ phiếu.
Giá mục tiêu của chúng tôi được điều chỉnh giảm đến từ mức giảm 43%/6%/3% giả định lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong các năm 2020/2021/2022, chủ yếu được đến từ dịch COVID-19 có tác động tiêu cực hơn dự kiến đến lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam.
Mức giảm giá mục tiêu của chúng tôi phần nào được bù đắp bởi thời gian thực hiện kế hoạch vốn xây dựng cơ bản của ACV được kéo dài – khi chỉ có các dự án hàng không lớn được ưu tiên, theo ACV cho biết.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 45% giả định hành khách quốc tế năm 2020 còn 15 triệu hành khách (con số thực tế quý 1/2020 là 6,9 triệu hành khách), tương ứng với mức giảm 64% trong lượng hành khách quốc tế năm 2020 khi chúng tôi giả định các chuyến bay quốc tế sẽ chỉ dần được phục hồi vào đầu quý 4/2020.
Chúng tôi hiện đang dự báo doanh thu 2020 đạt 9,6 nghìn tỷ đồng (giảm 48% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 70%). Các kết quả này chủ yếu được dẫn dắt bởi mức giảm của lượng hành khách quốc tế - yếu tố đóng góp chính cho lợi nhuận cốt lõi của ACV.
Trong năm 2021, chúng tôi giả định sự phục hồi mạnh mẽ từ mức cơ sở thấp với doanh thu tăng 82%, đạt 17 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng mạnh 173%, đạt 6,7 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi giả định lượng hành khách quốc tế năm 2021 sẽ đạt 39 triệu – tương ứng với khoảng 94% con số 2019 và tăng 159% so với mức cơ sở thấp 2020.
Chúng tôi cho rằng ACV là công ty hưởng lợi trong dài hạn từ tăng trưởng ngành hàng không của Việt Nam. Bất chấp các thách thức trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cơ cấu cho dự báo triển vọng dài hạn của chúng tôi vẫn được duy trì, nhờ tầng lớn trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam và nằm gần các thị trường hàng không phát triển nhanh khác.
Rủi ro: vốn xây dựng cơ bản cao hơn dự kiến; trì hoãn mở rộng công suất hàng không có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng lưu lượng hành khách; các lệnh hạn chế đi lại kéo dài; lỗ tỷ giá từ nợ bằng JPY.
Khuyến nghị khả quan cho BVH với giá mục tiêu 58.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) ngày 29/06/2020 diễn ra tại Hà Nội. Các chương trình chính nhằm đánh giá lại kết quả kinh doanh 2019, thông qua 2020, thông qua phê duyệt từ nhiệm của thành viên HĐQT (ông Nguyễn Minh Hoàng) và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.
Phiên hỏi đáp tập trung các thành tựu trong chiến lược 2015-2022, định hướng chiến lược 2021-2025, sự quan tâm của Sumitomo Life trong đợt tăng vốn của BVH trong tương lai và kết quả kinh doanh 6 tháng 2020.
Kế hoạch 2020 bao gồm doanh thu hợp nhất (bao gồm thu nhập đầu tư) đạt 44,96 nghìn tỷ đồng (tăng 0,2% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 1,18 nghìn tỷ đồng (giảm 5,0%; 20,0% cao hơn dự báo).
ĐHCĐ thông qua cổ tức tiền mặt 8% theo mệnh giá 2019 – thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi là 10%. Kế hoạch cổ tức 2020 không được công bố; tuy nhiên, ban lãnh đạo cam kết tỷ lệ thanh toán cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế 2020. Chúng tôi lưu ý BVH thường trả cổ tức bằng tiền mặt.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho BVH với giá mục tiêu 58.000 đồng/CP.
Khuyến nghị mua cho VIB với giá mục tiêu 24.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) diễn ra ngày 30/06/2020, với chương trình chính tập trung vào báo cáo kế hoạch kết quả kinh doanh 2020, đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 20% cổ phiếu thưởng và uỷ quyền cho HĐQT đăng ký niêm yết cổ phiếu VIB trên sàn HOSE trong năm 2020.
Cổ đông thông qua kế hoạch 2020 tăng trưởng tín dụng đạt 24% (cao hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép ban đầu là tăng trưởng 10,75%), tăng trưởng huy động đạt 19%, nợ xấu sẽ được duy trì ở dưới mức 3% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (tăng 10,5% so với năm ngoái), phù hợp dự báo gần nhất của chúng tôi.
VIB báo cáo lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2020 đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm.
Ngân hàng đã tuân thu Chỉ thị 02/2020/CT-NHNN khi hủy thanh toán cổ tức tiền mặt trong năm 2019.
Cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%. Nguồn tài trợ đến từ quỹ đầu tư và phát triển, quỹ dự trữ vốn điều lệ và thu nhập giữ lại, tổng cộng là 1,8 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho VIB với giá mục tiêu 24.300 đồng/CP.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán