Sự kiện hot
6 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/1

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/1 của các công ty chứng khoán.

AAA có triển vọng tích cực trong ngắn hạn

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chúng tôi đánh giá cao khả năng thành công của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (mã AAA) ở mảng bất động sản công nghiệp với diễn biến ngành thuận lợi và vị trí đẹp của khu đất.

Đối với mảng hoạt động kinh doanh chính là sản xuất bao bì, chúng tôi đánh giá AAA sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh ngành gay gắt cùng với việc AAA không có lợi thế cạnh tranh rõ ràng trên thị trường quốc tế dẫn tới khó cải thiện giá bán đầu ra.

Hiện tại, AAA đang được giao dịch tại mức giá 14.400 đồng/CP (giá ngày 18/01/2019) tương đương mức P/E trailing đạt 11.83x. Với triển vọng có được lợi nhuận đột biến từ An Phát Complex, gói bao tiêu hạt nhựa PP của BSR trong năm 2019 cùng triển vọng ngành kinh doanh chính, chúng tôi đánh giá AAA có triển vọng tích cực trong ngắn hạn (dưới 1 năm) và trung lập trong trung-dài hạn.

Khuyến nghị mua cổ phiếu SCS

CTCK ACB (ACBS)

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) báo cáo kết quả kinh doanh chưa kiểm toán cho năm 2018 với doanh thu đạt 675,6 tỷ đồng (tăng 14,8% so với năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 385,7 tỷ đồng (tăng 22,7%), hoàn thành 98,6% và 98,0% dự phóng cả năm 2018.

Tăng trưởng của SCS đến từ lượng hàng hóa tăng 10,1%, trong đó hàng hóa quốc tế tăng 8,5% và hàng hóa nội địa tăng 15,6%. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng kỳ vọng 7,7% cho tổng lượng hàng hóa hàng không Việt Nam.

Đúng như dự đoán, SCS ghi nhận lượng hàng hóa cao nhất trong quý 4/2018 với 56.167 tấn, chiếm 27,4% tỷ trọng hàng hóa cả năm. Lượng hàng hóa qua ga SCS tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào danh mục khách hàng ngày càng tăng, đặc biệt trong quý 4/2018, SCS đã ký hợp đồng với 4 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 32 khách.

SCS ghi nhận biên lợi nhuận gộp 78,2% trong năm 2018, cao hơn 1,2 ptđ so với 2017 nhờ mức phí dịch vụ trung bình tăng 5,1% trong khi phần lớn giá vốn hàng bán của SCS là chi phí cố định.

Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp của mảng khai thác nhà ga đạt 78,6%, tăng 1,3 ptđ so với 2017. Mảng cho thuê văn phòng và bãi đậu xe tiếp tục mang lại biên lợi nhuận gộp cao nhất (82,9%) và mảng cho thuê sân đậu máy bay ghi nhận biên lợi nhuận gộp gần như không đổi (22,3%).

Chúng tôi duy trì dự phóng cho năm 2019 không đổi với doanh thu ước đạt 784,7 tỷ đồng (tăng 16,1% so với năm trước) và lợi nhuận ròng ước đạt 465,9 tỷ đồng (tăng 20,8%). Dự phóng của chúng tôi dựa trên kỳ vọng lượng hàng hóa tăng 12,6% với kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này càng đúng hơn với tình hình căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, thúc đẩy các công ty đa quốc gia trên thế giới di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam dự kiến sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng.

Dòng vốn FDI cao hơn cũng như hoạt động xuất nhập khẩu mạnh hơn tại Việt Nam do kết quả của rủi ro chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy hoạt động logistics, và đặc biệt hơn là hoạt động vẩn chuyển hàng hóa hàng không tại Việt Nam

Với mức P/E 2019 là 15,2x, SCS đang giao dịch với mức chiết khấu 29,0% so với trung bình các DN thuộc ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải, logistics, vận tải hàng không tại các thị trường châu Á mới nổi (21,4x).

 Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn muốn thâm nhập thị trường hàng không và logistics Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Định giá của chúng tôi vẫn không đổi với mức giá mục tiêu 226.600đ/cp theo phương pháp DCF (+62,3% TSR) và tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu SCS.

Giữ quan điểm kém tích cực về triển vọng của DRC

CTCK Bản Việt (VCSC)

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) công bố kết quả lợi nhuận chưa kiểm toán quý IV/2018 và cả năm 2018. Theo đó, năm 2018, DRC ghi nhận doanh thu giảm 3,2% so với cùng kỳ còn 3,5 nghìn tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm 14,2% so với cùng kỳ còn 124 tỷ đồng.

Chúng tôi dự đoán rằng tổng doanh thu giảm chủ yếu do doanh thu từ sản phẩm lốp bias giảm mạnh tầm 10% do xu hướng chung của thị trường thay đổi từ sản phẩm bias sang sản phẩm lốp radial.

Chúng tôi dự đoán rằng lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do biên lợi nhuận của mảng lốp bias bị giảm do giá của đầu vào carbon đen (chiếm 20% tổng chi phí lốp bias) tăng torng năm 2018, cùng với đó là biên lợi nhuận của mảng radial cũng bị thu hẹp do khả năng cạnh tranh kém của lớp radial của DRC và công suất hoạt động thực tế của nhà máy radial chưa đủ cao.

Do các kết quả lợi nhuận trên phù hợp với dự phóng hiện tại của chúng tôi với việc lợi nhuận sau thuế đạt 100,9% dự phóng lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 của chúng tôi, chúng tôi dự đoán sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với dự phóng hiện tại.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm kém tích cực về triển vọng của DRC chủ yếu vì năng lực cạnh tranh có phần hạn chế của DRC ngăn công ty chuyển những biến động thất thường của giá đầu vào nhiên liệu sang cho hành khách mà không bị mất thị phần.

Khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu DHG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) công bố kết quả kinh doanh cho năm 2018 bao gồm doanh thu 3,9 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 654 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ). Doanh thu sản phẩm tự sản xuất tăng 4% so với năm 2017, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2018 vượt 4% so với dự báo, chủ yếu nhờ vào biên lợi nhuận gộp của các sản phẩm tự sản xuất cao hơn dự phóng trong quý IV/2018.

Vì vậy, chúng tôi nhận thấy có khả năng tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế cho năm 2019/2020 hiện tại là 619 tỷ đồng/ 646 tỷ đồng, nhưng dự kiến sẽ không có thay đổi đến khuyến nghị phù hợp thị trường tại giá cổ phiếu hiện tại là 84.300 đồng/cổ phiếu.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: