Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/12 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua BSR với giá mục tiêu 11.650 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn với giá mục tiêu 12 tháng tới ở mức 11.650 đồng dựa trên những đánh giá và dự phóng về kế hoạch kinh doanh của công ty trong những năm tới, cùng với các điểm tích cực về vị thế, năng lực kinh doanh của công ty và nhu cầu thị trường sản phẩm lọc dầu.
Giá dầu trong quý IV ổn định và lợi nhuận biên của các nhà máy lọc dầu đang ở mức hấp dẫn, nhất là đối với các nhà máy lọc dầu sử dụng nguyên liệu dầu ngọt nhẹ sản xuât sản phẩm xăng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp đáp ứng các tiêu chuẩn của IMO về nhiên liệu dầu FO, DO sử dụng cho vận tải tàu biển, được áp dụng từ tháng 1.2020.
Công ty có kế hoạch gia tăng sử dụng dầu thô nguyên liệu nhập khẩu từ năm 2020 lên đến mức 50%, do nguồn dầu thô trong nước đang giảm dần và đặc biệt là chính sách giảm thuế nhập khẩu dầu thô từ 5% xuống còn 0% từ tháng 11.2019. Chúng tôi ước tính, chi phí nguyên liệu dầu thô có thể giảm khoảng 650 tỷ mỗi năm tại tỷ lệ 15% hiện tại, và sẽ giảm thêm khi công ty gia tăng tỷ lệ dầu nhập khẩu.
Ngưỡng hỗ trợ kế tiếp của AAA nằm tại mốc 13
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu AAA của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh vẫn đang trong xu hướng giảm kéo dài từ giữa năm nay sau khi tạo mô hình hai đỉnh tại vùng giá 18.5. Thanh khoản cổ phiếu vẫn duy trì giá trị ổn định.
Hầu hết các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang trong trạng thái tiêu cực. Chỉ báo động lượng RSI tuy đang ở trong vùng quá bán nhưng những lần chỉ báo rời khỏi vùng này đều chỉ dẫn đến sự hồi phục nhẹ trong chốc lát rồi cổ phiếu lại tiếp tục quay trở về với đà giảm của mình.
Đáng chú ý, hôm nay chỉ báo MACD đã xuất hiện Death Cross cho thấy trạng thái tiêu cực sẽ còn được duy trì trong thời gian tới.
Ngưỡng hỗ trợ kế tiếp của cổ phiếu nằm tại mốc 13. Nếu áp lực bán đẩy AAA xuyên thủng mức giá này thì tiềm năng trở về mệnh giá 10 trong tương lai là hoàn toàn có thể.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MWG
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Trong tháng 11/2019, doanh thu Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG – sàn HOSE) đạt 8.363 tỷ đồng (tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và 282 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 19,5%). Biên lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11 giảm nhẹ về 3,88% (so với mức bình quân 4,20% của nửa đầu năm 2019) do việc mở mới cửa hàng ồ ạt trong nửa cuối năm 2019 và mùa sale 15 năm sinh nhật MWG trong tháng 7.
Lũy kế 11 tháng năm 2019, MWG đạt hơn 93 ngàn tỷ đồng doanh thu và hơn 3,5 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 18% và 34% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Mặc dù việc mở rộng mạng lưới làm gia tăng chi phí vận hành, biên lợi nhuận ròng 11 tháng vẫn giữ ở mức 3,8% cao hơn mức 3,3% của 11 tháng năm 2018. Doanh thu online tăng 8% và vẫn đóng góp 13% tổng doanh thu 11 tháng năm 2019. MWG đặt mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng ĐMX và 1.000 cửa hàng BHX đến hết năm 2019
Đến hết tháng 11/2019, MWG có tổng cộng 2.929 cửa hàng, tăng 117 cửa hàng là mức tăng nhiều nhất trong 11 tháng qua, trong đó chuỗi ĐMX tăng 46 cửa hàng (bao gồm cả mở mới và chuyển đổi từ TGDĐ) đạt 983 cửa hàng và BHX tăng 72 cửa hàng đạt 938 cửa hàng. Con số cửa hàng của ĐMX và BHX đã vượt xa mức kế hoạch cửa hàng đặt ra từ đầu năm 2019. BHX tiếp tục mở rộng hoạt động ra các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ
Số cửa hàng ở Tỉnh đã vượt quá 50% tổng số cửa hàng của toàn chuỗi BHX (514 cửa hàng tại 20 tỉnh khu vực Nam & Nam Trung Bộ ngoài TP.HCM). Chúng tôi cho rằng kế hoạch đẩy mạnh mở cửa hàng ở các tỉnh mới sẽ giúp MWG có được các vị trí cửa hàng tốt, đón đầu mùa mua sắm cuối năm và mùa tết. Doanh thu các cửa hàng ở tỉnh đang xấp xỉ doanh thu cửa hàng ở TP.HCM (1.4 tỷ đồng trong tháng 11) thể hiện mô hình BHX có thể được nhân rộng ngoài TP.HCM.
Chúng tôi nhận thấy các chuỗi kinh doanh của MWG vẫn đang tăng trưởng ổn định và MWG nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận của năm 2019. Để hòa vốn chuỗi BHX trong năm 2020 có thể sẽ còn nhiều thử thách nhưng chúng tôi tin rằng BHX vẫn đang đi đúng hướng. Chúng tôi duy trì quan điểm Tích cực đối với cổ phiếu MWG.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCB
CTCK Phú Hưng (PHS)
Chúng tôi dự báo lợi nhuận năm 2019 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB - sàn HOSE) sẽ tăng trưởng mạnh nhờ vào doanh thu lãi và doanh thu ngoài lãi duy trì được đà tăng.
Tăng trưởng tín dụng của VCB đạt mức 15% trong năm 2019, hệ số NIM của VCB tiếp tục được mở rộng nhờ vào chuyển dịch cơ cấu cho vay sang khách hàng cá nhân với biên lợi nhuận tốt hơn. Dự báo thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt mức 35.184 tỷ đồng (tăng 23,8% so với năm ngoái) và 19.925 tỷ đồng (tăng trưởng 36%).
Cho năm 2020, đà tăng của thu nhâp lãi thuần có thể chững lại dưới tác động của thông tư 58/2019/TT-BTC - Quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của kho bạc nhà nước mở tại ngân hàng nhà nước việt nam và các ngân hàng thương mại. Thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế dự phóng lần lượt ở mức 38.310 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2019) và 24.428 tỷ đồng (tăng trưởng 23%).
Thương vụ thoái vốn tại liên doanh Bảo Hiểm Nhân Thọ Việt Nam – Cardif (VCLI) nhằm hợp tác với tập đoàn FWD trị giá 400 triệu USD, tương đương 9.200 tỷ có thể sẽ đem lại nguồn lợi nhuận lớn cũng như phần thặng dư vốn lớn cho VCB.
Ngoài ra VCB cũng đang có kế hoạch chào bán riêng lẻ khoảng 6.5% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài.
Chúng tôi dự phóng giá trị sổ sách của VCB trong năm 2020 sẽ đạt mức 29.561 VNĐ/CP. Sử dụng phương pháp định giá so sánh P/B quá khứ, giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VCB là 96.200 VND/CP. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu VCB, upside tiềm năng tương ứng 12.9% so với giá đóng cửa ngày 09/12/2019.
Rủi ro về pháp luật có thể ảnh hưởng tới GEG trong tương lai
CTCK Phú Hưng (PHS)
Mở rộng hoạt động sang các mảng năng lượng sạch khác bao gồm điện mặt trời và điện gió nhằm giảm thiểu rủi ro hoạt động của mảng thủy điện.
Các dự án điện mặt trời đi vào hoạt động trong năm 2019 đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong cả 2019 và 2020.
Tiềm năng phát triển của ngành điện sẽ hỗ trợ hoạt động của GEG. Thiếu hụt nguồn cung hiện diện rõ trong các năm tới.
Năng lượng xanh xu hướng mới. Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các loại hình năng lượng thay thế nhằm giảm thiểu các vấn đề liên quan tới môi trường.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của GEG trong năm 2019 và 2020 có thể đạt lần lượt 267 tỷ VNĐ và 337 tỷ VNĐ. Forward EPS 2020 là 1,323 VND/CP. Hiện tại GEG đang được giao dịch với P/E forward 2020 là 19.9x.
Chúng tôi không đánh giá với GEG do ngành điện thiếu hụt các hành lang pháp lý hoàn chỉnh, do đó rủi ro về mặt pháp luật có thể ảnh hưởng chính tới doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, cần xem xét thêm tính ổn định trong vận hành các dự án của GEG.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán