Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/9 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT
CTCK MB (MBS)
8 tháng năm 2020, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) lần lượt đạt 18.321 tỷ đồng và 3.343 tỷ đồng, tăng 7,6% và 11,7% so với cùng kỳ 2019. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế được cải thiện so cùng kỳ, đạt 18.3% (năm 2019 đạt 17.6%) do tỷ trọng mảng dịch vụ chuyển đổi số và xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng lên.
Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT dường như không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tăng trưởng 14.4% từ 6,798 lên 7,774 tỷ đồng 8 tháng năm 2020. Thị trường nội địa cũng ghi nhận nhiều hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin mới trong tháng 8, đặc biệt là các sản phẩm Made-by-FPT có doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ.
Chúng tôi dự phóng năm 2020 và 2021 FPT đạt lần lượt 12.712 tỷ đồng và 15.311 tỷ đồng doanh thu mảng Xuất khẩu phần mềm, tăng 19% và 20,5% cùng kỳ.
Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng khối Công nghệ của FPT. Trong 8 tháng 2020, dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng 46% so với cùng kỳ, đạt 2.274 tỷ đồng.
FPT có những lợi thế về đa dạng sản phẩm và giá thành rẻ hơn các công ty nước ngoài, chính vì vậy FPT trúng thầu nhiều hợp đồng chuyển đổi số mới và đem về nguồn doanh thu lớn cho công ty, chiếm lần lượt 40% và 50% doanh thu mảng Xuất khẩu phần mềm năm 2020 và 2021.
Dự phóng doanh thu của FPT sẽ đạt 31.819 tỷ đồng và 36.025 tỷ đồng năm 2020 và 2021. Biên lợi nhuận ròng khoảng 14% năm 2020. Doanh thu chủ yếu tăng trưởng từ dịch vụ công nghệ chuyển đổi số, mang về lần lượt 5.085 tỷ đồng và 7.656 tỷ đồng năm 2020 và 2021, tăng khoảng 58,7% và 50,6% so với cùng kỳ.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT.
Mục tiêu chốt lãi của SIP nằm tại mức 95
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi đã có sự điều chỉnh ngắn hạn vào đầu tháng 9. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng giảm dần.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực.
Hôm nay 24/9, chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên SIP tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 79.5. Mục tiêu chốt lãi của SIP nằm tại mức 95, cắt lỗ nếu ngưỡng 76 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua cổ phiếu BWE với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi công bố báo lần đầu dành cho CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE), công ty cấp nước lớn thứ ba tại Việt Nam và nhà phân phối nước độc quyền tại tỉnh Bình Dương, với khuyến nghị mua và giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 22,8% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%).
BWE sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nước sạch tăng trưởng mạnh mẽ tại tỉnh Bình Dương. BWE ghi nhận tỷ lệ thất thoát nước – (NRW) – đạt 5,6% trong năm 2019, xếp thứ ba tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tính theo độ hiệu quả, sau Singapore (5%) và Nhật Bản (3%).
Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 11,7% cho doanh thu và EPS 26,5% trong giai đoạn 2020-2024, được dẫn dắt bởi mức tăng sản lượng phân phối nước từ 470.000 m3/ngày năm 2019 lên 700.000 m3/ngày trong năm 2020 cũng như công suất xử lý nước thải gia tăng.
Định giá của BWE tỏ ra hấp dẫn với P/E và EV/EBITDA dự phóng 2021 đạt lần lượt 10,2 lần và 5,4 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi. Các hệ số này thấp hơn lần lượt 24,4% và 41,3% so với P/E (13,5 lần) và EV/EBITDA (9,2 lần) trung vị 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực. Chúng tôi dự phóng mức tăng 60% trong tỷ lệ DPS (cổ tức/cổ phiếu) từ 1.000 đồng trong năm 2019 lên 1.600 đồng vào năm 2024.
Yếu tố hỗ trợ: Tăng trưởng sản lượng nước và xử lý chất thải công nghiệp cao hơn dự kiến.
Rủi ro: hiệu suất hoạt động thấp hơn của các nhà máy mới, cổ tức tiền mặt thấp hơn dự kiến.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán