Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/5

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VEA

CTCP BIDV (BSC)

Doanh thu quý I/2020 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEA) đạt 998 tỷ đồng (giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái) tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 1.325 tỷ đồng (tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ) nhờ chủ yếu vào doanh thu tài chính tăng (tăng 30%) trong khi đó lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết đạt 1.165 tỷ đồng (giảm nhẹ 3%).

BSC ước tính lợi nhuận sau thuế của VEA trong năm 2020 đạt 5.921 tỷ đồng (giảm 19% so với năm ngoái) tương đương với 4.421 đồng/cp, P/E fwd =  9x (thấp hơn P/E trung bình khu vực 10.7x – mục lục) với giả định (1) sản lượng tiêu thụ xe máy năm 2020 giảm -10% yoy (2) sản lượng tiêu thụ ô tô (Honda, Toyota) giảm 30% (3) mức lợi nhuận ròng của Honda ở mức 15,5% (giảm từ mức 16% năm 2019), lợi nhuận ròng Toyota ở mức 10.5% (giảm từ 11% năm 2019).

Chúng tôi sử dụng phương pháp P/E định giá cổ phiếu VEA với P/E mục tiêu cho VEA 10x (mức P/E trung bình khu vực 10.7x – mục lục), EPS 2020 =4.421 đồng/cổ phiếu, giá trị hợp lý cho cổ phiếu VEA vào khoảng 44.210 đồng/cổ phiếu (upside 11% so với giá ngày 27/5/2020).

PDR nhiều khả năng vận động tích lũy trong vùng giá 25-26

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đang nằm trong nhịp tăng giá khá mạnh sau khi tích lũy dài hạn tại vùng giá 22-23.

Thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh vượt ngưỡng trung bình 20 phiên và đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng giá của cổ phiếu tuy nhiên chỉ báo RSI tiến vào vùng quá mua đang bảo hiệu có thể xuất hiện 1 nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy PDR nhiều khả năng vận động tích lũy trong vùng giá 25-26 trong một hai phiên tới trước khi tạo đỉnh mới tại ngưỡng giá 29-30.

Nguồn cấp khí của POW sẽ đảm bảo khi được bổ sung mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt vào cuối năm 2020

CTCK Dầu khí (PSI)

Lợi nhuận sau thuế quý I/2020 của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) đạt 505 tỷ đồng, giảm 411 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019, do tác động của một số yếu tố như thủy văn, nguồn cấp khí và tỷ giá.

Cuối quý I/2020, PV POW đã thu hồi được khoản nợ 414 tỷ đồng EVN giữ lại là 20% chi phí cố định vốn đầu tư Nhà máy điện Vũng Áng 1; tuy nhiên khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng của EVN với Nhà máy điện Cà Mau 1&2 do chưa thống nhất tỷ giá áp dụng chung cho giá bán điện hiện vẫn chưa đạt được thống nhất, PV POW đã trình Ủy Ban quản lý vốn và Bộ Công Thương giải quyết khoản nợ nay của EVN.

Bên cạnh đó, công nợ của EVN với Nhà máy điện Cà Mau vẫn phát sinh thêm hàng tháng làm tăng khoản phải thu ngắn đối với EVN, tính đến cuối quý I/2020 đạt 9.599 tỷ đồng.

Quý I/2020, Nhà máy điện Vũng Áng 1 vận hành theo thị trường điện với mức độ khả dụng cao, đạt sản lượng 1.849,64 triệu kWh (hoàn thành 121% kế hoạch được giao).

Trung bình năm, Nhà máy điện Vũng Áng tiêu thụ 3,4 triệu tấn than, tình trạng thiếu than xảy ra cuối năm ngoái đã hoàn thoàn được khắc phục do trong đầu năm 2020 PVPOW đã ký hợp đồng dài hạn với TKV với sản lượng cam kết cung cấp 3 triệu tấn than +/-5% cho Nhà máy điện Vũng Áng và POW chủ động nhập khẩu 400-500 nghìn tấn đã đảm bảo được sản lượng điện thương phẩm của nhà máy.

Giá than nhập khẩu hiện tại có lợi thế hơn, trong khoảng 60-70$/tấn và được chuyển ngang sang giá điện, giúp POW tránh được rủi ro biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Dự án Nhà máy điện NT 3&4 đã hoàn tất xong FS: dự án có tổng mức đầu tư 1.4 tỷ USD, đến thời điểm hiện tại PV POW đã hoàn tất FS và đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện cho NT3&4, đáp ứng yêu cầu về hồ sơ vay vốn của các tổ chức tín dụng. Dự kiến nguồn nhiên liệu từ đầu tư LNG nhập khẩu và mức tiêu thụ 1,2 triệu tấn/năm.

Chuẩn bị tham gia thị trường điện cạnh tranh cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2 phải chuyển đổi hợp đồng, POW đã đạt thỏa thuận với EVN không tính toán lại giá mà chỉ chuyển ngang hợp đồng hiện hữu, tuy nhiên chưa thống nhất về công thức tinh giá.

Nguồn cấp khí được bổ sung từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt: Đối với NT1, lô 11.2 thuộc bể Nam Côn Sơn cung cấp khí cho NT1 năm 2020 bắt đầu suy giảm từ 18 triệu m3/ngày trong năm 2019 xuống 16,5 triệu m3/ngày trong năm 2020.

PV POW dự kiến mua thêm khí từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt, dự kiến bắt đầu cấp khí cuối năm 2020.

Ngoài ra, POW dự kiến mua thêm khí LNG cho NT1 trong những năm tới bổ sung lượng khí suy giảm từ các mỏ. Đối với Nhà máy điện Cà Mau, lượng khí được đảm bảo ổn định do mua thêm khí từ Petronas.

Đối với NT2, PV GAS vẫn cam kết cung cấp đầy đủ khí cho NT2, tính đến hiện tại NT2 hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch quý I, trong thời gian tới, NT2 có kế hoạch vận hành LNG chủ động bù đắp khí thiếu hụt. Bên cạnh đó, NT2 đã ký tắt hợp đồng với EPTC, tuy nhiên giá PPA vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Kế hoạch dự kiến triển khai trong thời gian tới: Thoái vốn Nhà máy thủy điện Đăk đrink (hiện POW đang sở hữu hơn 90%): dự án có khoản vay vốn bảo lãnh của chính phủ ~ 2000 tỷ đồng, theo tiến độ trả nợ hiện tại, dự kiến POW sẽ hoàn thành nghĩa vụ trả nợ năm 2025 và có kế hoạch xem xét thoái vốn ngay khi trả hết nợ để thực hiện đầu tư các dự án mới.

Mở rộng thêm mảng năng lượng tái tạo: Tập trung đầu tư điện mặt trời áp mái, tận dụng thuận lợi từ các nhà máy trong tập đoàn, dự kiến năm đầu tiên 2020 lắp đặt tối tiểu 3,5% công suất điện mặt trời, ước khoảng 50 MW.

Dự án năng lượng tái tạo có thời gian lắp đặt nhanh và được chính phủ mua với giá FIT là 1.943 đồng/kWh (trong 20 năm), tuy nhiên chỉ áp dụng cho dự án có ngày vận hành thương mại dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020.

Khuyến nghị mua dành cho SCS và khả quan danh cho ACV

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79, cho phép cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài từ 80 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/07. Người nước ngoài được cấp thị thực sẽ được phép nhập cảnh, xuất cảnh tại 8 cửa khẩu hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam lên kế hoạch thực hiện trở lại các chuyến bay quốc tế và hoàn tất kế hoạch trước ngày 10/06 nhằm trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Chúng tôi cho rằng đây là thông tin tích cực đối với ngành hàng không, bao gồm các hãng hàng không như HVN và VJC, các công ty vận hành nhà ga hành khách và hàng hóa như ACV và SCS, và công ty bán lẻ tại sân bay AST. Diễn biến này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngành hàng không sẽ đạt đỉnh trong quý 2/2020.

Hiện tại, SCS và ACV là 2 công ty được chúng tôi đánh giá cao trong ngành hàng không nhờ năng lực tài chính ổn định và vị thế thị trường mạnh mẽ.

Chúng tôi hiên có khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời cổ phiếu 41,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,8%.

Chúng tôi hiên có khuyến nghị khả quan dành cho ACV với giá mục tiêu 69.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời cổ phiếu 17,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,5%.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: