Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/1

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/1 của các công ty chứng khoán.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua TNG tại ngưỡng giá 16-17

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đang có dấu hiệu hồi phục khá tích cực sau khi tích lũy ngắn hạn quanh vùng giá 15- 16.

Thanh khoản cổ phiếu đã vượt mức trung bình 20 phiên trong các phiên hồi phục gần nhất, cho thấy động lực tăng đang mạnh dần.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang cho thấy tín hiệu tích cực ủng hộ xu hướng tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại ngưỡng giá 16-17, chốt lãi tại ngưỡng kháng cự cũ 20 trong các phiên giao dịch tới.

Khuyến nghị mua dành cho STB với giá mục tiêu 17.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Sau khi công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán năm 2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thông báo trên website của ngân hàng về việc đã tuân thủ tiêu chuẩn Basel II từ ngày 1/1/2020, phù hợp với thời hạn được quy định trong Thông tư 41.

Như vậy, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) là ngân hàng duy nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi chưa tuân thủ Basel II. Diễn biến này của STB giúp ngân hàng này tránh được cách tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) kém thuận lợi hơn dành cho các ngân hàng chỉ tuân thủ Basel I, theo Thông tư 22.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho STB với giá mục tiêu 17.800 đồng/CP, tương ứng tống mức sinh lời dự phóng 63,3%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khả năng sinh lời của HVN sẽ chịu áp lực

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (HVN) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2019 trong đó doanh thu giảm 3% đạt 23 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  giảm 94% đạt 35 tỷ đồng.

Mức giảm trong lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  đến từ (1) biên lợi nhuận gộp thấp hơn và (2) thu nhập khác thấp hơn chủ yếu đến từ thu nhập giảm từ nghiêp vụ Bán và Thuê lại (SALB).

Trong cả năm 2019, doanh thu đạt 98 nghìn tỷ đồng (+1.4% YoY, hoàn thành 97% dự báo cả năm của chúng tôi) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (-0,4% YoY, hoàn thành 74% dự báo cả năm của chúng tôi).

Tăng trưởng chững lại trong doanh thu của HVN đến từ doanh thu vận tải gần như đi ngang, trong khi mảng này chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của năm 2019. Tăng trưởng âm của lợi nhuận chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thấp hơn đạt 11,4% trong năm 2019 so với 12,7% trong năm 2018.

Kết quả này củng cố cho quan điểm của chúng tôi rằng khả năng sinh lời của HVN sẽ chịu áp lực khi cạnh tranh trong ngành hàng không ngày càng gay gắt.

Khả năng điều chỉnh giảm dự báo dành cho FRT

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2019, trong đó doanh thu giảm 2% YoY đạt 4,2 nghìn tỷ đồng trong khi công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 20 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  120 tỷ đồng trong quý 4/2018.

Trong cả năm 2019, FRT ghi nhận doanh thu 16,6 nghìn tỷ đồng (+9% YoY) trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  giảm 41% YoY đạt 214 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  của FRT thấp hơn lần lượt 3% và 31% dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 4/2019 đến từ (1) mức giảm YoY trong doanh thu của chuỗi ĐTDĐ dù số cửa hàng của FRT đã tăng từ 534 tính vào cuối năm 2018 lên 593 cửa hàng tính đến cuối 2019, (2) biên LN gộp trong mảng ĐTDĐ giảm, (3) dự phòng nợ xấu liên quan đến chương trình F.Friends và trợ giá nhà mạng và (4) lỗ từ chuỗi dược phẩm Long Châu khi chuỗi này đang trong giai đoạn đầu của quá trình mở rộng. Số cửa hàng Long Châu đã đạt 70 cửa hàng vào cuối 2019 so với 23 cửa hàng tính đến cuối 2018.

Với các kết quả này, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo hiện tại cho FRT, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Sẽ không có thay đổi đáng kể dành cho dự báo DHG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) công bố kết quả kinh doanh 2019 với doanh thu thuần đạt 3,9 nghìn tỷ đồng (đi ngang YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số  635 tỷ đồng (-3% YoY). Trong khi đó, EPS 2019 tăng 5% YoY đạt 4.688 đồng.

Trong quý 4/2019, doanh thu thuần tăng nhẹ 5%, chủ yếu đến từ mức tăng 8% doanh thu các sản phẩm tự sản xuất, cho thấy mức tăng nhẹ so với mức tăng trưởng tương đương 5% trong 9 tháng 2019, theo ước tính của chúng tôi.

Biên lợi nhuận gộp các sản xuất tư sản xuất giảm 50 điểm cơ bản YoY đạt 53,5% YoY trong quý 4/2019 trong bối cảnh chi phí hoạt chất đầu vào (API) tăng. Tuy nhiên, mức biên lợi nhuận gộp này cao hơn 50,7% trong 9 tháng 2019, được DHG cho rằng đến từ cơ sở chi phí đầu vào tốt hơn trong quý 4/2019 so với 9 tháng 2019.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 2% YoY trong năm 2019 do mức giảm 1,2 điểm % biên lợi nhuận gộp các sản phẩm tự sản xuất và DHG thay đổi phương thức kế toán cho quỹ khen thưởng và phúc lợi (B&W).

Theo DHG, bắt đầu từ năm 2019, trong 10% lợi nhuận sau thuế phân bổi cho quỹ B&W, 7% sẽ được ghi nhận trong chi phí quản quản lý chung (G&A) trong khi 3% còn lại sẽ được ghi nhận ngoài kết quả kinh doanh.

Trước đó, tất cả khoản trích của DHG cho quỹ B&W đều ghi nhận ngoài kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, EPS (không bị ảnh hưởng bởi thay đổi phương thức kế toán) vẫn tăng 5% YoY nhờ mức giảm 5% trong chi phí bán hàng.

Các kết quả này phần lớn phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về (1) tăng trưởng doanh số 1 chữ số của các sản phẩm tự sản xuất trong bối cảnh cạnh trạnh gay gắt và DHG không có sự khác biệt về sản phẩm và (2) biên lợi nhuận gộp giảm do giá API tăng. Chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể đến dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: