Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/7 của các công ty chứng khoán.
Mục tiêu chốt lãi của VSC nằm tại xung quanh giá 35
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi có sự điều chỉnh ngắn hạn vào tuần trước. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị tốt và ổn định.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.
Hôm nay 30/7, VSC đã tăng khá ấn tượng 5,28% để chính thức vượt qua ngưỡng cản tại vùng giá 30. Chỉ báo MACD đã xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VSC nằm tại khu vực 30-30.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 35, cắt lỗ nếu ngưỡng 27.5 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị tích cực dành cho IMP với giá mục tiêu 52.400 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
BVSC vẫn duy trì quan điểm lạc quan đối với triển vọng dài hạn của của CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) khi đây là một trong số ít công ty dược trong ngành vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, thông qua việc khai thác các nhà máy EU-GMP tiêu chuẩn cao, đấu thầu vào kênh ETC.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng nếu có sự hỗ trợ của cổ đông lớn SK sẽ nâng cao hơn vị thế và tiềm năng tăng trưởng của IMP trong tương lai.
BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với IMP, mức giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 52.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E forward theo kế hoạch 95% lợi nhuận trước thuế của IMP là 18,4x lần, +32% so với mức giá đóng cửa 39.650 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/7/2020.
Khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu 44.600 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 44.600 đồng/CP trên cơ sở (i) vị thế là doanh nghiệp tư nhân đứng đầu trong nước về công nghệ hóa chất,
(ii) hiệu quả kinh doanh đang hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm. Chúng tôi đánh giá cơ hội đầu tư vào cổ phiếu DGC lả hấp dẫn trong trung và dài hạn.
Khả năng điều chỉnh giảm dự báo đối với GVR
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020 với doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 3,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 29% đạt 454 tỷ đồng. Kết quả thấp này chủ yếu đến từ mức giảm trong mảng cao su và mảng gỗ - một phần được bù đắp bởi mức tăng trong mảng Khu công nghiệp (KCN).
Trong 6 tháng 2020, doanh thu của GVR giảm 20% đạt 6 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 19% đạt 680 tỷ đồng. Ngoài kết quả kinh doanh thấp của mảng cao su và mảng gỗ, lợi nhuận GVR trong 6 tháng 2020 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đóng góp thấp hơn của thu nhập khác, chủ yếu đến từ thanh lý cây.
Biên lợi nhuận gộp tăng 1,6 điểm % trong 6 tháng 2020, chủ yếu nhờ mảng KCN ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt 73% trong 6 tháng 2020 so với 67% trong 6 tháng 2019. Trong khi đó, mảng chế biến gỗ đạt biên lợi nhuận gộp 20% trong 6 tháng 2020 so với 26% trong 6 tháng 2019 và giả định của chúng tôi 25% trong cả năm 2020.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng 2020 hoàn thành lần lượt 32% và 20% dự báo cả năm của chúng tôi. 6 tháng đầu năm thường là mùa thấp điểm cho GVR.
Doanh thu 6 tháng đầu năm chiếm 36% doanh thu cả năm 2018 và 38% doanh thu cả năm 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm chiếm 26% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong cả năm 2018 và 2019.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo 2020 của chúng tôi, chủ yếu do sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19 tại Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến mảng gỗ và thu nhập từ thanh lý cây cao su của GVR, vốn chủ yếu được dẫn dắt bởi nhu cầu trong nước.
Khả năng điều chỉnh giảm dự báo đối với FRT
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2020, trong đó doanh thu giảm 9% so với cùng năm ngoái đạt 7,3 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 87% đạt 26 tỷ đồng. Trong quý 2/2020, doanh thu giảm mạnh 20% đạt 3,2 nghìn tỷ đồng trong khi FRT ghi nhận khoản lỗ trước thuế 21 tỷ đồng so với lợi nhuận trước thuế 121 tỷ đồng trong quý 2/2019.
Khoản lỗ trong quý 2/2020 có thể đến từ (1) mức giảm 24% YoY trong doanh thu của mảng ĐTDĐ trong bối cảnh gián đoạn kinh doanh do dịch COVID-19, đặc biệt là trong tháng 4 khi FRT phải tạm thời đóng cửa 170 cửa hàng điện thoại di động (khoảng 30% tổng các cửa hàng điện thoại di động của công ty); và (2) khoản lỗ cao hơn từ chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT, với tốc độ mở rộng cửa hàng tăng tốc.
Tính đến quý 2/2020, FRT có 596 cửa hàng điện thoại di động (so với 593 vào cuối năm 2019) và 135 cửa hàng Long Châu (so với 70 vào cuối năm 2019). Tốc độ mở các cửa hàng phù hợp với dự báo của chúng tôi là 130 cửa hàng trong năm 2020.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý II/2020 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi, đặc biệt là lợi nhuận. Diễn biến này, cùng với khả năng dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại Việt Nam, cho thấy khả năng điều chỉnh giảm dự báo hiện tại của chúng tôi đối với FRT, dù cần đánh giá chi tiết hơn.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán