Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/1

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/1 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực đối với TDM với giá mục tiêu 30.800 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

BVSC sử dụng hai phương pháp định giá là FCFF để xác định mức giá nội tại cổ phiếu và phương pháp so sánh P/E để xác định mức giá mục tiêu ngắn hạn. Mức định giá theo phương pháp FCFF của cổ phiếu CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) là 38.000 VND/CP và mức giá theo phương pháp P/E là 30.800 đồng/CP (lưu ý: định giá P/E được tính theo EPS dựa trên giả định hoạch toán khoản đầu tư vào BWE là công ty liên kết trên báo cáo hợp nhất).

CTCP Nước Thủ Dầu Một là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả hoạt động ở mức cao. Công ty có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vài năm tới nhờ đầu tư thêm nhà máy mới cũng như nhu cầu nước sạch tăng ở Bình Dương.

Cùng với đó, mức giá hiện tại của TDM đang ở mức chiết khấu hấp dẫn so với mức giá mục tiêu ngắn hạn. Vì vậy, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu TDM với mức giá mục tiêu trong một năm là 30.800 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 21,49% so với mức giá đóng cửa ngày 03/01/2020 là 25.350 đồng/CP).

Khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiểu VJC với giá mục tiêu 156.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 và 2020 của CTCP Hàng không Vietjet (VJC – sàn HOSE) được dự phóng lần lượt đạt 5.420 và 5.667 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6% và 4,6% cùng kỳ.

Chúng tôi hạ dự phóng năm 2019 và 2020 lần lượt 8% và 23% do (i) Vietjet mất thị phần nhiều hơn dự tính, (ii) hạ giá vé, và (iii) biên lợi nhuận gộp năm 2020 giảm 1,4% về 15% từ mức 16,4%.

Quý IV/2019 dự kiến sẽ khó khăn hơn quý III. Trong quý IV các hãng hàng không đồng loạt hạ giá vé máy bay do hưởng lợi từ giá nhiên liệu và để gia tăng vị thế thị phần trong dịp cao điểm Tết Dương lịch và Âm lịch.

Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm còn 11,3% trong quý IV/2019 từ mức 12,0% quý III/2019 với chiến lược hạ giá vé. Cùng với đó VJC tiếp tục mất thị phần nội địa còn 42,5% từ 42,9% và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2020 do sự mở rộng của Bamboo Airways .

Ngoài ra, thị trường quốc tế là điểm tựa vững chắc. Với thị phần quốc tế ở mức 27%, VJC hiện đang là doanh nghiệp có thị phần quốc tế lớn nhất nhờ chiến lược tập trung vào thị trường này. Doanh thu vận tải thị trường quốc tế hiện đang chiếm 52% so với thị trường nội địa 48%, việc yêu cầu dịch vụ trên các chuyến bay quốc tế tạo lợi thế cho VJC tăng doanh thu trên mảng này.

Hiện doanh thu phụ trợ/hành khách đạt 17,3USD (tăng trưởng 14,6%) trong quý III/2019. Chúng tôi kỳ vọng thị trường này sẽ đạt mức tăng trưởng 19% trong 2020 nhờ vào: (i) hành khách quốc tế tăng trưởng 18,6% từ khách du lịch quốc tế và khách Việt Nam du lịch nước ngoài, (ii) ít tác động cạnh tranh đối với Vietjet từ hãng hàng không mới là Bamboo Airways do hãng này tập trung khách hàng cao cấp.

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiểu VJC, giá mục tiêu 156.300 đồng/CP theo phương pháp định giá từng phần (i) phần giá trị cốt lõi – vận tải hàng không sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF, (i) phần lợi nhuận từ nghiệp vụ Sale-Lease Back chúng tôi định giá theo hệ số 2020 P/E mục tiêu 10,6x theo trung bình nhóm hàng không giá rẻ.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 65.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 12 tháng 65.000 đồng trên cơ sở

(i) Petrolimex là doanh nghiệp doanh xăng dầu số 1 Việt Nam với thị phần chiếm hơn 50%, vượt xa đơn vị thứ 2, với hệ thống cơ sở hạ tầng khép kín và mạng lưới phân phối bán lẻ trên 63 tình thành cả nước,

(ii) Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tiếp tục tăng lên cùng với phát triển kinh tế và thu nhập người dân tăng lên, dự báo trung bình trên 4%/năm đến 2025, trong khi các dự án đầu tư trong lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng, hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ,

(iii) Hiệu quả hoạt động vượt trội so với các đơn vị cùng ngành nhờ sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ trực tiếp (COCOs) và hiệu suất bán hàng rất cao, và

(iv) Tình hình tài chính lành mạnh, hiệu quả kinh doanh vượt trội, chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

Đà giảm giá trung hạn của PVD vẫn chưa thực sự kết thúc

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh năm 2019 của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) dự kiến khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt 5.370 tỷ đồng (giảm 2,4% so với năm trước) và 350 tỷ đồng (tăng trưởng 72%). Nếu loại trừ khoản nợ quá hạn từ PVEP, lợi nhuận cốt lõi của PVD ước đạt 219 tỷ đồng (tăng trưởng 16,3%), EPS cốt lõi đạt 912 đồng/cp. PE FW cốt lõi 2019 đạt 19,3 lần.

Nhận định: Cổ phiếu PVD đang trong quá trình hồi phục sau khi đã ở trong xu hướng giảm trung hạn từ tháng 8.

Trong ngày hôm nay 6/1, thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh đã đẩy giá PVD tạo gap ngay từ đầu phiên và duy trì dao động quanh mốc 15.800 đồng/CP đến cuối phiên.

Các chỉ báo kỹ thuật cũng chuyển sang trạng thái tích cực. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn.

Tuy nhiên, do các đường EMA chưa tạo Golden Cross nên chưa thể chắc rằng đợt tăng giá này là bền vững. Đồng thời, cổ phiếu cũng dần tiếp cận vùng kháng cự 16-17 nên áp lực chốt lời tại khu vực này là có thể xảy ra.

Theo đánh giá của chúng tôi, đà giảm giá trung hạn của PVD vẫn chưa thực sự kết thúc và cơ hội mua thực sự chỉ đến khi cổ phiếu trở về vùng giá xung quanh 13.5.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: