Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phiếu đi ngược xu hướng nhờ “câu chuyện riêng”

Sau giai đoạn tăng điểm mạnh, giá nhiều cổ phiếu đồng loạt điều chỉnh theo thị trường, nhưng vẫn có các mã duy trì được xu hướng tăng như GTN, PET, VGC...

GTN: Kỳ vọng công ty con Mộc Châu Milk

Công ty cổ phần GTNFoods (GTN) đang sở hữu 74,49% vốn tại Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam - CTCP (VLC), trong khi VLC sở hữu 51% vốn tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

Mới đây, Mộc Châu Milk dự định phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược; lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE không quá 9 tháng từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cụ thể, Mộc Châu Milk dự kiến phát hành 3.340.000 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 100:5 và phát hành 39.192.000 cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 30.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là GTN và Vinamilk (Vinamilk sở hữu 75% vốn tại GTN).

Như vậy, nếu nhóm cổ đông Vinamilk thực hiện toàn bộ quyền, cũng như mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược, tổng số cổ phiếu sẽ tăng từ 34,1 triệu đơn vị lên gần 75 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 51% lên 68,1% vốn điều lệ tại Mộc Châu Milk.

Được biết, Mộc Châu Milk thành lập năm 1958, tính tới 31/12/2019, doanh nghiệp sở hữu đàn bò sữa hơn 25.580 con, trong đó 90% thông qua việc liên kết với hơn 600 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, đồng thời có 3 trung tâm giống bò sữa lớn.

Doanh nghiệp dự kiến, đến cuối năm 2020 sẽ tăng số đàn bò sữa lên 28.680 con, tăng 12,1% so với năm 2019.

Năm ngoái, doanh thu của Mộc Châu Milk là 2.558,4 tỷ đồng, tăng 3,1%; lợi nhuận sau thuế 166,9 tỷ đồng, giảm 7,6% so với thực hiện năm 2018.

Tính tới 31/12/2019, Mộc Châu Milk có 493 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi kỳ hạn ngắn, chiếm gần 46% tổng tài sản và không có nợ vay.

Hiện tại, sản phẩm của Mộc Châu Milk chủ yếu được tiêu thụ ở vùng Tây Bắc. Giới đầu tư kỳ vọng, việc kết hợp với Vinamilk sẽ cải phía Nam, cũng như xuất khẩu, còn thiện hiệu quả kinh doanh cho cả hai bên khi Mộc Châu Milk có thể đi vào các thị trường Vinamilk mở rộng thị trường phía Tây Bắc, bổ sung doanh thu và lợi nhuận hợp nhất từ Mộc Châu Milk.

Theo đó, kết quả kinh doanh của Mộc Châu Milk sẽ hợp nhất vào báo cáo của VLC và GTN, giúp các doanh nghiệp này có kết quả hoạt động khả quan hơn.

PET: Làm đại lý cho Apple

ảnh 1
Biểu đồ tương quan VN-Index so với GTN, VGC và PET.

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi mới đây công bố trở thành đối tác phân phối ủy quyền tất cả dòng sản phẩm chính hãng của Apple tại thị trường Việt, ngoài chuỗi kinh doanh bán lẻ.

PET dự kiến tiêu thụ khoảng 100.000 sản phẩm các loại của Apple cho tới tháng 8/2021.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, PET đạt tổng doanh thu thuần 10.008 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ phân phối là 7.910 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu.

Về lợi nhuận trước thuế, mảng dịch vụ phân phối đóng góp 53 tỷ đồng, chiếm 29%; mảng dịch vụ bất động sản ghi nhận 54 tỷ đồng, chiếm 29%; mảng dịch vụ đời sống đạt 52 tỷ đồng, chiếm 28%; mảng dịch vụ cung ứng và hậu cần đạt 26 tỷ đồng, chiếm 14%.

Trong năm 2019, PET phân phối các sản phẩm điện thoại di dộng như Samsung, Blackberry, Itel; máy tính xách tay các thương hiệu Dell, Lenovo, Asus, Acer; phụ kiện máy tính các thương hiệu Dell, Lenovo, Asus, Cyber Power; các sản phẩm thiết bị vật tư y tế; hạt nhựa, khí lỏng. Việc phân phối thêm dòng sản phẩm của Apple được kỳ vọng sẽ bổ sung doanh thu và lợi nhuận mảng phân phối cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc kỳ vọng có dòng sản phẩm mới, yếu tố thu hút giới đầu tư vào cổ phiếu PET là doanh nghiệp đang duy trì mức chi trả cổ tức 10%/năm, trong khi đó thị giá cổ phiếu dao động dưới ngưỡng 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau đợt tăng giá nhờ thông tin kỳ vọng mới, PET sẽ đối mặt với thách thức là cạnh tranh phân phối ngày một tăng khi mới đây, Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cũng công bố đã được phân phối tất cả dòng sản phẩm của Apple tại Việt Nam.

Trước đó, Synex FPT là đơn vị phân phối dòng sản phẩm Apple tại Việt Nam. Khi cả ba doanh nghiệp trên cùng phân phối sản phẩm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam dự báo sẽ không có sự tăng trưởng đột biến, cạnh tranh sẽ gia tăng.

Ngoài ra, đối với dịch vụ bất động sản của PET, chiếm 29% lợi nhuận trước thuế, hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là tham gia quản lý và khai thác các toà nhà, khách sạn, trung tâm thương mại.

Tính tới cuối năm 2019, PET vận hành 10 công tình trong ngành dầu khí và hơn 30 công trình ngoài ngành trên các địa bàn trải dài trên cả nước. Trong những tháng đầu năm 2020, dưới áp lực của đại dịch Covid-19, giá thuê, giá dịch vụ liên quan tới duy trì, bảo dưỡng, vận hành toà nhà có xu hướng giảm.

Như vậy, kết quả kinh doanh của PET sẽ không dễ dàng tăng trưởng mạnh, sức hấp dẫn của cổ phiếu thời gian qua chủ yếu đến từ câu chuyện kỳ vọng và tỷ suất cổ tức hấp dẫn khi thị giá ở dưới mệnh giá.

VGC: Mở rộng mảng khu công nghiệp

Cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC) tiếp tục thu hút dòng tiền sau khi Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) thông báo chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,96% lên 46,15%, cũng như cổ phiếu VGC nằm trong danh sách thoái vốn của Bộ Xây dựng.

Định hướng của GEX là đẩy mạnh đầu tư vào khu công nghiệp và doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên kịch bản hợp nhất kết quả hoạt động quý IV/2020 của VGC.

Theo đó, kịch bản 1, với việc hợp nhất VGC, doanh thu là 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận là 975 tỷ đồng. Kịch bản 2, chưa hợp nhất VGC, doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 735 tỷ đồng.

Được biết, năm 2019, GEX đạt doanh thu 15.315 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.102 tỷ đồng. Có thể thấy, để kết quả kinh doanh không giảm quá lớn, GEX có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại VGC để bổ sung lợi nhuận.

Hiện tại, VGC đang phối hợp với GEX triển khai mở rộng dự án khu công nghiệp tại Tây Ninh từ 100 ha lên 600 ha, đã mua Khu công nghiệp Long sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu và sở hữu 12 khu công nghiệp tại miền Bắc với diện tích 5.000 ha.

Theo đó, kịch bản GEX sẽ chấp nhận chào mua công khai với mức giá tăng thêm để gián tiếp sở hữu 12 khu công nghiệp tại miền Bắc của VGC đang được không ít nhà đầu tư kỳ vọng.

Hiện tại, những cổ phiếu riêng lẻ với câu chuyện riêng đang hút dòng tiền hơn là các cổ phiếu chỉ đơn thuần có thông tin về hoạt động kinh doanh.

Hạc Hiên

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: