Gần đây, HDG đã trình đề xuất thành lập công ty con Hado Real Estate và mục tiêu tiến hành IPO trong dài hạn. Công ty con này sẽ quản lý toàn bộ tài sản bất động sản của HDG, phục vụ kế hoạch tái cấu trúc HDG thành công ty mẹ, nâng cao năng lực quản lý vốn cũng như nâng cao tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp và khả năng sinh lời của các đơn vị thuộc hệ sinh thái.
VCSC: Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HDG
Quý I, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 244 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, do doanh thu từ mảng bất động sản suy giảm.
Đáng chú ý, HDG đã công bố kế hoạch kinh doanh 5 năm với mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 22-27%/năm trong giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu này dựa trên quỹ đất hiện tại, 8 dự án điện hiện hữu và 4 dự án điện gió mới của HDG. Doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển ít nhất 5 dự án bất động sản và năng lượng vào năm 2022, đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, công ty sẽ M&A với 1 công ty bất động sản có sẵn quỹ đất sạch hoặc tham gia đấu giá để mua lại quỹ đất. HDG đang nghiên cứu các dự án mới tại Hà Nội (huyện Thanh Oai), TP.HCM (huyện Bình Chánh) và Phước Mỹ 2 (tỉnh Ninh Thuận). Những dự án này có thể giúp tăng gấp 4 lần quỹ đất của HDG lên 450 ha trong vòng 5 năm tới.
Trước đó, HDG chia sẻ rằng doanh nghiệp đang đàm phán để hoàn tất việc mua lại quỹ đất 125ha ở phía Tây Hà Nội với giá sơ bộ khoảng 1 nghìn tỷ đồng và biên lợi nhuận ròng dự kiến đạt tối thiểu 18% - 20%.
HDG đã trình đề xuất thành lập công ty con Hado Real Estate và mục tiêu tiến hành IPO trong dài hạn. HDG sẽ nắm giữ ít nhất 90% cổ phần tại công ty con này. 10% cổ phần còn lại sẽ thuộc về Chủ tịch Hội đồng quản trị HDG và một số thành viên Hội đồng quản trị. Công ty con này sẽ quản lý toàn bộ tài sản bất động sản của HDG.
Theo ban lãnh đạo, lý do thành lập công ty con này là để tái cấu trúc HDG thành công ty mẹ và nâng cao năng lực quản lý vốn cũng như nâng cao tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp và khả năng sinh lời của các công ty con của HDG.
Sau khi PDP VIII được phê duyệt, HDG dự kiến sẽ phát triển 2 dự án điện gió là Phước Hữu (50 MW) và Ea H’leo (20 MW). Công ty đang chờ cơ chế đấu giá (sẽ được sử dụng để lựa chọn nhà đầu tư dựa trên giá chào bán thấp nhất).
HDG dự kiến mức giá mới cho điện gió là 7,5 US cent - thấp hơn 12% so với con số trước đây là 8,5 US cent và cao hơn giả định của VCSC là 7,0 US cent. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu IRR là khoảng 12% cho dự án mới. Chi tiêu vốn хâу dựng ᴄơ bản cho mảng năng lượng dự kiến là 1 nghìn tỷ đồng. HDG cũng tự tin rằng dự án điện gió lớn An Phong 300 MW của công ty sẽ được đưa vào PDP VIII.
Ngoài ra, danh mục điện ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I và có triển vọng tươi sáng do miền Bắc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện. Sản lượng điện thương phẩm của HDG đạt 290 triệu kWh trong quý I, vượt mục tiêu của quý là 20%. Sản lượng điện thương phẩm hàng tháng của nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 cao hơn 20-50% mục tiêu của HDG.
Ngoài ra, điện gió và điện mặt trời không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro cắt giảm nào do tình trạng thiếu điện ở miền Bắc. Chủ tịch Hội đồng quản trị HDG tự tin rằng các nhà máy thủy điện có thời gian hoàn vốn là 10 năm trong vòng đời 50 năm, trong khi nhà máy điện gió/mặt trời có thời gian hoàn vốn từ 7-8 năm trong vòng đời 20-30 năm.
Hiện VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HDG, giá mục tiêu 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gấp đôi với giá đóng cửa ngày 13/5.
KBSV: Khuyến nghị mua VNM với giá mục tiêu 84.100 đồng/cổ phiếu
Kết thúc Q1/2022, doanh thu thuần Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) đạt 13.878 tỷ đồng (tăng 5,2% cùng kỳ năm trước); lợi nhuận sau thuế đạt 2.283 tỷ đồng (giảm 12%). Qua đó, lần lượt hoàn thành 21,3% và 23,1% kế hoạch năm 2022.
Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VNM tăng trưởng âm. Trong quý, doanh thu nội địa của riêng công ty mẹ tăng trưởng nhẹ 4% cùng kỳ, đạt 10.234 tỷ đồng; chi nhánh tại nước ngoài ghi nhận doanh thu 1.081 tỷ đồng, tăng trưởng 28% cùng kỳ.
Điểm sáng là Driftwood tiếp tục thể hiện kết quả kinh doanh tốt trong quý (tăng 40% cùng kỳ), khi nhu cầu tiêu thụ từ trường học và khách sạn ổn định. Ngoài ra, xuất khẩu trực tiếp ghi nhận mức doanh thu 1.139 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị phần, ban lãnh đạo chia sẻ rằng hiện tại thị phần của VNM vẫn duy trì tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, dòng sản phẩm sữa chua và sữa nước có kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng, trái ngược với tình hình của sữa bột và sữa đặc.
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, biên lợi nhuận gộp của sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất vào quý II này, khi dùng nguyên liệu chốt giá trong quý I. Nhìn chung, cho cả năm 2022, KBSV điều chỉnh biên lợi nhuận gộp của VNM từ 43% xuống mức hơn 41%.
KBSV thực hiện điều chỉnh dự phóng kết quả kinh doanh của VNM nhằm phản ánh diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào nằm ngoài dự kiến gần nhất. Cụ thể, năm 2022, công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu thuần của VNM đạt 62.781 tỷ đồng (tăng 3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.484 tỷ đồng (giảm 10%).
Cho năm 2023, doanh thu thuần dự báo ở mức 65.105 tỷ đồng (tăng 3,7% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9,2% lên 10.264 tỷ đồng. KBSV sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá DCF và so sánh P/E (tỷ trọng 50-50), qua đó hạ mức giá mục tiêu cho 2022 của VNM từ 105.700 đồng/cổ phiếu xuống 84.100 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn duy trì khuyến nghị mua.
SSI: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VIB
Kết thúc quý I, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.300 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Thu nhập ngoài lãi đạt 650 tỷ, đóng góp 16% vào tổng thu nhập hoạt động. Tăng trưởng tín dụng ở mức 6,1%, dư nợ gần 217.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng trưởng tốt ở mức 7,7%, đạt 302.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc ngân hàng tập trung vào danh mục tín dụng bán lẻ, giảm thiểu rủi ro tập trung với gần 90% danh mục là cho vay bán lẻ và 95% có tài sản đảm bảo. NIM cũng được cải thiện ở mức 4,5%, nhờ vào chi phí huy động vốn tiếp tục giảm 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
NIM được mở rộng chủ yếu đến từ số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng hơn 40% và các khoản vay từ các định chế tài chính nước ngoài tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn vốn giá rẻ này giúp VIB tiếp tục duy trì chi phí huy động ở mức thấp trong diễn biến lãi suất chung trên thị trường có dấu hiệu gia tăng nhẹ.
Trước đó, ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.545 tỷ đồng đối với VIB dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ tăng lên trên 21.000 tỷ đồng, giúp VIB tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhìn nhận, VIB là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao nhất, khoảng 86,5% tổng dư nợ. Số dư trái phiếu doanh nghiệp được duy trì khoảng 1% tổng tín dụng (2.600 tỷ đồng trong quý I; thấp hơn TPB và OCB).
Do đó, VIB đã giảm thiểu được rủi ro và khá thận trọng với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong quý I, bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng thì thu nhập từ bancassurance giảm mạnh 36,2% so với cùng kỳ, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Chất lượng tài sản cần được theo dõi chặt chẽ, do bộ đệm rủi ro tín dụng tương đối thấp của ngân hàng so với các ngân hàng khác (51,8% so với trung bình ngành là 148,3%). Do đó, SSI đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu của VIB, giá mục tiêu 1 năm là 30.700 đồng/cổ phiếu.
Tân Mai
Theo vietnamfinance.vn