Sự kiện hot
10 tháng trước

Cổ phiếu nhiệt điện kỳ vọng hưởng lợi nhờ hiệu ứng El Nino

Dù đa số các doanh nghiệp nhiệt điện trải qua mùa BCTC quý I/2023 không mấy tích cực, song các chuyên gia nhìn nhận triển vọng của nhóm này trong năm 2023 vẫn là khá sáng sủa nhờ vào hiệu ứng El Nino.

evn-1-606
Một nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh. Ảnh: EVN

Quý kinh doanh buồn của nhóm nhiệt điện

Các doanh nghiệp nhiệt điện than đã trải qua quý I/2023 không mấy tích cực với kết quả lãi ròng suy giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – HoSE: POW) công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.703 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Song trừ đi giá vốn và chi phí, lãi sau thuế chỉ còn gần 803,5 tỷ đồng, tương đương giảm 19%.

POW cho biết doanh thu và giá vốn cùng tăng do tăng sản lượng huy động. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao hơn chủ yếu do giá nhiên liệu than phải trả cho nhà cung cấp tăng cao và cao hơn giá nhiên liệu than được chấp nhận trong giá mua điện. Điều này dẫn đến lãi gộp công ty suy giảm.

Ngoài ra, “ông lớn” Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (HoSE: PGV) cũng cho biết lãi sau thuế đạt gần 621 tỷ đồng, giảm gần 223 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) trong quý I/2023 ghi nhận doanh thu thuần gần 1.311 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lại giảm 50% còn 39,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo Nhiệt điện Phả Lại cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, giá nhiên liệu đầu vào đã tăng lên cùng với đó là việc phát sinh một số khoản chi phí như chi phí sửa chữa lớn và tiền lương tăng, khiến mức tăng của chi phí cao hơn mức tăng của doanh thu, làm giảm lợi nhuận của công ty.

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UpCOM: HND) cũng cho biết lãi ròng quý I/2023 chỉ đạt vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng, tương đương giảm 96,1%.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do sản lượng điện quý I/2023 thấp hơn so với cùng kỳ trong khi giá than tăng so với cùng kỳ dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng. Đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 5,6 tỷ đồng so với quý I/2022.Kết quả kinh doanh này đã được dự báo trước khi mà sau 2 tháng đầu năm nay công ty đã thông báo doanh thu sản xuất điện đạt 1.527 tỷ đồng và lợi nhuận sản xuất điện trước thuế là lỗ 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) là cái tên duy nhất ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu NT2 đạt gần 2.183 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn chỉ tăng 6% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 251,64 tỷ đồng, tăng 36% so với quý I/2023.

Trong kỳ, doanh thu tài chính doanh nghiệp đạt hơn 22 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 chỉ đạt hơn 1,7 tỷ đồng chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Chi phí tài chính theo đó cũng tăng lên 7,1 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần 20% lên hơn 20 tỷ đồng.

Kết quả, Nhơn Trạch 2 báo lãi sau thuế 233,8 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ vọng nửa cuối năm

Chu kỳ La Nina chính thức kết thúc vào tháng 2/2023, và chu kỳ El Nino được dự báo bắt đầu từ tháng 5/2023 với xác suất hơn 80%. Chu kỳ El Nino thường kéo dài với thời gian trung bình hơn 10 tháng nên sản lượng nhiệt điện được kỳ vọng sẽ được huy động cao cho đến năm 2024.

VNDirect nhìn nhận nhiệt điện than nội tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi nhờ giá đầu vào thấp hơn và nhu cầu tăng cao tại khu vực này trong 2023. Trong 2023-2024, công ty chứng khoán này kỳ vọng sản lượng điện than sẽ dần cải thiện 8-12% so với cùng kỳ từ mức huy động thấp năm 2022.

Các nhà máy điện sử dụng chủ yếu than nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn như QTP, HND và PPD do miền Bắc ghi nhận mức tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước do tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn và đang phát triển rất nhanh. Ngoài ra, Trung tâm Khí hậu Thủy văn Quốc gia cũng dự báo về một mùa hè nắng nóng hơn với nhiệt độ tăng khoảng 0,5°C so với trung bình nhiều năm, kéo nhu cầu đột biến trong mùa hè.

Ngoài ra, mức tăng trưởng công suất khiêm tốn trong năm 2023 là cơ hội để các nhà máy điện đang vận hành hấp thụ một mức huy động tốt hơn, đặc biệt tại các khu vực có khả năng thiếu điện cao như miền Bắc.

Cuối cùng, VNDirect cho rằng mặt bằng giá than trong nước ổn định là lợi thế lớn cho các nhà máy nhiệt điện than nội địa trong bối cảnh giá than thế giới tăng cao. Hơn nữa, các nhà máy than miền Bắc thường ghi nhận chi phí vận chuyển thấp hơn với nguồn đầu vào được đảm bảo do vị trí gần mỏ than.

Về phía VCBS, công ty chứng khoán này nhìn nhận dù hưởng lợi từ chu kỳ El Nino, nhưng sản lượng huy động tổng thể của các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ bị ảnh hưởng từ mức sụt giảm chung của phụ tải trong năm nay. Nói chung, các cổ phiếu nhiệt điện than đều thể hiện khá tốt và vẫn còn cơ hội đi tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây có thể sẽ một quá trình không dễ dàng bởi ngoài câu chuyện huy động phát điện thì các doanh nghiệp trong ngành cũng cần phải đảm bảo được nguồn cung than cùng với khả năng vận hành ổn định trong mùa nắng nóng.

Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong các tháng 5,6,7 sẽ là 14,77 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 7,17 triệu tấn than. Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với TKV và TCT Đông Bắc mới có 6,59 triệu tấn. Cùng với đó, sự cố kéo dài của một số tổ máy của Nhà máy điện Phả Lại, Vũng Áng cũng cần được lưu ý.

Tả Phù
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: