Một lượng "khủng" cổ phiếu Sacombank liên tiếp được mua đi bán lại gần đây khiến thị trường tò mò ai đứng sau những đợt sóng và các giao dịch khủng đó.
Một nguồn tin từ nhóm nhà đầu tư mới mua lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) cho biết, họ và cổ đông cũ có một thoả thuận mang tính cam kết không chính thức: Cùng hợp tác xử lý khoản nợ được thế chấp bằng 178 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, tương đương 9,44% vốn điều lệ Sacombank. Đây là khoản nợ tồn đọng đã nhiều năm và năm nào KienLongBank cũng phải trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận của họ còn lại rất thấp.
Giải quyết tỷ lệ cổ phần STB lớn đủ để thu hồi nợ gốc và lãi tồn đọng là một câu chuyện nan giải. Không ai phủ nhận sự hấp dẫn tiềm năng các cuộc M&A Sacombank một khi ngân hàng xử lý hết nợ xấu. Nhưng nhận chuyển nhượng một tỷ lệ cổ phiếu STB đủ để trở thành cổ đông lớn, phải công khai minh bạch theo luật định, không dễ dù nhà đầu tư ấy có nguồn "tiền tươi thóc thật".
Thực tế cho thấy, sau các đợt giao dịch thoả thuận và sau đó bán khớp lệnh trên sàn, nhóm nhà đầu tư mới và cũ của KienLongBank đã xử lý được hơn 90% lượng STB nắm giữ.
Cuối tháng 12 năm ngoái, trên HoSE ghi nhận một giao dịch thoả thuận 27 triệu cổ phiếu STB. Trước đó, cũng trong tháng 12 này, xấp xỉ 10 triệu cổ phiếu Sacombank đã được trao tay một cách rải rác qua giao dịch thoả thuận. Tháng 1/2021, dữ liệu của HoSE tiếp tục cho thấy STB giao dịch thoả thuận tổng cộng tầm 17 triệu cổ phiếu; tháng 2 khoảng 5 triệu cổ phiếu và tháng 3 là gần 94 triệu cổ phiếu.
Bên mua 27 triệu cổ phiếu STB hồi cuối tháng 12 là một pháp nhân, địa chỉ ở khu Saigon Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM, có liên quan đến nhóm nhà đầu tư mới của KLB. Ngay sau đó trong tháng 1/2021, pháp nhân kia đã mang cổ phiếu STB ra bán khớp lệnh hết trên sàn.
Với giao dịch thoả thuận 45 triệu cổ phiếu hôm 24/3 với giá bình quân hơn 19.950 đồng một cổ phiếu, bên mua là một pháp nhân có địa chỉ ở Hà Nội. Về phía bên bán, khối lượng bán tương đương số cổ phiếu nắm giữ của ông Trầm Trọng Ngân, con trai ông Trầm Bê. Cũng như các lần trước, sau giao dịch thoả thuận vài ngày, bên mua STB đã bán hết cổ phiếu theo khớp lệnh trên sàn.
Các giao dịch đều thực hiện theo đúng quy định, nhờ nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư cá nhân đã "nhiệt tình" giải ngân vào STB, giúp nó có phiên giao dịch "bùng nổ" với khối lượng 100 triệu đơn vị hôm 30/3, cao nhất trong lịch sử ngân hàng cũng như lịch sử thị trường chứng khoán đến nay. Thanh khoản của cổ phiếu này chiếm gần 15% tổng giá trị giao dịch trên HoSE hôm đó.
Khi chốt danh sách tham dự đại hội cổ đông năm nay, theo Trung tâm Lưu ký, Sacombank có 92.000 cổ đông, tăng từ mức 86.000 năm trước. Hiện tại số cổ đông của Sacombank lên tới 95.000 người.
Cơ cấu cổ đông Sacombank thay đổi. Sacombank đang có 81,5 triệu cổ phiếu quỹ, tức 4,3%. Trong đó, Ngân hàng UOB nắm giữ khoảng 3%. UOB vốn là cổ đông ngoại của ngân hàng Phương Nam và sau khi Phương Nam sáp nhập vào Sacombank năm 2015, UOB trở thành cổ đông Sacombank. Vẫn còn đó "cục" cổ phiếu 32,5% của Sacombank đã được nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê uỷ quyền cho VAMC.
Ngoài ra, Eximbank đang giữ 4,8% cổ phần Sacombank dưới dạng tài sản thế chấp đảm bảo cho một số khoản vay. Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank ông Dương Công Minh sở hữu 3,3% cổ phần ngân hàng này theo công bố công khai. Một số tổ chức khác nắm giữ khoảng 4-6% cổ phần. Còn lại 45-46% cổ phần Sacombank thuộc về cổ đông đại chúng.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của SacombankVAMC (cổ phần liên quan đếnnhóm cổ đông ông Trầm Bê)VAMC (cổ phần liên quan đếnnhóm cổ đông ông Trầm Bê)UOBUOBEximbankEximbankÔng Dương Công MinhÔng Dương Công MinhMột số tổ chức khácMột số tổ chức khácCổ phiếu quỹCổ phiếu quỹCổ đông đại chúngCổ đông đại chúngVAMC (cổ phần liên quan đến nhóm cổ đông ông Trầm Bê)● Tỷ lệ sở hữu: 32.5
Theo tài liệu đại hội cổ đông 2021, năm 2020, doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu ở Sacombank đạt 15.200 tỷ đồng, nâng mức thu hồi luỹ kế từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu lên 46.547 tỷ đồng, vượt hơn một nửa kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025.
Nhưng Sacombank vẫn còn quãng đường dài phải đi cho dù đã xử lý được khối nợ xấu khổng lồ. Theo báo cáo tài chính 2020 đã kiểm toán, 27.322 tỷ đồng nợ xấu ở VAMC, Sacombank hiện còn 17.500 tỷ đồng lãi và phí phải thu. Như vậy tổng số tài sản tồn đọng mà ngân hàng này phải tháo gỡ tiếp lên tới 44.822 tỷ đồng, bằng 2,38 lần vốn điều lệ của họ.
Sacombank vẫn có thể là mục tiêu thâu tóm như nó vốn đã từng bị mỗi khi giá cổ phiếu biến động. Để đặt được chân vào Sacombank với tư cách cổ đông chi phối, tiếp cận nguồn vốn huy động trị giá hai mươi tỷ USD của ngân hàng, các nhóm nhà đầu tư có hai cách: hoặc mua miệt mài khớp lệnh trên sàn hoặc mua nguyên được khối 32,5% cổ phần nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê đã uỷ quyền cho VAMC. Tuy nhiên, quyền quyết định khối cổ phần này hiện thuộc về Nhà nước.
Chưa kể, xử lý nợ xấu ở Sacombank không chỉ là chuyện cổ phần, cổ phiếu, giá cả biến động, mà còn có nhiều tài sản đảm bảo các khoản vay là bất động sản chưa được hợp thức hoá đầy đủ do lịch sử của cuộc thâu tóm trước. Việc hợp thức hoá đầy đủ một số tài sản thế chấp để thu hồi nợ đòi hỏi thời gian. Do đó, trở thành những "ông chủ" thực sự của Sacombank cần những doanh nhân giỏi về quản trị ngân hàng và thêm kỹ năng xử lý nợ xấu cùng dòng tiền tươi thóc thật.
Hải Lý
Theo Vnexpress