ĐS&TD - Chỉ còn chưa đầy 1 năm (1.6.2016), gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng sẽ hết thời hạn giải ngân theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1.7.2013 của Chính phủ nhưng tính đến thời điểm hiện tại, gói này chỉ mới được giải ngân trên 21%. Đây là một con số quá thấp trong khi nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp là rất lớn.
Dự án Sunview Town là dự án được hỗ trợ gói vay 30.000 tỷ đồng
Người dân khó tiếp cận với nguồn vốn
Tại Hội nghị bất động sản 2015 với chủ đề Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều chuyên gia bất động sản, chuyên gia tài chính cho rằng, người dân khó tiếp cận với gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ. Nguyên nhân được đưa ra mổ xẻ tại hội nghị đều cho rằng, về phía các tỉnh trực thuộc Trung ương, do nhiều áp lực nội tại, đặc thù nên quá trình triển khai nghị quyết 02/NQ-CP quá chặt chẽ dẫn đến kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn Chính phủ cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, dịch vụ, cho phép phân chia căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ, nhưng các địa phương rất thận trọng khi xem xét giải quyết các nhu cầu này của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thủ tục, cơ chế để giải quyết cho người có thu nhập thấp ở đô thị tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng còn nhiêu khê, đặc biệt là thủ tục chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay. Mặt khác, nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc căn hộ có giá tổng bán dưới 1,050 tỷ đồng còn rất khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người có thu nhập thấp đô thị. Việc phối hợp triển khai của các bộ, ngành chưa được đồng bộ cũng tác động không nhỏ đến tốc độ giải ngân của gói 30 ngàn tỷ đồng.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ triển khai gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng là chủ trương lớn, rất nhân bản, trước giờ chưa có tiền lệ. Vì thế, hệ thống chính sách và cơ chế thực hiện đã phải mất gần 1 năm để được bổ sung, điều chỉnh cho hoàn thiện. Trên thực tế, phải đến ngày 1.6.2013 mới cơ bản có đủ điều kiện để giải ngân, trong lúc thời gian hiệu lực của gói tín dụng này chỉ có 3 năm (hết hạn ngày 1.6.2016).
Vướng thủ tục
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, hiện nay thủ tục cho người dân tiếp cận với gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng đang rất chồng chéo, khiến cho tốc độ giải ngân trở nên chậm trễ. Chẳng hạn như những doanh nghiệp bị vướng nợ xấu, không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Các doanh nghiệp xin chuyển đổi căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ nhưng chưa được chấp thuận cũng không thể tiếp cận gói vay 30 ngàn tỷ đồng. Nghị quyết 02/NQ-CP lại không cho phép doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ được vay từ nguồn vốn ưu đãi. Theo các chuyên gia bất động sản, nếu cho phép chủ đầu tư các dự án này được vay thì đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và tăng tốc độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi.
Còn đối với cá nhân thì theo quy định, phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần, đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập.
Những người có thu nhập thấp ở đô thị là người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc lao động tự do có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật; người có thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (trên 9 triệu đồng/tháng) không phải là đối tượng có thu nhập thấp nên không được vay gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, kể cả trường hợp không có nhà ở hoặc đang ở chật (bình quân 8m2/người). Trong khi các ngân hàng thương mại cho rằng, người có thu nhập dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay khi tham gia gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, do vậy không đủ điều kiện được vay để mua nhà. Một rào cản nữa đối với người có thu nhập thấp là quy định trường hợp tạm trú phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm.
Để tìm lối ra cho gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, HoREA kiến nghị, đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cần sửa đổi mục 5 Thông tư 17/2014/TT-BXD ngày 18-11-2014 của Bộ Xây dựng yêu cầu người khai trình tình trạng nhà đất phải chịu trách nhiệm về nội dung khai báo tình trạng nhà đất của mình trước khi thủ trường đơn vị xác nhận. HoREA cũng đề nghị sửa đổi mục 1 Công văn số 395/BXD-QLN ngày 3-3-2015 của Bộ Xây dựng không quy định người có thu nhập thấp phải có mức thu nhập không đóng thuế thu nhập cá nhân. HoREA cũng đề nghị ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không yêu cầu người vay từ gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng phải chứng minh thu nhập khác, vì đã có tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà, chính là căn hộ hình thành trong tương lai mà người có thu nhập thấp đã ký hợp đồng mua. Các ngân hàng thương mại chỉ nên yêu cầu người vay có văn bản cam kết trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay, hoặc ghi rõ cam kết này trong hợp đồng vay.
Đối với doanh nghiệp, HeREA đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các doanh nghiệp đang đầu tư các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc có tổng giá bán căn hộ dưới 1,050 tỷ đồng cũng được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện nhà ở, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu. Đối với chủ đầu tư và doanh nghiệp vướng nợ xấu, nhưng có những dự án thương mại hoặc nhà ở xã hội đáp ứng ác điều kiện của gói tín dụng ưu đãi.
Theo HoREA và các chuyên gia bất động sản, khi “nới” được những quy định trên thì gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ sẽ được “cởi trói”.
Thiên Thiên