Lần thứ 3, chị bàn với thầy sẽ dốc tổng lực để đuổi ma đi. Tất nhiên, tổng lực cũng đồng nghĩa với việc phải thêm tiền. Nhà hết tiền, chị chuyển sang vay họ hàng...
Lần thứ 3, chị bàn với thầy sẽ dốc tổng lực để đuổi ma đi. Tất nhiên, tổng lực cũng đồng nghĩa với việc phải thêm tiền. Nhà hết tiền, chị chuyển sang vay họ hàng...
Chia tay, tôi chúc chị sẽ không phải trở lại gặp nhau thêm lần nữa. Và chị cười - nụ cười trên gương mặt héo mòn bấy lâu nay cũng đã bừng lên sự thanh thản.
- Vâng, tôi cũng mong là thế. Từ nay tôi sẽ không than thân trách phận nữa. Đời cho sao thì tôi nhận vậy. Tôi sẽ vui sống với hoàn cảnh của mình...
Chị là khách hàng tư vấn của tôi. Lần đầu đến đây, chị gần như tuyệt vọng, thậm chí tôi còn phải ra sức trấn an tinh thần, khuyên chị bình tĩnh và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tự vẫn.
Chuyện thế này:
Hai vợ chồng chị là cán bộ đã về hưu. Họ chỉ có một con trai duy nhất, nay đã ở vào cái tuổi "tam thập nhi lập". Hoàn cảnh kinh tế nhà chị cũng bình thường, bởi vợ chồng làm công ăn lương thì cũng chỉ kiếm đủ tiền sinh hoạt hàng ngày, không thể có thêm khoản nào mà tích lũy, mua sắm này nọ. Rất may, nhà chị còn có được một căn nhà 4 tầng, nằm ở mặt đường phố trung tâm quận Hai Bà Trưng. Căn nhà ấy là thừa kế của mẹ chị có từ thời xa xưa - trước khi mất - viết di chúc cho lại chị.
Cha mẹ nào cũng hãnh diện về con. Chị cũng vậy. Chị luôn tự hào vì mình có con trai ngoan ngoãn, học hành đường hoàng. Con chị tốt nghiệp đại học kinh tế, còn được giữ lại trường làm giảng viên. Cùng lúc đó lại có một công ty lớn cũng mời nó về làm việc.
Bài toán kinh tế được đặt ra, ở lại trường thì ổn định nhưng lương "hẻo". Còn ra ngoài làm, cơ hội làm giàu sẽ nhiều hơn. Chị thì thích con ổn định, làm giảng viên cho nhàn thân. Nhưng, con chị lại thích tạo nghiệp lớn. Vài năm đầu, lương con trai chị kiếm được cũng kha khá, chị cũng yên tâm. Tiếc rằng thời khủng hoảng, công ty lao đao lương trả cho người lao động ít dần. Con chị nghỉ việc để tìm cơ hội mới bằng cách tự mở công ty riêng.
Vợ chồng chị đã già, nào có biết con làm gì. Chỉ biết, sau 2 năm làm ông chủ, tiền đưa về chẳng thấy, chị chỉ biết con đầu tắt mặt tối, đi sớm về muộn. Rồi, đùng một cái, một ngày, con chị về nhà, đổ phịch xuống ghế, ngửa mặt kêu trời là sắp phá sản rồi. Nhưng, chưa kinh khủng bằng việc con chị sẽ phải gánh trên vai khoản nợ khổng lổ tới hơn 3 tỷ đồng. Con chị ký hợp đồng làm ăn với ai đó, nhưng giờ thì bạn hàng của nó bỏ trốn, để lại trận địa cho công ty của con chị.
3 tỷ đồng - chị mới nghe đến đó đã hoảng loạn. Cả đời chị, chẳng bao giờ có được vài trăm triệu trong nhà chứ đừng nói đến đơn vị tỷ đồng. Những ngày đó, cả nhà như có đám. Chị không thiết ăn, cứ bưng mặt khóc. Rồi chị quay sang trách mắng con. Chị bảo nó là ngu dại. Ngày trước, chị đã khuyên nó hãy cứ ở trường, cam phận làm ông giáo, ăn lương nhà nước. Chị và bố nó đấy, cả đời "bám vào Nhà nước" mà vẫn sống được, vẫn nuôi con đàng hoàng. "Mày ngu dại, lúc nào cũng nghĩ mình giỏi giang, đòi lập nghiệp riêng. Giờ, thì hết rồi, hết thật rồi con ạ".
Nghe theo lời ai đó mách bảo, chị lên đường tìm thầy bói để giải hạn cho gia đình. Thầy bói nói, gia đình chị có ma theo. Con ma này vừa xấu vừa ác. Chính nó đã đưa lối để con chị sạt nghiệp. Nếu không đuổi nó đi thì gia đình chị sẽ không được yên ổn.
Ảnh minh họa
Như người chết vớ được cọc, chị đưa thầy về nhà làm lễ giải hạn, đuổi ma. Chị hy vọng khi "ma đi" thì món nợ cũng sẽ được hóa giải. Lễ giải hạn lần thứ nhất, chưa có chuyển biến. Chị lại tới gặp thầy. Thầy phán ma này uy lực cao cường, đuổi lần một không được thì phải làm lần hai, thậm chí lần ba. Cái chính là gia chủ phải thành tâm và không được nản chí. Lễ càng cao thì ma càng sợ và càng có hiệu nghiệm.
Để có thể đáp ứng đúng lời thầy phán không đơn giản. Thầy yêu cầu chị phải sắm sửa đồ này lễ nọ, tính ra cũng tới trên 10 triệu đồng. Bình thường với gia đình chị, đó đã là số tiền quá lớn. Nay, trong hoàn cảnh món nợ bạc tỷ treo trên đầu thì càng lớn hơn. Nhưng, vì để cứu vãn tình thế, chị bất chấp tất cả. Chị cố xoay bằng được tiền để làm lễ lần hai. Rồi chị hồi hộp chờ đợi. Nhưng, chẳng có gì biến chuyển. Con trai chị ngày ngày đi về vẫn như người mất hồn.
Lần thứ 3, chị bàn với thầy sẽ dốc tổng lực để đuổi ma đi. Tất nhiên, tổng lực cũng đồng nghĩa với việc phải thêm tiền. Nhà hết tiền, chị chuyển sang vay họ hàng. Những người bà con biết chuyện gia đình chị, ai nấy đều cám cảnh. Vì thế, dẫu biết chị đang trong cảnh tay trắng, nhưng, nghe chị cần tiền, đều không nỡ từ chối. Họ nghĩ chắc chị cần tiền để xoay xở gia đình trong giai đoạn khó khăn. Ngờ đâu, tiền vay chưa kịp nằm lâu trong tủ đã được chị mang ra đưa thẳng cho thầy. Lần thứ 3, thầy làm lễ ở nhà chị suốt một ngày. Nhưng, rốt cuộc cũng chẳng có gì thay đổi.
Chị càng lo sợ hơn. Bởi, với khoản vay 3 tỷ đồng, mỗi ngày nhắm mặt lại mở mắt ra, gia đình chị phải lo trả tiền lãi thôi đã tới hàng triệu đồng. Tiền gốc chưa trả xong, nay cố lắm cũng chỉ lo trả được tiền lãi. Chị càng như mụ mị, suốt ngày đóng cửa phòng khấn xin thánh thần soi xét, rơi rớt tình thương xuống gia đình chị. Nghe ai mách nước, ở đâu có bùa chú, nước thánh có thể cứu nhà chị thoát khỏi cơn hoạn nạn, chị đều đi xin, rồi yểm khắp nhà nhưng vẫn không có kết quả.
Một người bạn đã đưa vợ chồng chị đến với văn phòng tâm lý. Bạn chị nhờ tôi nói để chị tỉnh ngộ. Chị cứ ngỡ nhà chị gặp hạn, là ma xui khiến đó thôi.
Hôm đó, tôi đã trò chuyện với chị rất lâu. Tôi khuyên chị rằng, trong hoàn cảnh của chị, chẳng có thánh thần nào đỡ được. Chị và gia đình phải tự cứu mình trước. Nhưng, trước khi nghĩ ra cách, thì chị cần tỉnh táo. Chị có tỉnh táo mới có thể là chỗ dựa cho con trai. Nhà chị đã không có tiền, chị lại tiếp tục đổ tiền lễ bái rồi lại tuyệt vọng vì thất bại thì hóa chăng phải làm cho sự việc căng thẳng thêm không?
Rất may, chồng chị còn tỉnh táo. Anh tâm sự rằng sẽ cố gắng hết sức để tháo gỡ khó khăn. Mấy hôm sau anh gọi lại, nói là đã quyết định sẽ bán nhà đi để giúp con trả nợ. Với gia đình anh chị, đó có lẽ là cách duy nhất. Căn nhà đó là hương hỏa để lại, ai nỡ bán đi, Nhưng, vì con, thôi cũng đành.
Ảnh minh họa
Bán được căn nhà cao tầng ở phố lớn, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn thế này, quả là không thể một sớm một chiều. Một ngày, điện thoại của tôi lại reo vang, báo số của chị đang gọi. Chị báo đã bán xong nhà, giúp con trả nợ và giờ gia đình đã chuyển tới một căn nhà nhỏ ở Lĩnh Nam.
Vì đã coi chị như người bạn chứ không đơn thuần chỉ là khách hàng cần tư vấn, khi sắp xếp được thời gian, tôi tìm đến nhà mới của chị chơi. Căn nhà 3 tầng nhỏ xinh, nằm trong con ngõ nhỏ. Sau khi đi qua phố lớn ổn ã, bụi bặm, đến khu nhà chị ở tôi như lạc vào một không gian mới, yên ả.
Trông chị có phần béo ra, gương mặt cũng không còn héo hon như trước. Chị vui vẻ dẫn tôi đi xem nhà. Nhà tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, được bài trí gọn gàng. Nói chung là căn nhà cho tôi cảm giác thanh bình. Rồi chị hồi hởi: Tôi vui lắm rồi. Ít ra là mình đã trút được gánh nặng trong lòng. Không còn những ngày ăn không ngon, ngủ không yên, nhắm mắt vào là thấy ác mộng, nơm nớp với món nợ lớn đổ lên đầu. Nhờ bán đi căn nhà chị đã giúp con trả hết số nợ hơn 3 tỷ. Sau đó anh chị mua căn nhà nhỏ trong ngõ này. Số tiền mặt còn lại, chẳng có nhiều, chị gửi vào tiết kiệm, thôi thì cũng có thêm khoản ra khoản vào giúp chị trong sinh hoạt hàng ngày.
Giá mà ngày trước, tôi tỉnh táo hơn. Tôi đừng than thân trách phận, rồi đi lễ bái một cách mù quáng. Chăng ai mong con mình sa cơ lỡ vận, nhưng đã thế rồi thì phải chấp nhận thôi. Cái chính là mình tìm ra con đường nào để thoát ra.
Con trai chị cũng hiểu sự thiệt thòi mà bố mẹ phải gánh chịu. Nó trở nên thận trọng, trầm tính hơn.
Hồi nghe tin con mắc nợ, tôi đã mắng con rất nhiều. Tôi oán đã sinh ra đứa con chẳng ra gì. Bằng tuổi nó, con nhà khác đã giúp cho bố mẹ nở mày nở mặt. Nhưng giờ, tôi nghĩ lại, thấy mình làm thế cũng chẳng ích gì. Dù sao đó cũng là con mình. Mà nó đâu phải hút sách, cờ bạc gì. Nó chỉ là gặp tai nạn khi kinh doanh thôi. Trong họa có phúc. Giờ mẹ con qua hoạn này mà trở nên thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Tôi nhìn nhận sự việc cũng thấu đáo hơn.
Nghĩ vậy nên chị cảm thấy lòng đỡ cồn lên tiếng sóng. Rồi chị khoe: Thôi thì trong họa có phúc. Nếu con không như vậy, biết bao giờ tôi mới có nhà mới để ở. Trước, cứ nghĩ cuộc sống thế là ổn. Giờ, hóa ra trời không triệt đường sống của ai bao giờ.
Tôi biết, chị nói vậy thôi chứ việc bán nhà bán cửa cũng là cực chẳng đã. Nhưng, tôi mừng vì chị đã lấy lại được thăng bằng để bước tiếp.
Theo Đời Sống Gia Đình