Dantin - Trả lời về vụ tai nạn thang máy chết người tại nhà chung cư tái định cư N5A Hoàng Đạo Thúy, đại diện Sở Xây dựng khẳng định, Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị được UBND TP Hà Nội giao quản lý, vận hành tòa nhà phải chịu trách nhiệm chính.
Vào lúc 8h20’ sáng 30/6, trong lúc đi kiểm tra chiếc thang máy đang bị trục trặc tại khu nhà tái định cư N5A (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), ông Trần Huy Tuấn (SN 1964, quê tại Việt Trì, Phú Thọ) là bảo vệ tại khu nhà đã bước hụt vào thang và rơi từ tầng 7 xuống đất, tử vong.
Thang máy hỏng 4 tháng, bảo vệ chết thảm
Gần 1 tuần sau khi sự việc xảy ra, Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị thuộc Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã có báo cáo về vụ việc.
Theo đó, khoảng 8h30’ ngày 30/6 ông Nguyễn Như Kết – Tổ trưởng tổ dân phố nhà N5A,B,C trú tại tầng 7 phòng 704 của tòa nhà xuống tầng 1 gặp anh Tuấn nhờ mở thang số 1 để kiểm tra. Ông Tuấn đã cùng ông Kết mở nguồn điện của thang số 1 và hai ông đi lên tầng 7. Sau khi bước ra khỏi cabin tầng 7, ông Tuấn đã dùng chìa khóa cứu hộ của tầng mang theo người mở cửa tầng 7 và không may bị ngã xuống đáy hố thang tầng 1 gây tử vong. Hiện đang chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Sáng cùng ngày, công ty quản lý & phát triển nhà Hà Nội và Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Xí nghiệp quản lý nhà) đã phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra để khai báo, tường trình sự việc, đồng thời thông báo cho gia đình ông Trần Anh Tuấn.
“Sau khi được phép của cơ quan công an, Xí nghiệp quản lý nhà đã chủ động thuê xe chở thi hài ông Tuấn đến nhà xác bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội… Sau khi khám nghiệm tử thi xong, được phép của cơ quan công an, gia đình đã mang thi hài ông Tuấn về quê mai táng. Xí nghiệp đã chủ động thuê xe để chở thì hài ông Tuấn về quê lúc 21 giờ cùng ngày” – báo cáo nêu.
Trong khi đó, trả lời báo chí về vụ việc, ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp quản lý nhà cho biết, “chức năng của bảo vệ là chỉ bảo vệ an ninh, trật tự và tài sản của nhân dân trong khu vực được giao nhiệm vụ, việc vừa qua là anh Tuấn tự ý mở cửa thang máy và không hề báo cáo lãnh đạo Xí nghiệp!”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, N5A là chung cư phục vụ tái định cư của TP Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư là Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội, thang máy do Cty TNHH thang máy và thiết bị Thăng Long cung cấp. Hai chiếc thang máy của nhà N5A mang nhãn hiệu Mitsubishi, có xuất xứ từ Thái Lan, và Sở Lao động Thương binh và xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký.
Cụ thể, tại thang số 1, ngày 30/8/2004 đã được cấp chứng nhận đăng ký số 19HNO 259, và thang máy số 2 được cấp đăng ký số 19HNO 258 ngày/30/8/2004. Ngày 6/8/2004 hai thang máy đã được thiết lập biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị nâng số 1347 ATXD-TBN-19.
Những người dân tại tòa nhà N5A, thang máy số 1 đã hỏng từ 4 tháng nay, cư dân đã nhiều lần đề nghị nhưng đơn vị quản lý không sửa chữa. Theo Quyết định 19/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, tại các tòa nhà thuộc khu tái định cư đều có 2% kinh phí trích từ tiền mua nhà của người dân để duy trì, bảo dưỡng tòa nhà nhưng không biết vì lý do gì, đơn vị quản lý không sử dụng để sửa chữa thang máy.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Minh – Phó phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, trong sự việc xảy ra tại nhà N5A, trách nhiệm chính thuộc về công ty này Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Theo ông Minh, số tiền 2% được công ty này giữ lại và chi tiêu theo sự giám sát của TP để quản lý vận hành các khu tái định cư. “Trong trường hợp công ty này có báo cáo lên đề nghị sửa thang máy thì Sở bao giờ cũng lập danh mục và chi tiền ngay chứ chưa bao giờ chậm trễ trong việc này”.
“Cần xử lý hình sự”
Đó là quan điểm của Luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Đời sống và Tiêu dùng về vụ việc.
Theo ông Thiệp, qua những thông tin về vụ tai nạn mà báo chí phản ánh, rõ ràng nguyên nhân xuất phát từ lỗi của con người, trong đó việc buông lỏng quản lý, giám sát, của cơ quan được giao quyền quản lý, vận hành, khai thác tòa nhà.
Việc những thang máy này bị hư hỏng, đặc biệt là các thiết bị điện tử của thang máy bị lỗi nghiêm trọng, người dân sinh sống ở đây đã báo cho Ban quản lý, cho Công ty được giao quyền quản lý tòa nhưng việc không sửa chữa kịp thời đã chỉ rõ trách nhiệm của những người liên quan, hậu quả chết người đã xảy ra và có mối quan hệ nhân quả rất rõ ràng, đây là những tình tiết, dấu hiệu được quy định trong Bộ luật hình sự.
“Quan điểm của cá nhân tôi thì các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật thì mới răn đe, phòng ngừa được các vụ việc tương tự, để người dân yên tâm sinh sống” – Luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Luật sư Thiệp cho biết, thang máy là một trong những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và vệ sinh lao động. Theo Thông tư 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14/11/2011 hướng dẫn kiểm định kỹ thuật an toàn các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì thang máy là đối tượng phải kiểm định định kỳ không quá 5 năm với hàng trăm chi tiết, linh kiện, hạng mục công trình liên quan với tiêu chuẩn áp dụng là TCVN cụ thể là:
- TCVN 6395-2008: Thang máy điện- yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt .
- TCVN 6904-2001: Thang máy điện- Phương pháp thử các yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt.
- TCVN 6396-1998: Thang máy thuỷ lực- yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt
- TCVN 6905-2001: Thang máy thuỷ lực- Phương pháp thử các yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt.
- TCVN 7628-2007: Thang máy - Yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng
- TCVN 5867 : 1995: Thang máy – Cabin, đối trọng, ray dẫn hướng yêu cầu an toàn.
Như trường hợp tại nhà chung cư N5A phố Hoàng Đạo Thúy thì quá trình sử dụng, thang máy có bị hỏng, lỗi và đã được thay thế, sửa chữa thì có thể kiểm định các chỉ tiêu về kỹ thuật an toàn của một số đối tượng thiết bị theo tiêu chuẩn khác. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp phải có các chỉ tiêu về kỹ thuật an toàn bằng hoặc cao hơn so với các chỉ tiêu quy định trong các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) mà pháp luật quy định.
“Hiện nay các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ việc, khi có kết luận chính thức thì mới có hướng xử lý cụ thể như thế nào cho phù hợp.
Nếu có dấu hiệu hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật” – Luật sư Thiệp nhận định.
Đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức sai phạm
Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo khẩn tăng cường kiểm tra, khắc phục sự cố thang máy tại các tòa nhà cao tầng.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, khắc phục ngay sự cố thang máy làm chết người xảy ra tại tòa nhà N5A Trung Hòa - Nhân Chính. Hà Nội cũng yêu cầu phải xử lý các sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình lắp đặt, xử lý, vận hành thang máy nói trên và báo cáo lại kết quả trước ngày 5/7.
Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và chủ đầu tư xây dựng, quản lý các công trình nhà cao tầng trên địa bàn thành phố rà soát, kịp thời sửa chữa, bảo trì, thay thế các thang máy bị hỏng hoặc thường xảy ra sự cố.
Đơn vị này cũng phải có giải pháp tổng thể tăng cường quản lý chất lượng công tác lắp đặt, quản lý, vận hành thang máy trong các tòa nhà chung cư cao tầng trên địa bàn.
Ngọc Lan